29/07/2017 10:59 GMT+7

3 chuyện mà ai gây khó người khai tử chắc phải thẹn lòng

ĐINH HỮU (Đà Nẵng)
ĐINH HỮU (Đà Nẵng)

TTO - Sự việc người dân đi làm giấy chứng tử bị làm khó vừa xảy ra ở Hà Nội khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây của 3 người dân ở Đà Nẵng, Đồng Tháp và Bình Dương, cho chúng ta có một cách nhìn khác.

Đại diện UBND phường Mỹ Phú (Cao Lãnh, Đồng Tháp) trao thư chia buồn cho bà Huỳnh Thị Thu Hồng  -  Ảnh: NGỌC TÀI
Đại diện UBND phường Mỹ Phú (Cao Lãnh, Đồng Tháp) trao thư chia buồn cho bà Huỳnh Thị Thu Hồng - Ảnh: NGỌC TÀI

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của người dân cảm nhận về sự tử tế của cán bộ.

1. Ấm lòng với sự tử tế

"Đầu tháng 7 vừa rồi, chồng của chị tôi (trú ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Gia đình chị rất neo người vì cả hai bên nội ngoại đều ở ngoài quê, hai con chị còn quá nhỏ.

Khi chồng chị vừa nằm xuống, bác tổ trưởng dân phố đến nhà bảo “con cứ ở nhà lo việc cho chồng, để bác chạy ra phường làm giấy báo tử cho”. Nhưng do trụ sở phường cách nhà chỉ hơn 100m nên chị tôi nói để chị ra làm cho nhanh, tiện lên nghĩa trang làm thủ tục mua đất mai táng chồng.

Khi chị ra UBND phường, cán bộ phường ân cần hướng dẫn. Chỉ trong vòng 15 phút, chị tôi đã cầm trên tay tờ giấy chứng tử. Chiều đến, bác tổ trưởng dân phố cùng cán bộ tư pháp lúc sáng giải quyết giấy chứng tử cho chị đến nhà viếng hương, chia buồn với gia đình. Nỗi đau đớn của chị như vơi đi phần nào khi thấy rõ sự sẻ chia của mọi người.

Chị cán bộ tư pháp phường làm giấy chứng tử cho chồng chị tôi tâm sự: “Việc cấp giấy chứng tử ở phường được làm hết sức linh hoạt, không thể chậm trễ vì bất cứ lý do gì. Khi người dân có người thân qua đời đến đăng ký khai tử thì cán bộ tư pháp phải làm ngay giấy chứng tử cho họ, đồng thời cán bộ phường phụ trách khu vực còn đến tận gia đình có người mất để viếng, chia buồn”.

Không chỉ ở phường tôi, anh bạn Nguyễn Văn Hiền đang làm chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho biết ở phường Hòa Hải, việc cấp giấy chứng tử cho công dân là việc phải làm ngay chứ không được hẹn.

“Gia đình có người thân mất thì tâm trạng rối bời, nên khi họ đến phường đăng ký khai tử thì anh em cán bộ phải làm việc hết sức chu đáo, tử tế với dân. Có trường hợp người dân lên đăng ký cấp giấy chứng tử nhưng vì lúc đó họ quá nhiều việc ở nhà cần phải lo, mình bảo họ cứ về lo việc đi, tí sẽ cử cán bộ phường đem xuống tận nhà” - anh Hiền nói.

Bà Võ Thị Như Hoa, giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, nói rằng việc chính quyền thăm viếng, chia buồn và thực hiện đăng ký khai tử nhanh tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân, giúp dân tiết kiệm thời gian đi lại.

Và đó là một nét mới trong công tác cải cách hành chính, từng bước nâng cao tính phục vụ trong giao dịch hành chính với người dân, đưa chính quyền đến gần dân hơn. Còn với người dân như chúng tôi, cách làm tử tế và đầy thiện cảm của chính quyền đã đem đến cảm giác ấm lòng trong lúc tang gia bối rối.

2. Lá thư gắn kết người dân với chính quyền

Chiều 28-7, bà Huỳnh Thị Thu Hồng, ngụ phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, đến UBND phường để làm thủ tục khai tử cho mẹ. Cán bộ phường đã giải quyết thủ tục của bà ngay trong buổi chiều. Bà khá bất ngờ khi được cán bộ trao kèm thư chia buồn. “Mặc dù chỉ là việc nhỏ nhưng làm tui cảm nhận được sự quan tâm của các cô chú ở đây, trong lòng cũng cảm thấy ấm áp” - bà Hồng chia sẻ.

UBND TP Cao Lãnh vẫn đang duy trì việc gửi thư chia buồn cho người dân khi thực hiện thủ tục khai báo tử. Thư chia buồn sẽ được lãnh đạo UBND xã, phường hoặc cán bộ trực tiếp trao cùng lời chia sẻ nỗi đau với người dân.

Ông Phan Văn Thương, chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết việc gửi thư chia buồn, hay chúc mừng chỉ là một hành động nhỏ thể hiện sự sẻ chia với người dân nhưng sẽ từng ngày tạo dựng niềm tin, mối quan hệ gắn kết giữa người dân và công chức xã, phường. Từ mô hình của UBND TP Cao Lãnh, hiện nay toàn tỉnh Đồng Tháp đều thực hiện gửi thư chúc mừng, chia buồn cho người dân mỗi khi có hiếu hỉ, tang chế.

NGỌC TÀI

Thư chia buồn với người dân của UBND phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: PHÚ AN
Thư chia buồn với người dân của UBND phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: PHÚ AN

3. Biết ơn vì sự nhiệt tình

Ba tôi mất ba năm trước. Ngay lúc ông vừa qua đời đã có cán bộ xã nơi ba ở (xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương) đến thăm hỏi. UBND xã còn tận tình và chu đáo đến mức hôm sau khi em tôi đi đăng ký khai tử cho ba tôi thì cán bộ tư pháp đã làm sẵn giấy báo tử để em tôi có cơ sở đi làm thủ tục đăng ký khai tử cho ba tôi tại nơi đăng ký hộ khẩu ở phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một). Mới hay, lúc cán bộ xã đến nhà thăm hỏi cũng là nhân tiện lấy thông tin về ngày, giờ mất của ba tôi để về chuẩn bị sẵn giấy báo tử.

Năm ngoái, anh tôi qua đời vì bệnh. Nhà tang lễ yêu cầu phải có giấy chứng tử mới được hỏa táng. Do anh tôi cư ngụ một nơi, còn hộ khẩu đăng ký một nơi khác nên việc đăng ký khai tử phải có xác nhận báo tử tại địa phương nơi anh tôi mất.

Cứ nghĩ thủ tục sẽ nhiêu khê, vất vả, thế nhưng gia đình vừa đi xin giấy báo tử ở xã Phú An (thị xã Bến Cát) vừa về phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một) đăng ký trích lục khai tử, chỉ trong vòng một buổi sáng là xong hồ sơ, kèm theo còn có thư chia buồn của UBND phường do chủ tịch ký.

Từ câu chuyện không vui của một người dân Hà Nội khi đến phường Văn Miếu đăng ký khai tử cho người thân, nghĩ lại chuyện của gia đình mình, tôi cảm thấy ấm áp và biết ơn vì sự nhiệt tình của cán bộ địa phương nơi mình cư trú.

NGUYỄN THỊ PHÚ AN (Bình Dương)

ĐINH HỮU (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp