Một đối tượng gây rối, chửi bới bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) được camera an ninh ghi lại
Khoảng vài năm trở lại, bạo hành y tế đã lên tới mức báo động và không có dấu hiệu lắng dịu. Nếu trước đây cả năm chỉ có một hai trường hợp thì thời gian gần đây hầu như tháng nào báo chí cũng phản ánh tình trạng nhân viên y tế bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ.
Không chỉ tổn thương sức khỏe, đã có những thầy thuốc bị chính bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân lấy đi mạng sống.
Đẩy phần khó cho nhân viên y tế
Cũng vài năm gần đây rộ lên tình trạng mở các lớp huấn luyện võ thuật tại các cơ sở y tế. Lý do phổ biến nhất được các lãnh đạo cơ sở nêu ra: nhằm giúp nhân viên có được những kỹ năng tự vệ cần thiết để phòng thân và sự vững tin khi làm việc.
Là một nhân viên y tế, tôi hoàn toàn không đồng ý cách giải quyết như trên bởi một số lý do sau:
Trước tiên, nhân viên y tế có quyền làm việc trong một môi trường trong lành và an toàn. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải tạo dựng cho được môi trường trong lành và an toàn đó, bằng mọi biện pháp.
Trang bị cho nhân viên kỹ năng tự vệ để phòng thân trong khi làm việc, chúng ta đã vô hình trung chấp nhận thực trạng bạo hành y tế. Thay vì tìm cách giải quyết vấn đề một cách hệ thống và triệt để, chúng ta đã đẩy phần việc khó khăn đó về cho mỗi cá nhân. Điều đó phản ánh sự bất lực trong việc tìm kiếm các giải pháp.
Thứ hai, khi trang bị cho các nhân viên những kỹ năng tự vệ như vậy, dường như chúng ta đã ngầm cổ xúy cho hành động chống lại bạo lực bằng cách dùng bạo lực.
Tệ hơn nữa, chúng ta lại đẩy hai đối tượng lẽ ra phải hợp tác với nhau một cách chặt chẽ vào tư thế đối nghịch và thù địch. Tự bao giờ người ta lại chấp nhận cái suy nghĩ đưa nhân viên vào trạng thái phải dè chừng, khống chế hay hạ gục người mà mình đang phục vụ, đang cứu chữa?
Thứ ba, thời gian sau mỗi ngày làm việc của nhân viên y tế nhằm để thư giãn, hồi phục sức khỏe, bổ sung cập nhật kiến thức, chứ không nên để dành hết vào việc rèn luyện kỹ năng tự vệ.
Nếu việc tập võ là một sở thích cá nhân để rèn luyện sức khỏe, việc đó không ai cấm cản. Nhưng nếu phải dùng thời giờ nghỉ ngơi vốn đã rất hiếm hoi vào việc luyện tập kỹ năng phòng thân hòng đem lại cảm giác tự tin trong môi trường làm việc, tôi e rằng không nên.
Thay đổi cái nhìn về nghề y
Chỉ khi nào chúng ta nhìn vào vấn đề bạo hành y tế một cách khách quan, phân tích rõ các nguyên nhân, lúc đó mới có thể đưa ra được những cách giải quyết tương đối thấu đáo.
Môi trường làm việc cho nhân viên phải thật sự an toàn bằng các biện pháp bảo vệ được đảm trách bởi lực lượng chuyên nghiệp và một hành lang pháp lý với những phương cách chế tài hoặc xử lý hình sự đủ sức răn đe đối với những đối tượng gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại những quy định pháp luật cho phép nhân viên y tế có quyền từ chối việc điều trị trong điều kiện tính mạng bị đe dọa.
Cần thiết phải thay đổi quan niệm của xã hội và ngay cả người trong ngành về nghề y. Là một ngành nghề có nhiều đặc thù riêng tương đối khắt khe về đào tạo, đạo đức nghề nghiệp, đối tượng phục vụ, nhưng tuyệt nhiên ngành y không hề cao quý hơn các ngành nghề khác.
Hãy xem đó là một ngành nghề cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người. Đã là một dịch vụ, cho dù là một dịch vụ đặc biệt đi chăng nữa thì quan hệ giữa người cung cấp và người thụ hưởng phải là một mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng.
Trong quá khứ, việc tung hô và ca tụng quá mức cần thiết về ngành y đã tạo ra một tâm lý tự mãn, bề trên, ban ơn ở một bộ phận nhân viên y tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bạo hành.
Hiện tại, áp lực của việc cân đối thu chi trong cơ chế tự chủ tài chính khiến cho mọi sự diễn biến theo chiều ngược lại. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được chiều chuộng như khách hàng, cho mình cái quyền được đòi hỏi vượt mức, thậm chí hạch sách nhân viên y tế. Khi những yêu cầu phi lý và quá đáng đó không được đáp ứng, bạo hành cũng sẽ xảy ra.
Phải làm sao để cả hai đối tác hiểu rõ, đúng, đủ vai trò, quyền lợi của mỗi bên và cùng thực hiện tốt bổn phận, khi ấy vấn nạn bạo hành y tế mới giảm thiểu.
Để làm được điều đó, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực tuyệt vọng của từng cá nhân hoặc của riêng một ngành y, và cũng không thể một sớm một chiều.
Để không còn xảy ra những chuyện bạn hành y tế, theo bạn ngành y cần phải làm gì? Bạn nghĩ gì khi có một bệnh viện thuê võ sư dạy võ để các bác sĩ phòng thân? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận