19/02/2011 06:53 GMT+7

3 nguy cơ cho đường sắt cao tốc Trung Quốc

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Sau khi ông Lưu Chí Quân, bộ trưởng đường sắt Trung Quốc, bị cách chức để điều tra, nhiều vấn đề cũng là những nguy cơ được đặt ra cho ngành đường sắt.

EDiOcKep.jpgPhóng to
Một chuyến tàu cao tốc khởi hành từ vùng duyên hải miền nam Trung Quốc vào trong nội địa - Ảnh: Tân Hoa xã

Sự phát triển chóng mặt của hệ thống đường sắt được xem là biểu tượng cho phát triển nhanh của Trung Quốc. Sự phát triển nóng này không khỏi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nguy cơ an toàn

YeiwZKsx.jpgPhóng to
Ông Lưu Chí Quân - Ảnh: ifeng.com
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có giá thành rẻ hơn hệ thống cùng loại ở phương Tây và Mỹ. Báo New York Times ước tính 1,6km đường sắt ở Trung Quốc có giá thành chỉ khoảng 15 triệu USD, trong khi đó giá ở Mỹ có thể dao động 40-80 triệu USD. Theo báo The Financial Times, ông Yoshiyuki Kasai - chủ tịch Công ty Đường sắt Nhật Bản - đã cảnh báo các vấn đề an toàn tiềm ẩn trong hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc là đáng quan ngại bởi nước này đang sử dụng công nghệ tàu của Nhật Bản nhưng tốc độ lại nhanh hơn tàu cùng loại của Nhật đến 25%.

Thật ra, ngay tại Trung Quốc đã râm ran dư luận đặt vấn đề về chất lượng xây dựng và an toàn trong các công trình đường sắt. Một quan chức giấu tên trong ngành đường sắt Trung Quốc cho biết những cọc bêtông trong hệ thống đường sắt cao tốc kém chất lượng. Điều này làm cho tàu chỉ chạy được vận tốc 349 km/giờ trong vài năm, sau đó xuống cấp thì tốc độ chỉ còn khoảng 300km/giờ do đường ray có thể bị vênh. Báo cáo của Viện Thiết kế đường sắt Trung Quốc năm 2008 ghi nhận các cọc bêtông sử dụng trong hệ thống đường sắt đã được chế tạo quá nhanh và độ kết dính trong các cọc bêtông này có thể không đảm bảo chất lượng xây dựng.

Thế nhưng, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin thân cận chính phủ cho biết việc ông Lưu rơi đài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành đường sắt, nhưng Chính phủ Trung Quốc sẽ không thay đổi kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc và năng lực vận chuyển của ngành này trong vài chục năm tới. Nhật Báo Đường Sắt Trung Quốc dẫn lời ông Thịnh Quang Tổ - người kế nhiệm ông Lưu - cho biết Trung Quốc vẫn đảm bảo xây dựng các hạng mục của ngành, với khoản đầu tư 3.600-4.000 tỉ nhân dân tệ trong các năm 2011-2015.

Nguy cơ tham nhũng

Báo Quan Sát Kinh Tế (Trung Quốc) cho biết trước khi bộ trưởng Lưu Chí Quân bị bắt, trong tháng 1-2011 cơ quan điều tra đã bắt giữ ông La Kim Bảo, cựu quan chức của Bộ Đường sắt kiêm giám đốc hai công ty, liên quan đến thiết bị hậu cần của ngành này.

Tuy báo chí Trung Quốc không nói rõ ông La có liên quan đến việc mất chức của ông Lưu nhưng báo Quan Sát Kinh Tế dẫn lời một quan chức điều hành ngành khai thác than tỉnh Sơn Tân xác nhận chính ông La là đầu cầu kết nối giữa ông Lưu Chí Quân và bà Đinh Thư Miêu, trùm về ngành giao thông vận tải ở Sơn Tây từ năm 2000, khi ông Lưu còn là thứ trưởng đường sắt. Mối quan hệ đó đã giúp bà Đinh giành được gói thầu bán thanh chắn chống ồn trong hệ thống đường sắt cao tốc từ năm 2003. Báo Quan Sát Kinh Tế còn cho biết thêm số tiền trong vụ tham nhũng của ông Lưu với bà Đinh có thể lên đến 10 tỉ nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, tạp chí Doanh Nhân Trung Quốc (ấn phẩm của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) số ngày 15-2 đã dẫn nguồn từ báo China Times của Đài Loan cho biết ông Lưu Chí Quân còn bị đồn đãi có đến 18 nhân tình và chưa tốt nghiệp đại học. Trước đó, truyền thông Hong Kong đã lật lại vụ án quan tham Lưu Chí Cường - cựu phó giám đốc cơ quan đường sắt Vũ Hán (Hồ Bắc) - đã bị tuyên án tử hình năm 2006 do tội tham nhũng và cố ý giết người tố giác hành vi của ông ta. Đáng lưu ý, vị quan tham này là em trai của ông Lưu Chí Quân.

Nguy cơ vỡ nợ

Trước khi mất chức, ông Lưu đã công bố tham vọng đầu tư kéo dài thêm 13.035km đường sắt cao tốc và khoảng 17.702km đường sắt truyền thống trên toàn Trung Quốc với khoản đầu tư ước tính lên đến 750 tỉ USD, trong đó có 395 tỉ dành cho hạng mục đường sắt cao tốc.

Giới phân tích tài chính từng cảnh báo tiến trình xây dựng hệ thống đường sắt theo lệnh của ông Lưu Chí Quân từ năm 2003 đến nay có khả năng đẩy Bộ Đường sắt vào con đường vỡ nợ. Năm 2010, số nợ của bộ này đã ở mức khó tiên lượng được hậu quả.

Phân tích do Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc đưa ra trong tuần này cho biết số nợ của bộ này đã lên đến 56% tổng số tài sản của Bộ Đường sắt Trung Quốc và có khả năng chạm mức 455 tỉ USD, tương đương 70% tổng tài sản của bộ này vào năm 2020. Báo Tài Kinh cho biết trước khi bị cách chức, ông Lưu đã khởi động chương trình bán cổ phần trong ngành đường sắt cho các nhà đầu tư là các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc, động thái được cho là để “chạy” nợ.

Báo cáo của Ngân hàng Dân sinh còn cho rằng mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có thể còn thua lỗ trong 20 năm tới do giá vé của loại vận tải này cao hơn nhiều lần so với giá vé truyền thống và có nguy cơ bị người dân tẩy chay. “Chúng tôi không thể với tới giá vé này trong nhiều năm nữa” - một lao động nhập cư ở Bắc Kinh cho biết. Trong khi đó, hệ thống đường sắt cũ lại hoạt động không mấy hoàn hảo. Chẳng hạn trong mùa cao điểm trước tết âm lịch vừa rồi, nhiều hành khách nổi điên trước các chuyến tàu lửa nhồi nhét, giá vé cao cắt cổ.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp