Trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam, thông tin từ người dân nước bạn Lào cung cấp là rất quan trọng. Trong ảnh: người Lào giúp đưa đội quy tập đến vị trí năm xưa có bộ đội Việt Nam hy sinh - Ảnh: BCHQS tỉnh Hà Tĩnh
Những người trực tiếp băng rừng, vượt suối, đi tìm liệt sĩ vẫn đau đáu một điều: thời gian không còn nhiều nữa để đưa các anh về với đất mẹ của Tổ quốc mình!
Nếu được chiến sĩ ta chôn cất thì bao giờ phần đầu liệt sĩ cũng quay về dãy Trường Sơn phía quê hương.
Trung tá Nguyễn Khắc Đồng
Mưa lũ rừng Pakxan
Trung tá Nguyễn Khắc Đồng, đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, dẫn anh em lần theo đường mòn trong rừng Pakxan, thuộc tỉnh Bolykhamxay (Lào) để đi tìm hài cốt đồng đội đã anh dũng ngã xuống.
Mảnh giấy của một người cao tuổi ở Lào vẽ lại. Ông May Xi Khăm Luổng, 63 tuổi, nhớ chính xác bờ suối mà một tiểu đội bộ đội Việt Nam bị phục kích.
Hơn 10 ngày băng rừng, cả đội quy tập đến được địa điểm ông May Xi Khăm Luổng kể. Họ dựng trại, tìm kiếm dưới cái nóng ẩm của rừng Pakxan.
"Nếu được chiến sĩ ta chôn cất thì bao giờ phần đầu liệt sĩ cũng quay về dãy Trường Sơn phía quê hương - Đội trưởng Nguyễn Khắc Đồng xúc động chia sẻ - Còn người dân Lào chôn cất thì họ đào theo những dải đất mềm, dễ đào. Chúng tôi phải đào đất theo kiểu xương cá, dựa vào hòn đá, gốc cây, khe suối để phán đoán".
Sau hơn 2 tuần, cả đội tìm được 7 hài cốt đồng đội. Họ xúc động đưa xương cốt, di vật các anh về trước, rồi phân công nhau tiếp tục đào.
Họ đào cả tháng trời, lật tung vạt đồi bên bờ suối theo dấu sơ đồ vẫn chưa tìm lại được 4 bộ hài cốt đồng đội còn lại. Đầu mùa mưa, cơn lũ sớm trong rừng Pakxan ập về, làm sạt thêm một vạt đồi. Anh Đồng buộc phải cho anh em rút lui vì ở Lào, đã mưa là mưa triền miên không dứt.
"Đến bây giờ quay lại, nghĩ nơi ấy đã bị nước lũ cuốn mọi dấu vết rồi. Chúng tôi đoán các anh nằm lại nơi ấy cũng từng bị lũ cuốn nên chưa tìm được", đội trưởng Nguyễn Khắc Đồng nghẹn ngào.
Thiếu tá Trần Đình Hiếu - trợ lý dân vận - cho hay phần lớn thông tin quý giá nhất bộ đội Việt Nam có được là nhờ những người cao tuổi bên Lào tận tình giúp đỡ. Họ cũng từng là những người sát cánh chiến đấu cùng bộ đội, hoặc từng nuôi giấu bộ đội Việt Nam trong những năm chiến tranh.
Anh trợ lý dân vận nhiều năm cùng ăn, cùng ở, cùng đi làm với bà con Lào chia sẻ, đến giờ nhiều người đã già, họ không còn nhớ chính xác.
Nhiều người đã mất, họ kể lại cho con cháu nhưng thông tin ngày càng mai một. Thời gian để đưa các anh về không còn nhiều nữa. Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ, vạn vật đổi thay, nhiều khu vực không còn như xưa nữa.
Những người trong đội theo sơ đồ tìm đến một nghĩa trang do dân bản cung cấp. Đến nơi, địa điểm cũ đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện... "Tuổi mười tám, đôi mươi các anh đã lên đường đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, chiến đấu hy sinh trên đất nước bạn Lào.
Dù băng rừng, lội suối bất kể ngày đêm, mong muốn của tất cả anh em trong đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ là làm sao cố gắng tìm kiếm, quy tập các ông, các bác sớm về với đất mẹ Tổ quốc mình", trung tá Nguyễn Khắc Đồng trải lòng.
Anh tâm sự thêm có những ngày hành quân ròng rã, họ băng rừng, trèo đèo, lội suối đến nơi khai quật theo thông tin tọa độ nhưng không tìm thấy hài cốt. Khó khăn hơn cả là hướng tìm kiếm ở huyện Pakxan, các thông tin về phần mộ liệt sĩ ngày càng ít, nhiều thông tin thiếu chính xác.
Bởi hầu hết những người Lào cao tuổi từng tham gia chiến đấu đã mất hoặc già yếu, không thể trực tiếp hành quân đến điểm tìm kiếm cùng bộ đội Việt Nam.
"Nếu có thông tin thì dù có xa xôi, cách trở đến mấy, anh em chúng tôi cũng đến, cũng tìm kiếm và quy tập cho bằng được", đội trưởng Đồng quả quyết.
Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đào, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào - Ảnh: BCHQS tỉnh Hà Tĩnh
Thời gian không còn nhiều
Chiến dịch mùa khô năm 2021 - 2022 là giai đoạn khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Thời tiết, khí hậu mưa, nắng thất thường, đường sá đi lại khó khăn, trong khi các thông tin về phần mộ liệt sĩ ngày càng ít, nhiều thông tin thiếu chính xác. Các phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, chưa kể công tác tìm kiếm, quy tập chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên đất nước bạn.
Suốt 6 tháng tham gia công tác tìm kiếm, bữa ăn trong rừng của anh em chiến sĩ phần nhiều do người dân Lào mang đến. Khi thì gùi rau xanh, khi chõ xôi, khi cân gạo. Bà con người Lào băng rừng 2 giờ đồng hồ mang cho bộ đội con cá mới bắt được ở suối.
"Mong muốn của nhân dân nước bạn Lào là giúp đỡ bộ đội Việt Nam hoàn thành công tác quy tập. Họ bày tỏ lòng biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Việt đã tình nguyện đến chiến đấu giúp đỡ bạn năm xưa. Nay họ đến và giúp đỡ lại bộ đội Việt Nam trong công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ", trung tá Nguyễn Khắc Đồng chia sẻ.
Tuy vậy, thông tin ngày càng ít ỏi, tỉ lệ con em đồng bào dân tộc biết chữ không nhiều nên việc tìm mộ liệt sĩ, đưa các anh về khó như mò kim đáy biển. Trong số hơn 30 thông tin có được từ những ngày tháng ăn ở với người dân Lào, đội quy tập đưa về được 11 hài cốt liệt sĩ.
"Ngậm ngùi là các liệt sĩ chúng tôi đều chưa thể biết được thông tin tên, tuổi, đơn vị. Các anh được chôn trong tấm tăng, thời gian lâu quá, xương cốt không còn nguyên vẹn".
Những bộ hài cốt ấy được lấy mẫu, phần nhiều là những chiếc răng còn chắc để đưa về giám định ADN. Nhưng việc tìm lại thông tin đơn vị, người thân, và tìm lại trong ngân hàng cả triệu mẫu ADN còn cả một thời gian dài trong nỗi khắc khoải mong đợi khôn nguôi...
11 liệt sĩ được đưa về nước
Trong chiến dịch mùa khô năm 2021 - 2022, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, đã tổ chức khảo sát được 32 thông tin trên địa bàn 31 bản ở nước bạn Lào. Trong đó 14 thông tin đã thu thập từ trước và 18 thông tin thu thập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Mặc dù tìm kiếm được 11 hài cốt liệt sĩ nhưng chưa xác định được tên tuổi và quê quán. Đội đã lấy mẫu sinh phẩm bàn giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Tĩnh để gửi đi giám định ADN.
***************
"Trong ba ngôi mộ ấy, tôi không biết ngôi mộ nào của cha tôi, tôi xin ba nắm đất về thờ như bài vị...", ông Nguyễn Công Kình nghẹn ngào tâm sự quãng thời gian hơn 20 năm tìm lại mộ cha.
>> Kỳ tới: Ba nắm đất thờ cha
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận