Nguyễn Phan Linh Đan, Mai Huyền Chi và Phạm Hoàng Minh Thy - Ảnh: SINGAPORE MEDIA FESTIVAL
Hôm 1-12, Variety có bài ghi nhận, khen ngợi 3 nữ đạo diễn Việt Nam tham gia Phòng thí nghiệm phim Đông Nam Á - một hoạt động của Liên hoan truyền thông Singapore năm nay (diễn ra từ ngày 25-11 đến 5-12).
Đó là Nguyễn Phan Linh Đan, Mai Huyền Chi và Phạm Hoàng Minh Thy. Trang báo chuyên về điện ảnh của Mỹ đánh giá 3 nhà làm phim trẻ đều theo đuổi những đề tài đa dạng về con người. Tuổi Trẻ Online trích đăng một số nhận xét.
Nguyễn Phan Linh Đan và phim chuyển thể 'Tấm ván phóng dao'
Nguyễn Phan Linh Đan học điện ảnh tại New York, rồi trở về Việt Nam làm nhà quay phim và đạo diễn một số phim ngắn. Dự án phim điện ảnh đầu tay của cô là If Wood Could Cry, It Would Cry Blood, chuyển thể từ tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của nhà văn Mạc Can.
Cuốn sách kể về trải nghiệm ấu thơ của Mạc Can khi ông là con thứ trong một gia đình kiếm sống bằng nghề diễn xiếc lưu động. Bộ phim chuyển thể tập trung vào 3 đứa trẻ phải diễn màn phóng dao đầy nguy hiểm - tiết mục thành công nhất của gánh xiếc.
Cảnh trong một phim ngắn của Nguyễn Phan Linh Đan - Ảnh: linh-dan.com
Nguyễn Phan Linh Đan nói với Variety: "Chủ đề xuyên suốt của phim là sự áp bức. Những người phụ nữ gặp nguy hiểm là xu hướng quen thuộc trong giải trí. Cô gái càng bé nhỏ và yếu ớt trước mối nguy hiểm thì màn biểu diễn càng kịch tính. Câu chuyện có thật giúp nâng cao nhận thức về vai trò dâng hiến của nữ giới mà tôi rất đồng cảm".
Lấy bối cảnh thời kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, bộ phim cũng kể về những đứa trẻ tìm kiếm chính mình trong một thời kỳ chuyển giao văn hóa, những giá trị cũ bị rơi rớt trên đường đi. Khi đất nước đấu tranh giành độc lập, những đứa trẻ cũng phải đấu tranh để thoát khỏi sự kìm kẹp.
Thông qua cuộc đời của các nhân vật, Linh Đan muốn giới thiệu một chương của lịch sử Việt Nam và bộc lộ những cảm xúc riêng của cô.
Mới đây, If Wood Could Cry, It Would Cry Blood tham dự Chợ dự án châu Á ở Liên hoan phim Busan và nhận giải ArteKino. Bộ phim đang huy động vốn.
Mai Huyền Chi và phim tài liệu về sông Mekong
Mai Huyền Chi từng là tổng biên tập tại MSN Vietnam nhưng quyết định trở thành nhà làm phim. Cô theo học thạc sĩ biên kịch tại London, Anh. Cô từng biên kịch các phim A Brixton Tale và The Girl from Dak Lak.
Đến Singapore lần này, Mai Huyền Chi mang theo dự án phim tài liệu The River Knows Our Names, kể về những phận người sống trôi nổi trên dòng sông Mekong. Cô đã theo đuổi ý tưởng này nhiều năm trời, từng làm phim ngắn.
Trong quá trình phát triển kịch bản, nhóm lên kế hoạch sống cùng cộng đồng này và khảo sát khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Nhưng do COVID-19, dự định không thực hiện được. Nhóm đang giới thiệu dự án ở một số thị trường, nhưng xác định nhiệm vụ quan trọng là dành thời gian phát triển kịch bản dựa trên nghiên cứu thực địa.
Phạm Hoàng Minh Thy làm phim để chữa lành
Dự án được Phạm Hoàng Minh Thy mang đến Singapore là Daughter of the Mountain God (Con gái thần Núi). Phim kể về một nữ đạo diễn trẻ được một tên trộm dẫn đi tìm địa điểm quay phim ở một ngọn núi bị phá để dành đất cho các dự án xây dựng.
Minh Thy hiện theo học thạc sĩ phê bình lý thuyết điện ảnh. Cô có dự án Live in Cloud - Cuckoo Land (Mây nhưng không mưa), làm chung với Vũ Minh Nghĩa, được chọn tranh giải hạng mục phim ngắn Orizzonti Short tại Liên hoan phim Venice 2020.
Phim "Mây nhưng không mưa" của Phạm Hoàng Minh Thy và Vũ Minh Nghĩa - Ảnh: CJ
Phạm Hoàng Minh Thy chia sẻ với Variety: "Mỗi khi buồn, tôi thường trở về với mẹ cũng như với núi để chữa lành. Nhưng trong vài năm trở lại đây, có lẽ núi, quê hương và thiên nhiên mới là đối tượng cần chữa lành.
Hơn tất cả, tôi muốn làm một bộ phim để chữa lành cho bản thân trước những thay đổi chóng mặt, lưu giữ một ít ký ức đô thị và ký ức của thế hệ mình...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận