20/03/2019 15:07 GMT+7

3 lý do Ban chấp hành trung ương ban hành quy định nêu gương mới

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Chưa có lúc nào và chưa bao giờ trong thời gian ngắn có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua. Đó là một trong những lý do trung ương phải ban hành quy định nêu gương mới.

3 lý do Ban chấp hành trung ương ban hành quy định nêu gương mới - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, quy định nêu gương là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng - Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương, nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến Giải pháp nào để quy định trách nhiệm đi vào cuộc sống, do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 20-3.

Trước khi Ban chấp hành trung ương ban hành thêm quy định 08 về nêu gương, thực tế Ban Bí thư khóa XI đã ban hành quy định 101 về nêu gương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành quy định 55 về nêu gương.

Ông Hà cho biết thêm 3 quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên do 3 cấp ban hành là Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương. Nếu nói về cấp độ, vị trí, tầm quan trọng của nó thì Ban Chấp hành trung ương là cấp cao nhất.

Lý giải vấn đề vì sao Ban Chấp hành trung ương lại ban hành mới vào thời điểm này, ông Nguyễn Đức Hà chỉ ra 3 lý do.

Thứ nhất, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Đây là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đó là lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; bằng phương pháp tổ chức cán bộ; bằng công tác kiểm tra giám sát; và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, Ban Chấp hành trung ương phải ban hành quy định nêu gương vào lúc này vì chưa có lúc nào, chưa có thời gian nào và chưa bao giờ trong một thời gian ngắn có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua.

Thứ ba, mặc dù Ban Bí thư khóa XI đã ban hành một quy định về nêu gương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một quy định về nêu gương, nhưng 2 quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trước đây nói rất chung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nếu có thì nhấn một ý là đối với cán bộ chủ chốt các cấp.

"Cán bộ chủ chốt các cấp từ trưởng thôn đến tận Chủ tịch nước thì rất rộng, trong đó có một đối tượng cực kỳ quan trọng là cán bộ cấp cao thì lại chưa được đặt ra trong hai quy định này" - ông Nguyễn Đức Hà cho biết thêm.

Khái quát, nói cách khác theo ông là có nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao chưa gương mẫu nên phải xử lý bằng kỷ luật của Đảng, thậm chí phải xử lý bằng pháp luật.

Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương, khẳng định nêu gương là phương thức lãnh đạo quan trọng nhất, có ý nghĩa thực tiễn nhất và cũng là ý nghĩa khoa học nhất của Đảng.

Nói về việc triển khai thực hiện quy định nêu gương, ông Lê Mạnh Hùng - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - cho rằng trên thực tế các quy định của Đảng đều được cụ thể hóa, quy định rõ trong hệ thống luật pháp và có xử lý nghiêm minh, chế tài rõ, xử lý cụ thể.

"Đảng viên trước hết là công dân, do đó, phải thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, sau đó nâng tầm lên thực hiện đường lối của Đảng. Đảng viên phải tiên phong, nhất là thực hiện đúng, đủ, tốt quy định của Đảng để rèn luyện phấn đấu", ông Hùng khẳng định.


B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp