
Nhóm công nhân băng qua khe hở giữa các dải phân cách trên đường ĐT 743, Bình Dương - Ảnh: XUÂN ĐOÀN
Theo thống kê, trên địa bàn Đội cảnh sát giao thông An Sương (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) phụ trách trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025 xảy ra 4 vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Nguyên nhân là người đi qua đường không đúng nơi quy định.
Điển hình trưa 25-3, bà N.T.T. (70 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) băng qua đường Lê Quang Đạo (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) đã bị xe bồn tông phải khi xe đang chạy trên làn đường dành cho ô tô.
Tai nạn làm bà T. tử vong tại chỗ.
Bạn đọc Mạnh Quang gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ thêm xung quanh chuyện đi bộ hiện nay.
Dẫn du khách đi bộ qua đường không đúng vạch, còn đứng giữa đường chụp hình
Đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) đông đúc với lượng xe cộ qua lại khá đông.
Trên đường này, đặc biệt là đoạn từ đầu giao với đường Võ Văn Kiệt đến chân cầu Ba Son có nhiều chỗ dành cho người đi bộ băng qua đường, với vạch kẻ rõ ràng, đèn tín hiệu dễ sử dụng.
Bên cạnh nhiều người có ý thức tốt, băng qua đường đúng vạch, hoặc nhấn chờ đèn tín hiệu, không ít trường hợp người đi bộ qua đường một cách tùy tiện, cứ chỗ nào tiện là băng qua, bất chấp nguy cơ xảy ra tai nạn.
Có lần, không chỉ tôi, mà nhiều xe phải thắng gấp khi cả một đoàn du khách hơn 20 người được hướng dẫn viên dẫn băng sang đường không đúng vạch. Đã thế còn dừng giữa đường để chụp ảnh, quay phim.
Thật không hiểu nổi "trải nghiệm" được gì khi băng qua đường như vậy.
Không phải đến khi nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, mà từ trước đó nhiều người đã hình thành thói quen đứng chờ đèn xanh cho người đi bộ chuyển xanh mới sang đường.
Khi sang đường thì sẽ đi trên vạch kẻ dành riêng cho người đi bộ. Thói quen này không chỉ tạo nét đẹp khi lưu thông trên đường mà còn giúp đảm bảo an toàn cho cả người đi bộ lẫn người chạy xe.
Thế nhưng với không ít người, việc băng qua đường đúng luật, đúng nơi quy định dường như vẫn còn có gì đó "cấn cấn".
Thản nhiên băng qua đường, bất chấp xe cộ
Người thì cho rằng mất thời gian đi bộ đến đúng nơi quy định rồi mới sang đường, người thì cho rằng miễn "canh" trống xe rồi đi qua là được.
Vậy nên mới có những "hình ảnh giật mình" khi đang lái xe bon bon trên quốc lộ 22 thì tự dưng có người thình lình chạy ra chỗ con lươn rồi leo qua.
Hay chỗ đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) có đoạn có cầu dành cho người đi bộ nhưng nhiều người, kể cả các bạn học sinh, sinh viên, vẫn chọn băng qua đường, leo qua con lươn để đi chỉ vì như vậy tiện nhất, nhanh nhất.
Rồi những cầu bộ hành ở các công viên, bệnh viện đã được xây dựng đẹp đẽ, làm mái che, trồng hoa kiểng bắt mắt... nhưng vẫn bị nhiều người "thờ ơ", cứ băng qua bên dưới đường, bất chấp xe cộ đang qua lại đông nghẹt.
Có đoạn đường, tài xế thường xuyên phải tập trung cao độ, giảm tốc đột ngột, thắng bất ngờ vì thường có các cặp đôi lao ra giữa đường để… chụp ảnh cưới.
Tiện, lợi, nhanh, hay đẹp thì chưa rõ, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thì chắc chắn đã rõ.
Đôi lần, một vài đồng nghiệp của tôi ít khi đi nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi đến các thành phố như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và thấy cảnh tất cả mọi người đi bộ đứng chờ đèn đỏ, kể cả hai phía xe không chạy do dừng chờ đèn thì cũng không ai băng qua một cách tùy tiện.
Đến khi đèn xanh, cả dòng người mới cùng nhau băng sang đường.
Ở một khía cạnh khác, người đi bộ cũng mong muốn được đi bộ sang đường an toàn, không bị lấn chiếm vỉa hè, lối đi bộ, cũng như được xe cộ nhường đường khi đang băng qua đường đúng vạch.
Như ở khu nhà tôi, mỗi lần băng qua đường khi đèn cho người đi bộ chuyển xanh đều phải ngoái nhìn hai hướng "canh" dòng xe.
Có hôm, xe dừng ngay vạch sang đường, nhiều hôm khác thì chẳng xe nào có ý định nhường đường cho người đi bộ, dù theo quy định, người đi bộ sang đường đúng luật, đúng nhịp đường sẽ được ưu tiên.
Quy định đã có, và quy định đi qua đường đúng nơi quy định là cũng vì sự an toàn của tất cả mọi người.
Nếu chưa có thói quen đó thì hãy tập dần, quen dần để thấy đi bộ đúng luật, qua đường đúng nơi quy định.
Đi bộ đúng luật để hình thành thói quen tốt, để đảm bảo an toàn cho mình và những người liên quan. Khó lắm sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận