23/01/2023 16:45 GMT+7

3 cô sếp Việt ở tập đoàn công nghệ

Giữ vai trò quản lý trong các công ty công nghệ nổi tiếng thế giới, ba phụ nữ Việt Nam tài năng, xinh đẹp dưới đây đã chia sẻ những giá trị, phẩm chất riêng của người Việt Nam.

3 cô sếp ở tập đoàn công nghệ - Ảnh 1.

Những người phụ nữ Việt này không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp các nước để phát triển và vươn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của các công ty đa quốc gia.

Nguyễn Thị Thu Hương, trưởng bộ phận thương hiệu tuyển dụng Công ty Luxoft, khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Trau dồi kỹ năng mềm

phụ nữ

Nguyễn Thị Thu Hương

Tôi đã có tổng cộng hơn 10 năm làm việc tại các công ty đa quốc gia, gặp gỡ nhiều bạn bè và đồng nghiệp quốc tế và tôi nhận ra rằng người Việt mình rất giỏi. Ngoài chăm chỉ, chúng ta rất sáng tạo, cầu thị, có tư duy, chí tiến thủ và khả năng hòa nhập cao. Điều này luôn được các bạn bè quốc tế công nhận.

Sau 7 năm nỗ lực không ngừng, từ vị trí marketing manager cho Việt Nam, tôi đã được giao trọng trách lãnh đạo bộ phận thương hiệu tuyển dụng của Luxoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực quan trọng trong chiến lược phát triển của Luxoft trên toàn cầu.

Nếu có nền tảng kiến thức tốt, tư duy sáng tạo nhạy bén, cộng thêm khả năng ngôn ngữ tốt, tôi tự tin nói rằng người Việt có thể đảm nhận bất kỳ vị trí, cấp bậc quản lý nào trong các tập đoàn đa quốc gia"

Với những gì đã trải qua, tôi cho rằng để có thể vươn đến môi trường cạnh tranh toàn cầu, chúng ta cần được trang bị đầy đủ các yếu tố về kỹ năng mềm, ngoại ngữ tốt. Đặc biệt, yếu tố cuối cùng quyết định sự thành công chính là tự tin vào bản thân. 

Bạn cần có sự tự tin vào chính bản thân mới có thể chiếm được niềm tin từ đồng nghiệp, cấp trên và được trao những cơ hội, thử thách và từ đó bạn sẽ tiến bộ rất nhiều. 

Ngoài ra cần có kế hoạch cụ thể về mục tiêu thăng tiến trong công việc và làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu đó. Trên đường đi chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đừng vội nản chí, phải kiên định với mục tiêu đã đặt ra.

Bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi, tiếp cận những kiến thức mới, kỹ năng mới để làm mới bản thân, để luôn sẵn sàng cho những thử thách trong công việc. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ của chúng tôi, mọi thay đổi diễn ra vô cùng nhanh chóng, nếu không liên tục cập nhập và liên tục làm mới mình thì sẽ dễ bị tụt hậu, đặc biệt là so với các bạn trẻ rất giỏi giang và năng động hiện nay.

Trong lĩnh vực công nghệ, định kiến về giới có lẽ là rào cản lớn nhất mà những phụ nữ, đặc biệt là nữ quản lý, thường gặp phải. Vì vậy, để trở thành nhà quản lý, phụ nữ hiện đại phải không ngừng nỗ lực gấp nhiều lần hơn so với nam giới trong việc khẳng định chính mình để được tin tưởng và giao phó những công việc, vị trí quan trọng.

Nguyễn Quỳnh Trang, quản lý truyền thông các thị trường mới nổi, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Meta: Cởi mở với văn hóa mới

3 cô sếp ở tập đoàn công nghệ - Ảnh 3.

Nguyễn Quỳnh Trang

Một kỷ niệm vui với tôi là ngày đầu tiên gia nhập công ty cũng là ngày công ty tổ chức một bữa tiệc cuối năm cho toàn bộ nhân viên tại Singapore. 

Tôi đã rất áp lực và căng thẳng khi xuất hiện tại buổi tiệc cả ngàn người mà không biết một ai và không biết bắt đầu kết nối từ đâu. Tuy nhiên, tôi cũng đã may mắn kết bạn được với rất nhiều người mới tại buổi tiệc đó và vẫn giữ tình bạn này đến tận bây giờ sau 4 năm.

Được làm việc trong một môi trường toàn cầu với rất nhiều người tài năng vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Tôi được tiếp cận rất nhiều nền văn hóa, giao lưu với nhiều người giỏi và từ đó phát triển bản thân nhanh chóng. 

Cùng lúc đó, tôi luôn ý thức về việc cần phải khiêm nhường, có thái độ cầu thị và luôn không ngừng trau dồi kiến thức cũng như học hỏi từ đồng nghiệp. Khi bạn cởi mở và sẵn sàng tiếp thu, bạn sẽ không chỉ tồn tại mà sẽ nhận được rất nhiều cơ hội mở ra cho bạn trong sự nghiệp và cả cuộc sống.

Tôi thích dùng từ "thử thách" thay vì "áp lực" bởi với bất kỳ công việc nào, dù cho giỏi đến đâu, bạn vẫn luôn cần những thách thức mới để không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân"

Cộng đồng người Việt tại nơi tôi làm việc được đánh giá cao bởi sự thông minh, làm việc chăm chỉ và tinh thần phối hợp nhóm. Những hiểu biết của tôi về thị trường và người tiêu dùng, về văn hóa và cách tiếp cận đặc thù là những điều được đồng nghiệp nước ngoài đặc biệt ghi nhận và mang lại giá trị cao trong công việc.

Khi làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia và trong môi trường quốc tế, theo tôi, điều quan trọng là cần cân bằng giữa việc cởi mở với văn hóa mới và phát huy những giá trị văn hóa của bản thân. Tôi cho rằng mỗi cá nhân là một đại diện cho quốc gia của họ, vì vậy tôi luôn tự hào giới thiệu về Việt Nam và văn hóa Việt cho bạn bè năm châu.

Đối với tôi, khi làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu, một trong những thử thách đầu tiên là nhận biết được giá trị mình có thể mang lại cho công ty trong môi trường nhiều người tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bạn nhận thấy ai cũng xuất sắc trong công việc thì bạn rất dễ cảm thấy choáng ngợp và mặc cảm tự ti. 

Chính điều này dẫn đến thử thách thứ hai là mình phải luôn rèn luyện khả năng tự học, nâng cao tính chủ động và thích ứng không chỉ trong công việc mà còn trong cả môi trường sống và làm việc. 

Những kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, thậm chí là cả giao lưu và mở rộng mối quan hệ, cũng cần được thường xuyên cập nhật và trau dồi để giúp mình hòa nhập vào môi trường đa văn hóa và quốc tế.

Tôi may mắn được làm cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu luôn có những hỗ trợ và chương trình khuyến khích trao quyền cho phụ nữ và giúp phụ nữ theo đuổi nghề nghiệp và vị trí mình mong muốn. Theo tôi, để thành công, bạn cần biết mình muốn gì và muốn phát triển theo hướng nào, không ai có thể trả lời câu hỏi đó giúp bạn.

Võ Dương Tú Diễm, giám đốc Hãng bảo mật Kaspersky khu vực Việt Nam, Campuchia và Myanmar: Học nhiều từ đồng nghiệp

3 cô sếp ở tập đoàn công nghệ - Ảnh 6.

Võ Dương Tú Diễm

Tôi tốt nghiệp ngành báo chí truyền thông, lúc ứng tuyển vào Công ty bảo mật Kaspersky là ở vị trí nhân viên marketing. Sau 3 năm, họ thử thách tôi bằng cách yêu cầu chuyển sang bộ phận kinh doanh/phân phối. 

Lúc đó, mọi khó khăn bắt đầu xuất hiện với một người không chuyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học máy tính như tôi. Đã có lúc tôi cảm thấy bất lực vì đọc tài liệu bán hàng còn chưa hiểu hết thì làm sao đi bán hàng. 

May mắn nhờ có vốn ngoại ngữ tương đối tốt nên tôi chọn cách tự dịch các tài liệu kinh doanh, sản phẩm… sang tiếng Việt. Điều đó vừa giúp tôi hiểu cặn kẽ hơn về sản phẩm, công nghệ mà công ty đang tập trung, vừa chuẩn bị tư liệu tiếng Việt cho nhà phân phối, đội web ở Việt Nam sử dụng cho thị trường trong nước.

Lúc đầu tại Việt Nam chỉ có một nhân viên địa phương là tôi nên gần như mọi hoạt động của Kaspersky như hội thảo, họp khách hàng, ra mắt sản phẩm mới, tư vấn riêng cho khối chính phủ… đều phải nhờ đến các kỹ sư trong khu vực Đông Nam Á luân phiên đến Việt Nam hỗ trợ. 

Nhờ phiên dịch cho các sự kiện này, tôi học được rất nhiều từ đồng nghiệp và cả khách hàng của mình. Và cũng vì thiếu kỹ sư nên hầu hết công việc của kỹ sư bán hàng Việt Nam do tôi phụ trách.

Với tôi, khi làm việc cho một hãng bảo mật toàn cầu, áp lực đến từ cả công nghệ lẫn hiệu quả kinh doanh. Về công nghệ, mỗi khi học về sản phẩm mới rất vất vả và chậm hơn các bạn đồng nghiệp nam có sẵn kiến thức nền về công nghệ. 

Về hiệu quả kinh doanh, tôi được yêu cầu phải luôn đảm bảo doanh số bán hàng, điều phối hài hòa các nhà bán sỉ, bán lẻ. Điều đó càng áp lực trong tình hình kinh tế suy thoái sau dịch COVID-19.

Một kỷ niệm đáng nhớ là khi tôi thực hiện POC (Proof of Concept, một hình thức cho sản phẩm chạy thử nghiệm thật để đánh giá hiệu quả) cho hai ngân hàng lớn tại Hà Nội. 

Lúc đó chưa có kỹ sư Việt Nam hỗ trợ nên tôi phải đưa hai kỹ sư nước ngoài vào trung tâm dữ liệu của ngân hàng để cài đặt. 

Lúc đó áp lực về thời gian rất lớn vì khối lượng công việc nhiều, nhưng khách hàng chỉ cho phép vào trong data center một thời gian ngắn. 

Cộng với rào cản ngôn ngữ giữa khách hàng và kỹ sư nên tôi phải một mặt hỗ trợ kỹ sư làm việc, mặt khác chăm sóc khách hàng chu đáo. May mắn lần đó POC tiến hành thành công.

Giải đáp các thắc mắc, yêu cầu của khách hàng cũng trở thành nguồn kiến thức quý giá giúp tôi đảm nhiệm được công việc lúc đó cho tới khi kỹ sư Việt Nam đầu tiên của công ty được bổ nhiệm. Từ đó, tôi có thời gian tập trung cho các phần việc về chính sách phân phối, các chiến dịch marketing, xây dựng hệ thống đại lý… 

Được ghi nhận những đóng góp, tôi đã được bổ nhiệm làm giám đốc Hãng bảo mật Kaspersky khu vực Việt Nam, Campuchia và Myanmar.

Cân bằng công việc - gia đình ra sao?

Tú Diễm nhấn mạnh sự linh hoạt trong việc cân bằng công việc và gia đình. Ví dụ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua phải làm việc từ xa, chị đặt tiêu chuẩn cho công việc thấp xuống và tiêu chuẩn chăm sóc gia đình cao hơn.

Ngược lại, khi các con đang khỏe và học hành ổn định, chị đặt tiêu chuẩn công việc cao hơn, dành thời gian cho việc đi công tác, tham gia phát triển sản phẩm, gặp gỡ đối tác và khách hàng nhiều hơn.

Ngoài kỹ năng xác định ưu tiên, Quỳnh Trang chia sẻ thêm về mô hình "work-life integration", nghĩa là thay vì chỉ cố định một khoảng thời gian nhất định cho công việc, chị linh hoạt hoán đổi thời gian giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

"Ví dụ tôi có thể họp muộn vào buổi tối, nhưng cũng có thể bắt đầu buổi sáng muộn hơn bình thường một chút để có thời gian cho bản thân" - chị Trang nói.

Thu Hương cho biết chăm sóc sức khỏe bản thân cũng là một cách cân bằng công việc và gia đình. "Với khối lượng công việc như hiện nay, cùng với nhiều trách nhiệm cả trong gia đình và xã hội, nếu không có sức khỏe tốt thì khó có thể đảm đương.

Vì vậy, dù bận đến đâu tôi cũng cố gắng dành ít nhất 30 - 60 phút mỗi ngày tập thể dục, kết hợp nhiều môn như gym, yoga, nhảy… để có thể tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai cho cơ thể, tạo sự hứng thú và sáng tạo cho bản thân, phù hợp với tính chất công việc" - chị Hương nêu bí quyết.

Người phụ nữ truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân: Cam kết dành thời gian còn lại cho người khuyết tậtNgười phụ nữ truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân: Cam kết dành thời gian còn lại cho người khuyết tật

TTO - Ở Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, vậy tại sao không thấy người khuyết tật ở những nơi như vậy, ở các nhà hàng, các cơ quan, các nơi vui chơi giải trí?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp