24/02/2025 08:17 GMT+7

3 năm chiến sự Nga - Ukraine: Gió đã đổi chiều

Từ những phát biểu có tính khẩu chiến giữa một bên là Washington và bên kia là Brussels và Kiev, lập trường thay đổi của Mỹ đối với cuộc xung đột Ukraine đã mang tính chính thức.

Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4: Gió đã đổi chiều - Ảnh 1.

Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh ghép của ABC NEWS

Mỹ đã phản đối gọi Nga là "kẻ xâm lược" trong một tuyên bố mới của G7 về Ukraine, cùng lúc Washington cũng từ chối là đồng tác giả dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 3 năm cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine (24-2-2022 - 24-2-2025).

Từ những phát biểu có tính khẩu chiến giữa một bên là Washington và bên kia là Brussels và Kiev, lập trường thay đổi của Mỹ đối với cuộc xung đột Ukraine đã mang tính chính thức.

Bức tranh tổng thể tệ hơn kỳ vọng

Theo báo Financial Times ngày 20-2, Mỹ không còn gọi Nga là "kẻ xâm lược" trong tuyên bố G7, và cụm từ "sự xâm chiếm Ukraine của Nga" - như phương Tây vẫn dùng trước đây, đã được Washington đề nghị đổi thành cụm từ "xung đột Ukraine".

Tờ báo so sánh, trong tuyên bố trước của G7 vào ngày 24-2-2024, cụm từ "sự xâm lược của Nga" đã được sử dụng 5 lần.

Còn theo Reuters, việc Mỹ từ chối làm đồng tác giả dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine và lên án Nga dự kiến được công bố vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm ngày nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, là do "lợi ích của chúng tôi trùng nhau" (dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz).

Hãng Reuters mô tả quyết định rút lại sự ủng hộ đối với dự thảo văn kiện của Mỹ là "sự thay đổi đột ngột của đồng minh mạnh nhất của Ukraine". Trong những năm trước, Mỹ luôn đồng bảo trợ các nghị quyết tương tự "nhằm ủng hộ nền hòa bình công bằng ở Ukraine".

Ông Alexander Gabuyev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Âu Á Carnegie ở Berlin, mô tả cục diện chung sau 3 năm xung đột, cho rằng bức tranh tổng thể tệ hơn nhiều so với kỳ vọng chiến thắng mà các chính khách phương Tây thường nhắc đến.

Ông nhận định: trong khi chịu nhiều tổn thất, Nga vẫn tiếp tục tiến quân. Hơn nữa, Kremlin đã bắt đầu tái vũ trang quân sự. Đến năm 2030, cỗ máy chiến tranh của Nga có thể sẽ lớn hơn và tốt hơn.

Nền kinh tế Nga, đối mặt với "cơn sóng thần" trừng phạt của phương Tây, lẽ ra đã phải tan hoang từ lâu. Nhưng không giống như Liên Xô, Nga hoạt động theo nguyên tắc thị trường và được quản lý bởi các nhà kỹ trị có năng lực.

Ngoài ra Nga còn là nước xuất khẩu dầu mỏ và nhiều mặt hàng khác, rất khó có thể đóng cửa hoàn toàn mà không gây gián đoạn thị trường toàn cầu. Điều này, cùng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc và các nước không phải phương Tây khác, đã giải thích khả năng phục hồi của Nga.

Với Ukraine, cuộc chiến đã diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, ít nhất là kể từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm 2023. "Nhưng việc ông Trump đắc cử khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều", ông Gabuyev viết trên tờ Financial Times.

Trong khi đó tình hình châu Âu cũng trở nên xấu hơn so với năm 2022. Tiến độ hiện đại hóa cơ sở công nghiệp quốc phòng vẫn chưa đồng đều. Quá trình phục hồi khó khăn sau đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi hậu quả của xung đột quân sự, khiến việc tăng chi tiêu quốc phòng trở nên khó khăn đối với cử tri.

Điều quan trọng nhất là thay vì giữ vai trò truyền thống là trụ cột an ninh châu Âu, chính nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump lại đang trở thành nguồn rủi ro. Thêm vào đó, quan hệ trong nội bộ EU cũng như giữa các nước lớn ngày càng trở nên chia rẽ.

Toan tính của các bên

Theo báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung, những động thái mới nhất của Washington cho thấy ông Trump đang đặt cược vào một "cuộc mặc cả lớn", trong đó Ukraine không phải là ưu tiên mà chỉ là một quân bài trong cuộc chơi toàn cầu chống lại Trung Quốc.

Báo Wall Street Journal cho rằng việc ông Trump "đột ngột và nhiệt tình ủng hộ Nga" một phần xuất phát từ mong muốn chiến lược nhằm gây chia rẽ Matxcơva và Bắc Kinh - hai cường quốc từ lâu đã tìm cách chấm dứt sự thống trị của Mỹ đối với trật tự quốc tế.

Tuy nhiên việc chia cắt Nga và Trung Quốc - hai quốc gia từng tuyên bố vào năm 2022 rằng họ gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị "không giới hạn" - sẽ không dễ dàng. Hai nước đã tăng cường hợp tác quân sự, tình báo và phối hợp chính sách đối ngoại.

Trung Quốc cung cấp cho Nga sự hỗ trợ kinh tế đáng kể, bao gồm chip máy tính và máy công cụ được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự.

Xung đột Ukraine ngoài việc kéo Nga lại gần hơn với Trung Quốc còn củng cố liên minh giữa Nga với Iran và Triều Tiên - những quốc gia cung cấp đạn dược, máy bay không người lái, tên lửa cho Nga.

Các quan chức Mỹ gọi sự xuất hiện của trục liên kết mới này là mối đe dọa chiến lược mà quân đội Mỹ sẽ khó có thể giải quyết đồng thời, và cho rằng việc ông Trump khẩn trương chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine là do nhu cầu làm suy yếu, nếu không muốn nói là phá vỡ, mặt trận chung của những đối thủ này.

Matxcơva phản ứng một cách kiềm chế trước những tuyên bố và động thái mới nhất của ông Trump. Thư ký báo chí Dmitry Peskov chỉ tuyên bố rằng Điện Kremlin "hoàn toàn đồng ý" với lập trường của ông Trump về nhu cầu chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời nói thêm rằng đối thoại với Mỹ nên bao gồm "mọi thông số".

Không giống như tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đưa ra những bình luận ngắn gọn về "bước đầu tiên" để củng cố "lòng tin" giữa Mỹ và Nga.

Báo Le Monde lý giải sự kiềm chế của ông Putin như sau: Trong những năm gần đây, thái độ đối đầu của ông đối với Mỹ đã biến ông thành một nhà lãnh đạo có tư tưởng chống phương Tây trong số các quốc gia ở Nam Bán cầu.

Một sự thay đổi quá đột ngột có thể làm suy yếu quyền lực của ông trong mắt các đối tác châu Phi và châu Á.

Dùng dằng đàm phán thỏa thuận khoáng sản

Bất chấp sự ngờ vực và tức giận, nhóm của ông Trump vẫn tiếp tục đàm phán với ông Zelensky và một thỏa thuận về quyền khai thác khoáng sản mới sẽ "sớm được ký kết".

Ngày 20-2, sau cuộc gặp với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại Kiev, ông Zelensky đã ra tuyên bố cảm ơn nước Mỹ vì sự hỗ trợ và nói Ukraine sẵn sàng ký một thỏa thuận mạnh mẽ và hiệu quả về đầu tư và an ninh với tổng thống Mỹ.

Cố vấn an ninh Waltz tuyên bố trên trang Axios rằng "ông Keith Kellogg đã giúp ông Zelensky hiểu rằng cuộc xung đột cần phải chấm dứt".

Tuy nhiên đến chiều 22-2, đài SkyNews lại đưa tin ông Zelensky chưa sẵn sàng ký kết vì "còn một số vấn đề" và các dự thảo "chỉ thể hiện nghĩa vụ của một phía Ukraine".

Những "sự cố" của quan hệ Zelensky - Trump

Trang thông tin Axios ngày 20-2 dẫn lời "6 quan chức chính quyền" tiết lộ những "sự cố" ông Zelensky tạo ra trong 9 ngày đã khiến giới lãnh đạo Mỹ tức giận.

Ngày 12-2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã gặp ông Zelensky tại Kiev, đề xuất cho Mỹ tiếp cận các quyền khai thác khoáng sản của Ukraine để đổi lấy sự bảo vệ thực tế của Mỹ.

Sau đó ông Trump nói với các phóng viên rằng ông Zelensky "thô lỗ" và hoãn cuộc gặp với Bộ trưởng Bessent vì ông ta ngủ quên.

Ngày 14-2, tại Hội nghị an ninh Munich, Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp ông Zelensky cũng để đề nghị thỏa thuận quyền khai thác khoáng sản.

Nhưng các quan chức cho biết ông Zelensky đã khiến người Mỹ ngạc nhiên khi tuyên bố ông không có thẩm quyền đơn phương phê duyệt thỏa thuận mà không có Quốc hội.

Ngày hôm sau, ông Zelensky công khai bác bỏ đề xuất này tại một hội nghị, nói rằng thỏa thuận này "không phục vụ cho lợi ích của Ukraine có chủ quyền".

Ngày 18-2, ông Zelensky chỉ trích cuộc họp Nga - Mỹ ở Riyadh (Saudi Arabia) mà không có Ukraine tham gia, khiến ông Trump tức giận và tuyên bố rằng ông Zelensky đã khởi đầu cuộc chiến với Nga và chỉ có tỉ lệ ủng hộ là 4%.

Ngày 19-2, ông Zelensky đáp trả bằng cách nói rằng Tổng thống Mỹ "sống trong không gian của thông tin sai lệch". Sau đó ông Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông Zelensky là một "diễn viên hài thành công khiêm tốn" đã trở thành "nhà độc tài không cần bầu cử".

Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4: Gió đã đổi chiều - Ảnh 2.Ông Zelensky nói sẵn sàng từ chức để đổi lấy 'tư cách thành viên NATO' cho Ukraine

Ngày 23-2, ông Zelensky cho biết ông sẵn sàng từ chức “ngay lập tức” nếu cần thiết để đổi lại hòa bình và tư cách thành viên NATO cho Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp