12/06/2015 09:59 GMT+7

3 giải pháp chống hạn cho Ninh Thuận

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Ninh Thuận trong phiên họp sáng 11-6, khi công bố tình trạng thiên tai vì hạn hán.

Em Loang, 6 tuổi, tựa lưng vào bóng cây tránh nắng ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận -Ảnh: Duyên Phan
Em Loang, 6 tuổi, tựa lưng vào bóng cây tránh nắng ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận - Ảnh: Duyên Phan

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trong mấy chục năm công tác, ông chưa bao giờ chứng kiến cơn hạn hán nào khốc liệt như tại Ninh Thuận lúc này.

Tình hình sẽ còn xấu hơn

“Hai năm rồi không có mưa, có nơi bốn vụ gieo cấy. Chúng tôi đã đặt vấn đề có thể còn xấu hơn, có thể lặp lại nhiều hơn, nặng nề hơn” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định. Ông Phát cho biết tình hình đã rất cấp bách và quân đội đã vào cuộc để có thể đưa nước đến tất cả người dân đang khát tại Ninh Thuận.

Trước đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (Hà Nội) đã đặt vấn đề hạn hán tại Ninh Thuận hiện nay có liên quan gì đến các công trình thủy điện chặn dòng tích nước? Và liệu với tình hình hiện này thì các thủy điện ở Ninh Thuận và nhiều nơi khác có bồi thường cho nông dân bị thiệt hại?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định hạn hán tại Ninh Thuận lúc này do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và không liên quan đến công trình thủy điện nào. Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát thừa nhận có nguyên nhân do rừng đầu nguồn tại Ninh Thuận đã bị tàn phá nhiều, đó cũng là nguyên nhân làm các hồ chứa nước đều cạn kiệt.

Ông Phát dẫn chứng hồ Sông Trâu tại Ninh Thuận dù có dung tích đến 60 triệu m3 nước, nhưng nay cũng như 20 hồ chứa khác tại Ninh Thuận không còn giọt nước nào và có nguyên nhân do rừng đầu nguồn ở Sông Trâu không còn nữa.

Về vấn đề thủy điện phải bồi thường vì hạn hán, Bộ trưởng Cao Đức Phát không đồng ý. Ông cho rằng hồ thủy điện cũng là một hồ chứa nước. “Một nửa tỉnh Ninh Thuận hiện nay đang canh tác nhờ nước từ hồ Đơn Dương của thủy điện Đa Nhim. Chúng ta phải nhìn hai mặt của một vấn đề. Theo tôi, thủy điện không gây nên hạn hán mà ngược lại” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Tìm giải pháp căn cơ

Em Loang, 6 tuổi, tựa lưng vào bóng cây tránh nắng ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận -Ảnh: Duyên Phan
Em Loang, 6 tuổi, tựa lưng vào bóng cây tránh nắng ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận -Ảnh: Duyên Phan

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc Bộ NN&PTNT đã có giải pháp căn cơ, lâu dài cho Ninh Thuận, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói việc cấp bách nhất là phải xây dựng nhiều hồ chứa, đặc biệt có những hồ chứa lớn tích nước trong một năm nhưng dùng trong nhiều năm.

Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chi 1.500 tỉ đồng để xây dựng hồ Tân Mỹ có dung tích 220 triệu m3. Đây là hồ chứa mà theo ông Phát, Bộ NN&PTNT đã cùng với Ninh Thuận lập hồ sơ thiết kế rất nhiều năm nhưng không có vốn nên không tiến hành được.

Song song với việc xây dựng hồ Tân Mỹ, Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải xây ngay một đập dâng kinh phí 300 tỉ đồng để giải quyết nhanh vấn đề hạn hán.

Vấn đề thứ hai là phải thực hiện trồng lại rừng ở Ninh Thuận. “Chúng tôi sẽ cùng với tỉnh khôi phục rừng, cả ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Không có rừng thì không có nước được” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Vấn đề thứ ba, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng Ninh Thuận phải học tập cách tưới nhỏ giọt của Israel để tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời chuyển đổi cây trồng vì Ninh Thuận khó lòng trồng lúa nước.

“Theo tôi, Ninh Thuận nên chuyển qua chăn nuôi đại gia súc, chuyển đất canh tác sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi và trồng các loại cây chịu hạn khác. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa để Ninh Thuận thực hiện việc chuyển đổi này” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp