Dịch COVID-19 đã được công bố trên phạm vi toàn quốc - Ảnh NAM TRẦN
Một lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết Thủ tướng công bố dịch trên phạm vi toàn quốc là cần thiết, bởi trước đây Việt Nam chỉ công bố ở quy mô cấp tỉnh.
Có quyền trưng dụng mọi nguồn lực để chống dịch
Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, điều 38: "Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người". Theo đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
"Kể từ thời điểm phát hiện người bệnh đầu tiên cho đến nay, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh. Sau khi công bố dịch, Chính phủ và Thủ tướng có quyền áp dụng các biện pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn trong phạm vi toàn quốc theo các quy định mà luật cho phép, nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn" - lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Luật cho phép Chính phủ huy động tất cả phương tiện, thiết bị, con người... để chống dịch. Cũng sau khi công bố dịch, căn cứ vào tính chất, mức độ và quy mô của bệnh dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quyết định áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Phải chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách, TS Lê Thanh Vân cho rằng việc Thủ tướng quyết định công bố dịch trước hết sẽ giúp các cấp chính quyền, người dân nhận diện rõ ràng nguy cơ truyền nhiễm hiện hữu của bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (là nhóm rất nguy hiểm) trên quy mô từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Đồng thời, "việc công bố dịch trên phạm vi cả nước là cơ sở pháp lý để xác lập các biện pháp ứng phó phù hợp của các cơ quan chức năng.
"Thủ tướng đã liên tiếp có các chỉ thị 15, 16 để áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và với việc công bố dịch trên phạm vi cả nước, Chính phủ và Thủ tướng đã rất thận trọng đối với tình hình và tùy thuộc vào từng diễn biến để có các kịch bản cụ thể.
Tuy nhiên, như nhiều lần thủ tướng chính phủ đã đề cập, với tinh thần chống dịch như chống giặc, trong bối cảnh dịch diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới với nhiều quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề, việc chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống là điều phải làm quyết liệt" - ông Lê Thanh Vân chia sẻ.
Biết rõ tình thế thay đổi để có phương án đối phó kịp thời chính là chủ động kiểm soát được tình hình. Do đó, mọi người không nên lo lắng, hoang mang, càng không tin theo những kẻ lợi dụng tình huống khó khăn để xuyên tạc. Lúc này cần sự đồng thuận, thống nhất từ trên xuống dưới mới huy động được sức mạnh của cộng đồng và mỗi cá nhân.
Đại biểu LÊ THANH VÂN
Tăng trách nhiệm, nhận thức và đãi ngộ
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ khi có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23-1 tại TP.HCM, Việt Nam đã bắt đầu chống dịch. Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Hiện nay, trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần "toàn dân chống dịch". Việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.
1. Tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
2. Để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự "mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch".
3. Tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch. Mặc dù quyết định được ban hành ngày 1-4 nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28-1-2020.
N.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận