07/01/2012 02:15 GMT+7

29 anh về: khi cơn gió lan đi

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TT - Niềm tin của mỗi người vào bản thân, vào những người xung quanh, vào cuộc sống nói chung, không dưng mà có. Đó là điều vô hình, âm thầm lan tỏa đi, chỉ từ một khởi nguồn bất tận: niềm tin vào tình yêu.

fVdaAKCu.jpgPhóng to

Nghệ sĩ Ái Như (cô giáo Hoài) và Ngọc Tưởng (An) trong vở 29 anh về - Ảnh: Nguyễn Á

1. Sẽ khó tin được câu chuyện của cô giáo Hoài (Ái Như) không nhớ điều gì quá năm phút, nhưng không quên được lời hẹn son sắt với chồng. Trong mấy chục năm trời cô vẫn mặc áo dài tím, ra ga xe lửa vào ngày 29 hằng tháng - đôi khi chỉ là để biết mình đang chờ đợi... Nhưng ở ga Hoài Hương ai cũng biết và tin điều đó. Và ai cũng biết An (Ngọc Tưởng) - con của cô - tin như mẹ anh đã tin, dù đã âm thầm theo sau lưng mẹ, đón mẹ ở ga về mấy trăm lần.

An có vẻ hiền lành của mẹ, ốm yếu, thư sinh nhưng luôn sẵn sàng xả thân giúp người gặp nạn. Anh không làm ngơ trước sai trái vì tin chắc một điều: “nếu ai cũng như vậy thì mọi người sẽ sống xa lạ với nhau, cuộc đời này sẽ buồn lắm”. Có vẻ tính anh hùng này làm số phận khác hẳn với cái tên: gia cảnh thiếu trước hụt sau, năm lần bảy lượt bị giang hồ tìm cách đón đầu trả thù, gãy tay, bầm mắt...

An yêu Mộng (Ngọc Lan) bằng mối tình của “chong chóng chờ gió”. Mộng thì không biết mình có là gió hay không. Mộng bán nước ở ga xe lửa, vừa mang nỗi mặc cảm chuyện học hành dang dở, vừa lo lắng chuyện ba mẹ cờ bạc dẫn đến nợ nần. Tuy Mộng mang vẻ ngoài xinh tươi hồn nhiên nhưng lòng đầy những hoang mang của tuổi mới bước vào đời: cô còn chưa biết mình có là người vô cảm không, nên lựa chọn người mình rung động hay người giàu có...

2. Chuyện ở ga xe lửa Hoài Hương nhỏ bé, họ thật khác nhau nhưng đều có một niềm tin riêng. Cô Hoài nhớ nhớ quên quên vẫn tin vào điều cô vẫn tin trong 25 năm trời - sẽ có ngày gặp lại chồng. Sự chờ đợi son sắt của cô là tấm gương cho An trong mối tình còn nhiều khó khăn với Mộng. An lại chính là niềm tin về lòng tốt cho bà Ái (Thanh Thủy) trên đường đi tìm con dâu và cháu nội trong vô vọng. Mộng còn nhiều ngập ngừng trong tình cảm, hoang mang trên con đường lập thân, nhưng cũng tràn đầy sự tin tưởng trước tấm lòng của An với cuộc sống và cả những người xung quanh.

Trong câu chuyện mang màu sắc của thập niên 1980 với bài hát Tình có như không ồn ã, sân ga nhộn nhạo giang hồ, hình như ai cũng đang sống với nhiều nỗi chộn rộn, không suy tính về cuộc sống vật chất thì cũng mang nặng nhiều nỗi buồn của mất mát, chia ly... Chỉ một điều khác biệt là cách họ đến với nhau, trách cứ hay tha thứ cho nhau không quá ồn ào, nặng nề, khó khăn, vội vã... như thời chúng ta đang sống bây giờ. Cái đẹp của tinh thần hiệp sĩ, thái độ sống vì người khác, cả sự lãng mạn, e ấp trong tình yêu của con người vào thời ấy đang dần nhạt đi theo thời gian?

29 anh về (*) không được “vo tròn” lại cho vui trong không khí kịch tết, vở diễn hài nhưng đầy tình tiết cảm động, ý nhị - có kết thúc ấm áp và để lại cả chút man mác cho người xem.

Đây là một tác phẩm đậm phong cách đời sống của Nguyễn Thị Minh Ngọc trong vai trò tác giả kịch bản (cùng Hoàng Thái Thanh), được kết hợp với cách kể chuyện dí dỏm, từ tốn và mạch lạc của đạo diễn - NSƯT Thành Hội.

(*) Vở công diễn từ ngày 6-1 tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM).

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp