23/06/2022 13:23 GMT+7

3 bệnh viện ở TP.HCM ‘hợp sức’ thiết lập mạng lưới quản lý hiến - ghép thận bằng công nghệ

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Đó là các bệnh viện gồm Chợ Rẫy, Thống Nhất và Nhi đồng 2. Bằng việc xây dựng phần mềm, các đơn vị kỳ vọng sẽ minh bạch trong tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng.

3 bệnh viện ở TP.HCM ‘hợp sức’ thiết lập mạng lưới quản lý hiến - ghép thận bằng công nghệ - Ảnh 1.

Một ca hiến ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: N.H.

Ngày 23-6, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất và Nhi đồng 2 tổ chức buổi chia sẻ thông tin liên quan đến mạng lưới điều phối liên viện về hiến - ghép thận nhân đạo bằng phần mềm công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng hiến được các bệnh viện xây dựng nằm trong đề án nghiên cứu của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM. 

Đây cũng là tâm huyết rất lớn của nhiều chuyên gia đầu ngành về hiến - ghép tạng, trong đó có giáo sư Trần Ngọc Sinh - chủ tịch Hội Niệu thận TP.HCM.

Theo bác sĩ Thức, trước đây việc tiếp nhận, quản lý, điều phối hiến - ghép thận ở các bệnh viện đều được thực hiện bởi con người, điều này không tránh khỏi sai sót, thậm chí không khách quan, minh bạch.

Và thực tế khách quan này cũng khiến nhiều người cảm thấy lo lắng việc tạng hiến có bị mua bán hay không? Hoặc điều phối hiến - ghép tạng có được khách quan?

"Nhưng giờ đây với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, quản lý và điều phối sẽ giúp mã hóa tất cả các thông tin của người chờ và người hiến, do đó dù có muốn người thân quen được ghép sớm cũng không ai có thể can thiệp" - bác sĩ Thức khẳng định.

Cùng ngày, Bệnh viện Thống Nhất vừa thực hiện thành công 2 ca ghép thận đều cùng huyết thống. 

Ông Đỗ Kim Quế - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết đây là 2 ca ghép thận đầu tiên được triển khai tại bệnh viện, mở ra cơ hội ghép thận cho nhiều bệnh nhân. Và để thực hiện thành công 2 ca ghép thận này, đơn vị có sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy. 

"Sau các ca thành công, kỹ thuật này sẽ trở thành thường quy của bệnh viện, dự kiến đơn vị sẽ thực hiện mỗi tháng 1 ca ghép thận, đồng thời tiến tới ghép gan, tim, phổi sớm nhất có thể" - ông Quế nói. 

Cần phát triển tạng hiến từ người cho chết não

Bác sĩ Thái Minh Sâm - trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện nay nguồn hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu từ người sống chiếm 94,1%, có quan hệ huyết thống; trong khi đó nguồn hiến tạng từ người chết não rất ít, chỉ chiếm 5,9% trong tổng số ca được ghép.

Từ tháng 12-1992 đến hết năm 2021, đã có 1.030 trường hợp ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuổi trung bình người hiến là khoảng 50 tuổi và tuổi người nhận là khoảng 33 tuổi.

"Người trẻ sau khi ghép thận sẽ sống như người bình thường, chất lượng sống được cải thiện, tuổi thọ cũng giống như người bình thường và đặc biệt là có thể sinh con" - bác sĩ Sâm chia sẻ.

Theo ông, muốn thực hiện thành công kỹ thuật hiến ghép tạng đòi hỏi phải có các trung tâm đầy đủ các chuyên khoa như tim mạch, nội thận… Đồng thời cần phát triển mạnh hơn nguồn thận hiến từ người hiến chết não nhằm đáp ứng nhu cầu, theo kịp xu thế và phát triển ngành ghép thận tại Việt Nam.

Hơn 1.000 trường hợp ghép thận thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy Hơn 1.000 trường hợp ghép thận thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy

TTO - Hơn 1.000 quả thận được ghép thành công trong chặng đường 30 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã và đang mang lại cuộc sống mới cho rất nhiều con người dù nguồn thận vẫn còn là hạn chế với ngành ghép thận Việt Nam.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp