13/10/2013 05:20 GMT+7

3 phiên tòa trong một buổi sáng

HÀ CHÂU
HÀ CHÂU

TT - Phòng xử chật, chỉ có vài hàng ghế nhỏ. Có đến bốn bị cáo của ba vụ án khác nhau ngồi dàn hàng ngang chờ được xử phúc thẩm do có kháng cáo.

Cả bốn cùng bị còng tay, cùng mặc áo sáng màu, cùng vóc dáng, cùng một kiểu cúi mặt trước vành móng ngựa. Phía sau họ, cạnh họ, xung quanh họ là hàng chục cảnh sát tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ, dẫn giải ở phiên tòa. Cảnh sát đông, không phải bởi đây là vụ trọng án, mà bởi nhiều bị cáo, chỉ đơn giản vậy thôi.

Cho rằng mức án dành cho mình là quá nặng, bị cáo Lê Đức Sỹ (quê Thanh Hóa) bị án sơ thẩm 2 năm tù vì tội trộm cắp xin hội đồng xét xử: “Bị cáo thấy rằng bị cáo chỉ lấy trộm có một hộp sữa mà bị tù đến hai năm là quá nặng, nên xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm được ra tù”. Những lời nói ngắn ngủi của Sỹ không được chấp nhận, thậm chí chủ tọa phiên tòa còn cho rằng: “Bị cáo có một tiền án, một tiền sự trộm cắp cướp giật vẫn chưa được xóa án tích nên tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm để răn đe”.

Cũng không có tình tiết nào để giảm nhẹ, bị cáo Trần Minh Hiếu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị y án mức sơ thẩm. Cả hai vụ án đều được xét xử nhanh chóng, gọn gàng, bị cáo cũng chẳng đưa ra được lời bào chữa nào cho mình nên mỗi phiên xét xử chỉ diễn ra vài chục phút. Không có người thân đến dự tòa, cũng chẳng có luật sư bào chữa, tuyên án xong cả hai bị cáo nhanh chóng bị đưa ra khỏi phòng xử.

Ba vụ, nhưng chỉ một vụ có thân nhân bị cáo đến xem xét xử. “Vì tôi nghĩ em mình oan, ở phiên xét xử sơ thẩm, đưa lên xe chở phạm nhân rồi mà nó còn hét lên và khóc lóc: “Kháng cáo cho em. Em bị oan, em không ăn cướp. Bởi tiếng gào thét ấy mà các chị đã gác lại công việc để mướn luật sư” - chị gái của bị cáo Trần Văn Tài (Kiên Giang) nói như vậy. Chị giải thích thêm: “Nó nói nó chỉ cho người ta mượn xe, không biết người ta mượn để đi cướp, nhưng án sơ thẩm tuyên nó đến chín năm thì nặng quá”.

Sau khi xem xét bản án, hồ sơ chứng cứ, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm liên quan đến bị cáo Tài vì những vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng: “Đây là một băng cướp có tổ chức gây ra đến tám vụ cướp với số tài sản được định giá lên tới gần 300 triệu đồng và mức án dành cho những bị cáo cầm đầu trong vụ án lên tới 20 năm thì không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện”. Kết quả là tòa tuyên hủy án.

Các bị cáo bị dẫn giải đi rồi, thẩm phán Vũ Thanh Lâm - chủ tọa phiên tòa - mới ngồi sắp xếp lại hồ sơ vụ án: “Vừa hết một buổi sáng. Làm nghề rồi thì phải chịu, buổi sáng xét xử ba vụ rất mệt”. Sửa án, hủy án sơ thẩm là tình trạng không hiếm tại những phiên xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM và việc xét xử chóng vánh một phiên tòa phúc thẩm cũng không phải là cá biệt. Điệp khúc “xét hỏi, tranh luận, nghị án” mỗi phiên chỉ diễn ra trong vài chục phút cũng được lặp đi lặp lại. Việc các bị cáo xếp hàng ngồi chờ đến lượt xét xử cũng không có gì lạ. Và có phiên phúc thẩm, bị cáo được sửa án giam thành án treo, được tha bổng tại tòa nhưng chẳng có người thân nào đón, chẳng có niềm vui nào được chia sẻ. “Xét xử mãi rồi cũng quen” - thẩm phán Lâm nói rồi vòng cả hai tay ôm chồng hồ sơ to tướng rời phòng xét xử.

HÀ CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp