Tàu hút cát hoạt động rầm rộ trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua vùng giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước trước khi có lệnh tạm ngưng vào tháng 1-2019 - Ảnh: M.VINH
Ngày 17-5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị bàn về việc quản lý, khai thác hợp lý cát trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc địa phận chung các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước.
Đại diện các tỉnh thống nhất sẽ có văn bản chung về việc phối hợp quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai.
Hiện tại hoạt động khai thác cát khu vực sông Đồng Nai giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước bị tạm ngưng vì để xảy ra sạt lở diện rộng, tác động đến môi trường và sinh kế của nông dân sống ven sông.
Theo ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cuối tháng 5, văn bản chung sẽ được các tỉnh ký kết. Nếu chậm thì đầu tháng 6, các nguyên tắc quản lý chung phải được thông qua.
Đây sẽ là lần đầu tiên UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước cùng ký chung một văn bản phối hợp quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai và được xem như phương án giám sát đặc biệt đối với "cát tặc" trên tuyến sông này.
Lãnh đạo ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước cho rằng ngoài giám sát "cát tặc" thì phải xử lý trách nhiệm cá nhân đối với cán bộ để xảy ra việc khai thác cát lậu - Ảnh: M.VINH
Phải gắn định vị với tàu khai thác cát được cấp phép
Tại hội nghị, thượng tá Lương Đại Thủy, phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đồng Nai), cho biết nếu cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát trở lại thì đơn vị cấp phép phải xem xét thật kỹ uy tín của những đơn vị này.
Uy tín của những đơn vị này thể hiện qua việc họ có từng vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản không.
Tàu thuyền dùng để khai thác cát phải là loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải đăng ký với cơ quan chức năng.
"Tôi đề nghị phải gắn định vị để theo dõi hoạt động của tàu khai thác cát. Ngoài ra nghiêm cấm khai thác cát ban đêm", ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Lương Hận, phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), góp ý: "Mỗi tàu không được hút quá 100m3/ngày. Thời hạn của giấy phép chỉ được cấp 1 năm. Không cấp giấy phép dài hạn. Sau mỗi năm, nếu doanh nghiệp khai thác cát nào không mắc những sai phạm đã cam kết thì được phép gia hạn giấy phép, nếu không đảm bảo thì thu hồi".
Bãi tập kết cát tại huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) nằm ngay cạnh sông Đồng Nai, xe cộ ra vào chở cát tự do không bị giám sát sản lượng - Ảnh: M.VINH
Ông Võ Văn Chánh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị trong văn bản cần phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ đối với "cát tặc".
"Nếu để xảy ra việc khai thác cát lậu trên địa bàn gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân thì cán bộ từng cấp phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào? Cái này phải quy định và thống nhất với nhau trước", ông Chánh nói.
Nhà nước cấp phép cho đơn vị nào khai thác cát phải công khai tên doanh nghiệp, sản lượng cấp phép với người dân địa phương để cùng giám sát.
Nếu khai thác cát đúng giấy phép mà để sạt lở, phải xử lý cơ quan cấp phép
Theo ông Nguyễn Văn Yên, nếu để xảy ra sai phạm về khai thác cát thì xử lý người đứng đầu. Các tỉnh phải cùng nhau khảo sát lại sông Đồng Nai về trữ lượng và đặc điểm địa hình.
"Chỗ nào từng hoặc có nguy cơ sạt lở thì không được cấp phép. Nếu khai thác đúng giấy phép mà để sạt lở phải xử lý cơ quan cấp phép. Tôi đề nghị phải gắn camera quan sát ở các bãi tập kết cát để giám sát. Đối với các tàu hút cát phải có camera hành trình cùng định vị vệ tinh. Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chắc chắn sẽ không ngại chuyện này", ông Yên đề nghị.
Theo ông Yên, với văn bản thống nhất chung giữa các tỉnh lần này sẽ rộng cửa để các bên xử lý "cát tặc".
Ông nói: "Tàu khai thác cát của tỉnh Đồng Nai sai phạm thì lực lượng chức năng Lâm Đồng, Bình Phước có thẩm quyền xử lý và ngược lại. Tránh tình trạng trước đây, tàu Bình Phước sai phạm ở Lâm Đồng nhưng bỏ chạy về phía Đồng Nai thì thoát".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận