29/11/2024 14:20 GMT+7

3 năm, chỉ 17,4% sinh viên sư phạm được đặt hàng đào tạo

Sau ba năm, chỉ có 23/63 tỉnh thành thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường đại học sư phạm.

3 năm, chỉ 17,4% sinh viên sư phạm được đặt hàng đào tạo - Ảnh 1.

Sinh viên phân hiệu Long An của Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: N.T.

Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25-9-2020, bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

Sau ba năm triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của nghị định 116.

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy sau ba năm triển khai, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách. Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.

Như vậy số sinh viên sư phạm thuộc diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội" và được ngân sách nhà nước cấp chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học.

Không chỉ ít địa phương đặt hàng, ngay cả những nơi thực hiện đặt hàng nhưng chậm chi trả kinh phí hỗ trợ. Trong đó có 6 cơ sở đào tạo giáo viên đã được các địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ, trong đó Trường đại học Sư phạm Hà Nội có 13 chỉ tiêu, Trường đại học Sư phạm TP.HCM 51 chỉ tiêu.

Điều này ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Lý giải nguyên nhân việc ít địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, cân đối thu - chi ngân sách giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu đào tạo giáo viên.

Trong khi đó, các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc phân bổ giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Hằng năm (năm 2021, 2022, 2023), Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm thường chậm và phải xin bổ sung so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.

Bên cạnh đó, nghị định 116 giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Hơn nữa, các địa phương không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Ngành sư phạm thu hút thí sinh giỏi

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá nghị định 116 đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý là số lượng thí sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên. Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỉ lệ thí sinh nhập học các ngành sư phạm tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác.

Như vậy nghị định 116 đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.

3 năm qua, chỉ 17,4% sinh viên sư phạm được đặt hàng đào tạo - Ảnh 2.Học đến năm 2, sinh viên sư phạm chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí

Nhiều phụ huynh, sinh viên sư phạm Trường đại học Sài Gòn phản ánh việc chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí, dù đã học năm thứ 2.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp