Sinh viên thực hành tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thông tin này vừa được Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM đưa ra chiều 14-7 tại Hội nghị sơ kết thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2015 - 2022.
Đến năm 2030, trường không tự chủ có thể bị sáp nhập
Theo đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong thời gian tới TP sẽ giảm số lượng đầu mối trường nghề công lập trên cơ sở sáp nhập các trường không đảm bảo diện tích, quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo.
Cụ thể đến năm 2025, TP sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng hoặc sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường cao đẳng đang hoạt động hiệu quả. Khi đó, dự kiến TP sẽ còn 9 trường cao đẳng công lập và 8 trường trung cấp công lập thuộc TP.
Đến năm 2030 sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng. Lúc này, TP còn 6 trường cao đẳng công lập và 3 trường trung cấp công lập thuộc TP. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công do TP quản lý đạt chuẩn về quy mô diện tích, tuyển sinh.
Về kiểm định chất lượng, đến năm 2025 sẽ có từ 40% trường cao đẳng công lập thuộc TP được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao.
Đến năm 2030 có từ 70% trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao. Ít nhất 10 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 hoặc các nước phát triển trong nhóm G20.
Về tự chủ tài chính, đến năm 2025 có ít nhất 20% trường nghề công lập thuộc TP quản lý tự chủ tài chính, có đến 40% trường trung cấp, cao đẳng công lập và tư thục tự chủ tài chính.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ. Trong trường hợp trường nào không tự chủ được sẽ phải xem xét sáp nhập.
Nhiều trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm 100%
Theo thống kê tại các trường được khảo sát, quy mô đào tạo các nghề xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy 48,1% học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, 24,3% theo học lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, 8,7% học lĩnh vực du lịch, 8,3% học lĩnh vực y tế…
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của các trường nghề khá cao.
Cụ thể, khoảng 81,76% sinh viên sau tốt nghiệp trường cao đẳng trên TP có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Một số đơn vị có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% gồm Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, Trường cao đẳng Kinh tế - công nghệ TP.HCM, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, Trường cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.
Tỉ lệ có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo sau tốt nghiệp ở khối trường trung cấp đạt khoảng 79,96%.
Một số đơn vị có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% gồm Trường trung cấp Nghề Bình Thạnh, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật quận 12, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trường trung cấp Kỹ thuật - kinh tế Sài Gòn 3, Trường trung cấp Bách Nghệ TP.HCM…
"Khơi thông" chuyện liên thông
Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cũng nhìn nhận vấn đề liên thông của học sinh từ hệ giáo dục nghề nghiệp lên đại học hiện nay vẫn còn một số bất cập, phần lớn do những thủ tục pháp lý.
Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng cần có quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể ký kết, thỏa thuận về liên thông, cũng như thay đổi chương trình đào tạo, cam kết chất lượng và công nhận chất lượng của nhau.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm tích cực hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho việc phân luồng, liên thông trong đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận