Cảnh trong phim Đường đến trường |
Gói gọn trong 17 phút, Đường đến trường là hành trình của hai chị em Hằng, Sua và các em ở bản Sáng, xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La vượt qua quãng đường 28km trong hơn năm tiếng đồng hồ để đến trường.
Chăm chút trong từng góc máy, những hình ảnh trong phim như một bức tranh đẹp về thiên nhiên miền núi phía Bắc. Nhưng hơn cả vẻ đẹp thấy bằng mắt là ý chí kiên cường của những đứa trẻ dân tộc thiểu số trong hành trình tìm kiếm tri thức.
Ăn vội vàng những nắm cơm, uống những ngụm nước suối bằng chiếc lá, bình tĩnh chạy qua con rắn hổ nằm giữa đường... Biết bao khó khăn trên chặng đường dài thăm thẳm.
Vậy mà những khuôn mặt trẻ thơ vẫn hồn nhiên bừng sáng và chúng cất cao tiếng hát: “Các bạn ơi, mau nhanh chân xuống núi, xuống núi... Đi học chữ, đường về trường còn xa lắm đấy...”.
Đường đến trường là tập đầu tiên trong loạt Đường đến trường (tổng cộng 6 tập) do Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục của Đài truyền hình Việt Nam sản xuất, từng được phát sóng trên VTV7, VTV1 và đoạt huy chương vàng ở hạng mục phim tài liệu tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2015.
Cảnh trong phim Tôi đẹp, bạn cũng thế! |
Tôi đẹp, bạn cũng thế! cũng tràn đầy sự tươi tắn, lạc quan về câu chuyện những người khuyết tật làm đẹp cho mình.
Biên tập viên Lê Mỹ Cường cho biết: “Sau khi phim phát sóng, nhiều khán giả cho biết họ rất khâm phục về nghị lực và những chia sẻ rất chân tình của người khuyết tật. Sau đó, Trường đại học Flinders mời đoàn làm phim cùng chị Vân - giám đốc Trung tâm xã hội nghị lực sống, nhân vật chính trong phim - đến Úc để giao lưu và trình chiếu bộ phim này trong khuôn khổ workshop (buổi học ngắn hạn) về phòng chống bạo lực với phụ nữ và phụ nữ khuyết tật”.
Sau buổi chiếu, một số giáo sư tại Úc đặt câu hỏi với đoàn làm phim, rằng ngoài việc làm đẹp, ở Việt Nam còn có những hành động nào để giúp người khuyết tật có thêm sự tự tin để hòa nhập cộng đồng?
“Những câu hỏi này đã là những gợi ý để chúng tôi tiếp tục nghĩ đến các đề tài mới, mang tính nhân văn về thân phận của những người không may mắn trong xã hội” - Mỹ Cường chia sẻ.
Cảnh trong phim Cô dâu bỏ trốn |
Còn Cô dâu bỏ trốn trở thành chương trình thời sự đầu tiên của VTV được vào vòng chung kết ABU. Câu chuyện của những người phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài không chịu được sự hà khắc phải bỏ trốn đã được nói đến nhiều trên truyền hình và báo chí, nhưng nét riêng của phóng sự Cô dâu bỏ trốn là đề cập đến thực trạng đáng buồn về hậu quả của việc chạy trốn này.
Hàng chục đứa con lai trở về Việt Nam cùng mẹ không được đến trường học vì là những đứa trẻ có quốc tịch nước ngoài, không có giấy khai sinh, không có tên trong sổ hộ khẩu như những đứa trẻ bình thường khác...
Phóng viên Nguyễn Ngân cho biết Cô dâu bỏ trốn dài 10 phút, được làm lại từ ba phóng sự ngắn của VTV về thực trạng cô dâu Việt bỏ trốn khỏi gia đình chồng.
Chị kể: “Khi về Việt Nam các cô đều phải đi làm xa nên chúng tôi tranh thủ đi công tác trong dịp lễ 30-4 và 1-5 mới có thể gặp họ khi họ trở về thăm gia đình. Chúng tôi muốn thực trạng đáng báo động này đến tai các cơ quan chức năng để họ tháo gỡ những vướng mắc, giúp các em được đến trường như bao đứa trẻ khác...”.
ABU Prizes là giải thưởng của Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tôn vinh các chương trình xuất sắc trong lĩnh vực truyền hình và phát thanh. Năm nay có hơn 200 tác phẩm tham gia. Việt Nam có 3 tác phẩm được lọt vào vòng chung kết. Cụ thể: hạng mục phim tài liệu ngoài Tôi đẹp, bạn cũng thế! còn có 5 tác phẩm của các nước Hàn Quốc (2 tác phẩm), Đức, Hungary, Nhật. Thể loại tin tức có 4 tác phẩm của Hong Kong, Nhật, Nga và Việt Nam (Cô dâu bỏ trốn). Thể loại chương trình dành cho trẻ em có 4 tác phẩm của các nước Sri Lanka, Đức, Iran, Việt Nam (Đường đến trường). Cô dâu bỏ trốn và Đường đến trường cũng là 2 trong 4 đề cử nhận giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo. Buổi trao giải diễn ra ngày 24-10 trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng ABU lần thứ 53 (từ ngày 18 đến 26-10) tại Bali, Indonesia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận