03/06/2018 15:06 GMT+7

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Những người tận hiến

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Trưa 22-2-2018, khi các cán bộ của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đang ăn bữa trưa tại cơ quan thì bất ngờ đường dây nóng kêu vang.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Những người tận hiến - Ảnh 1.

Giây phút người vợ - chị Tạ Thị Kiều, 38 tuổi, chuẩn bị chia tay chồng. Trước khi âm dương cách trở, chị và gia đình đã quyết định hiến tạng anh để cứu sáu người khác - Ảnh: TTĐPHGMTQG

Những người đã quyết định đăng ký hiến tặng mô tạng là những người tận hiến: khi còn sống thì làm những điều tốt nhất cho người thân, khi ra đi thì để lại sự sống cho người khác

Ông NGUYỄN HOÀNG PHÚC

Bà mẹ dũng cảm

Người gọi điện là một bà mẹ trẻ, cô ấy cho biết con gái 7 tuổi 3 tháng của mình đang ở trong giây phút cuối cùng của cuộc đời vì căn bệnh ung thư tế bào thần kinh thể sao. Cô ấy muốn hiến mô tạng của con để có thể nghe thấy trái tim được tiếp tục đập trong lồng ngực người khác.

"Vượt qua nỗi đau tận cùng là sắp sửa mất đứa con yêu quý, người mẹ ấy đã dũng cảm nghĩ tới sự sống của người khác, điều không mấy người làm được. Tôi đã phải nén cảm xúc lại để trò chuyện với cô ấy. 

Đó là mẹ của Nguyễn Hải An - cô bé đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng những tháng vừa qua" - ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, bày tỏ.

Ngày 28-2, hai ngày sau ca ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt trung ương, hai người được nhận giác mạc của bé Hải An đều đã cải thiện được rất nhiều về khả năng nhìn. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, phẫu thuật viên của một trong hai ca ghép, cho hay trước ghép, cụ bà 73 tuổi chỉ phân biệt được sáng và tối, không đi lại được. Nhờ giác mạc của Hải An, bà đã đi lại được, đếm được số người trong phòng... 

"Những người đã quyết định đăng ký hiến tặng mô tạng là những người tận hiến: khi còn sống thì làm những điều tốt nhất cho người thân, khi ra đi thì để lại sự sống cho người khác. Điều đó cho thấy những việc tử tế vẫn còn rất nhiều xung quanh chúng ta, bất kỳ ai cũng có thể làm chủ cơ hội đó" - ông Phúc nói.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Những người tận hiến - Ảnh 3.

Chị Phạm Vân Thanh, người nhận gan và con trai - người hiến gan, nửa năm sau ca ghép - Ảnh: L.ANH

"Tin ở hoa hồng"

Cách đây khoảng ba tuần, có một người đàn ông ở Quảng Ninh qua đời khi thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng mà anh ấy đã hoàn tất khâu hồ sơ chưa kịp về đến tay anh. Nhưng người thân của anh ấy đã nói với chúng tôi hãy cứ nhận tạng hiến như tâm nguyện của người đã mất. 

Vì anh ấy mất tại nhà nên tôn trọng di nguyện của người đã khuất, những người làm điều phối hiến ghép mô tạng chỉ nhận được hai giác mạc và đã có hai người được thấy ánh sáng trở lại nhờ quyết định này.

Cách đây vài ngày, một chuyến bay Hà Nội - Huế đã quyết định khởi hành trễ 29 phút để chờ chiếc hộp đựng trái tim của một thanh niên khỏe mạnh vừa qua đời. Anh ấy bị tai nạn giao thông và khi anh ấy chết não, gia đình đã quyết định hiến toàn bộ mô tạng để cứu người. 

Gia đình không đồng ý cho biết ngày anh ấy mất, không công khai tên tuổi cũng như gương mặt của anh, nhưng trái tim anh ấy đã vào đến Huế để cứu một người bệnh 52 tuổi, hai người khác được ghép thận, một người được ghép gan, hai người được ghép giác mạc từ tạng hiến của anh ấy. 

Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy một chuyến bay muộn lại mang ý nghĩa tốt đẹp như thế.

Tháng 4 vừa qua, trong buổi lễ công bố ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não thành công có sự tham dự của hai người đặc biệt: chị Phạm Vân Thanh, 56 tuổi, từng mắc bệnh xơ gan, da vàng, mắt vàng, nếu không được ghép gan chỉ sống thêm được mấy tháng. 

Con trai đã quyết định tặng gan cho mẹ. 

Chị Thanh kể hồi con trai 12 tuổi, chồng chị bị suy thận và con trai đã mong được hiến thận cho bố. "Khi đó cháu còn nhỏ và đã có mong ước như vậy, tôi nói với cháu khi nào con lớn mới có thể tặng bố thận, nào ngờ khi con lớn thì tôi lại bị suy gan, con lại quyết định hiến gan cho tôi" - chị Thanh kể.

Gia đình chị Thanh có hai chị gái và một anh trai, đều sẵn sàng hiến gan cho em gái nhưng các anh chị đã trên 60 tuổi, không đủ điều kiện để hiến tạng và con trai chị Thanh cũng không đồng ý để các bác hiến tạng vì lo ngại các bác đã già yếu, mà quyết định mình sẽ hiến gan cứu mẹ. 

Tháng 10-2017, trước khi ca ghép được tiến hành tại Bệnh viện 108, chị Thanh chỉ còn 34kg, rất yếu, nhưng nhờ gan của con trai, gần nửa năm sau chị đã lên được thêm gần 6kg, rất khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Con trai chị vẫn đủ sức khỏe để đá bóng, tập gym, lái xe, đi làm bình thường và mới có... người yêu.

Kỳ diệu hơn cả là trường hợp những người hiến tặng tạng cho người xa lạ ngay lúc họ còn sống. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc kể lại một trường hợp: các cán bộ trung tâm từng phải ra ga đón một người trên chuyến tàu đến Hà Nội lúc 4h sáng vì ông ấy quyết định hiến tặng một quả thận cho người nào đó phù hợp. 

"Chúng tôi đã đưa ông đi làm nhiều loại xét nghiệm, nhưng kết quả là ông có dấu hiệu tiền tiểu đường nên lo ngại sau này có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu chỉ còn một quả thận. Nguyện vọng hiến tạng vì vậy không thành và ông ấy rất buồn" - ông Phúc bồi hồi kể lại.

Ông Phúc cho biết rất nhiều người buồn bã như người đàn ông trên do nguyện vọng hiến tạng cho người khác bất thành vì một số lý do. 

"Từng có một phụ nữ ở Vĩnh Phúc gửi đến chúng tôi đề nghị sẵn sàng hiến tạng cho một em nhỏ nào đó mắc bệnh cần tạng hiến, nhưng cho đến nay chưa có em nhỏ nào có chỉ định ghép tạng có các chỉ số phù hợp với chị. 

Từng có một đôi vợ chồng ở Hải Phòng, chị vợ là công nhân và đã quyết định hiến tạng, người chồng khi đi chăm vợ cũng quyết định hiến tạng. Không phải có nguyện vọng là được hiến, họ phải trải qua các cuộc đánh giá về tâm lý, sức khỏe, phải đi hàng chục lần đến bệnh viện để làm xét nghiệm... 

Nhưng họ vẫn kiên trì, nhẫn nại đi làm cái việc "trời ơi" không giống ai đó để cứu một người nào đó xa lạ"...

Cuộc đời vì thế vẫn đáng yêu do hoa hồng vẫn nở mỗi ngày.

Hơn 5.000 người đăng ký hiến tạng

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết từ năm 2015 đến nay, tới thời điểm này đã có hơn 5.000 người đến đơn vị điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy để đăng ký hiến tạng, trong đó có 30 y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Số thứ tự đầu tiên trong danh sách đăng ký hiến tạng là PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc bệnh viện. Có hơn 100 gia đình mà tất cả thành viên đều tham gia hiến tạng.

THÙY DƯƠNG

26 năm ghép tạng ở Việt Nam - Kỳ 4: Cảm ơn người tặng trái tim

TTO - Trước Tết Nguyên đán 2018 vài ngày, mẹ con cháu Nguyễn Thành Đạt - học sinh lớp 4 ở Sơn Tây, Hà Nội - về Bệnh viện Việt Đức khám lại sau gần một năm được ghép tim.

________

Kỳ tới: Ân tình đáp trả

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp