05/06/2018 16:32 GMT+7

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Công việc lặng thầm

LAN ANH - THÙY DƯƠNG
LAN ANH - THÙY DƯƠNG

TTO - Những lúc nguy nan cần đúng giờ, cần chính xác tới từng giây... Nhưng việc vận động, chia sẻ từng chút, thấu hiểu nỗi đau đớn của các gia đình vừa mất người thân mới là công việc các cán bộ trung tâm phải bền bỉ và cần mẫn thực hiện.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Công việc lặng thầm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng lấy giác mạc hiến tặng của bé Hải An - Ảnh: NVCC

“Những lúc nguy nan cần đúng giờ, cần chính xác tới từng giây

(Một cán bộ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia nói về việc nhận tạng)

Một ngày tháng 4-2018 ở Hà Nội, sau buổi họp báo công bố ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, nhóm cán bộ của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, những người có đóng góp quan trọng trong vận động, chia sẻ và điều phối các ca hiến - ghép, vội trở về trụ sở chuẩn bị những công việc còn dang dở.

Bữa trưa vừa ăn vừa làm việc có món bánh mì kẹp và nước trà, trong hai căn phòng rất nhỏ và một căn nữa vốn là hành lang ở Bệnh viện Việt - Đức.

Dùng thùng đựng kem để... bảo quản tạng

Những ngày đầu tiên hoạt động độc lập, phải nói là mọi thứ đều rất khó khăn, chưa ai hiểu về việc hiến - ghép mô tạng, cũng chưa có bất cứ dữ liệu gì sử dụng để tuyên truyền việc .

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng, cho biết có những ngày các ông đi nói về hiến ghép mô tạng ở các hội nghị hàng trăm đại biểu, nhưng không nhận được một đơn đăng ký hiến tạng nào.

"Khi đó VN đã thực hiện được ghép gan, ghép thận, ghép giác mạc, van tim..., nhưng ghép từ người hiến tạng đã chết não là điều gì đó rất xa lạ. Vì không có dữ liệu để truyền thông, năm cán bộ đầu tiên của trung tâm cứ mày mò vừa vận động vừa tìm hiểu, rồi cũng có những người đăng ký hiến tạng đầu tiên.

Năm 2015, hơn hai năm sau khi thành lập, lần đầu tiên trung tâm điều phối hiến - ghép mô tạng xuyên Việt: một êkip bác sĩ từ Bệnh viện Việt - Đức đã lên máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để nhận tạng hiến, rồi quay lại ghép ở Bệnh viện Việt - Đức.

Một trái tim không thể sống thêm quá sáu giờ kể từ khi rời khỏi cơ thể người hiến tặng, nên mỗi một phút di chuyển đều phải tính toán kỹ, cộng thêm yêu cầu phải hồi sức tích cực cho người hiến chết não trước khi êkíp nhận tạng tới kịp.

"Những lúc nguy nan cần đúng giờ, cần chính xác tới từng giây, có khi chúng tôi không mua được vé máy bay, cứ lên sân bay ngồi "ăn vạ" và rồi cũng được lên máy bay. Thùng chứa tạng hiến lúc ấy chỉ là loại thùng dùng để đựng kem. Mãi sau này chúng tôi mới có một thùng chuyên dụng chứa tạng hiến" - một cán bộ trung tâm cho biết.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn mà các cán bộ trung tâm phải trải qua. Việc phải vận động, chia sẻ từng chút, thấu hiểu nỗi đau đớn của các gia đình vừa mất người thân mới là công việc các cán bộ trung tâm phải bền bỉ và cần mẫn thực hiện.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Công việc lặng thầm - Ảnh 3.

Thùng chuyên dụng dùng để bảo quản vận chuyển tạng hiến - ghép đang nằm trên ghế máy bay - Ảnh: BVCC

Tinh thần tự nguyện

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, phụ trách đơn vị điều phối Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết dù đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy đã hoạt động bốn năm nay nhưng chủ yếu trên tinh thần tự nguyện.

Đơn vị có sáu người nhưng chỉ ba người là không kiêm nhiệm. Ba người còn lại đều kiêm nhiệm ở các khoa phòng khác trong bệnh viện.

Gọi là tự nguyện vì bất kể ngày hay đêm, có việc liên quan đến hiến - ghép tạng là phải "chạy", còn tiền lương thì chỉ được tạm thời chấm công ngoài giờ.

Khi đơn vị điều phối ghép tạng tiếp cận được một gia đình đồng ý hiến tạng trong lúc người bệnh của họ đang nằm điều trị tại bệnh viện, phải cử người theo dõi, đánh giá tình trạng người hiến tạng xem họ có hiến được hay không và dành thời gian cho gia đình người hiến.

Một nhân viên của đơn vị khi đã tiếp cận, tư vấn một gia đình bệnh nhân nào sẽ theo suốt vì việc thay đổi nhân viên tiếp cận sẽ có thể khiến họ mất cảm giác an toàn. Nếu trong quá trình tư vấn mà nhân viên của đơn vị làm gia đình người hiến hụt hẫng, họ có thể từ chối hiến tạng...

Do vậy công việc của người làm trong đơn vị là phải luôn cố gắng hết sức để làm cho những người khác dù đang trong hoàn cảnh rối bời trước thông tin người thân của họ không thể cứu sống được nữa nhưng vẫn đặt niềm tin vào đơn vị điều phối hiến tạng để chấp nhận hiến tạng người thân.

Có những gia đình hiến tạng hoàn cảnh rất khó khăn, khi hiến tạng dù họ không mảy may đòi hỏi gì, nhưng những người làm trong đơn vị phải có trách nhiệm làm cách nào có thể giúp được họ như tìm mạnh thường quân, phối hợp với các bộ phận công tác xã hội.

Đó là chưa kể rất nhiều công việc tỉ mỉ không thể kể hết mà những người làm cầu nối cho công việc hiến và ghép tạng phải thực hiện...

Ngân hàng không tiền

Trong căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Mắt T.Ư tại Hà Nội có một ngân hàng kỳ lạ: ngân hàng mắt.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng là giám đốc ở đó, và mỗi khi tài khoản FB của anh báo tin anh đang ở địa danh nào đó trên đất nước này, với một chiếc hộp cũng lạ kỳ không kém, thì gia đình anh hiểu rằng vừa có một người qua đời hiến tặng giác mạc cho người còn sống.

Và anh Hoàng đang trên đường nhận món quà đặc biệt ấy cho những bệnh nhân của mình.

Là cử nhân ngành báo chí, cơ duyên đưa anh Hoàng đến với ngân hàng mắt, và anh là một trong những người đầu tiên được học bài bản về việc nhận giác mạc hiến tặng ở Ấn Độ.

Bất kể lúc nào, nếu có người hiến tặng giác mạc là anh phải lên đường dù là đêm khuya mưa gió. Anh kể lần nhận giác mạc hiến tặng làm anh xúc động nhất là giác mạc của Hải An, cô bé 7 tuổi qua đời hôm 22-2-2018 vì bệnh ung thư.

Khi anh đến để lấy giác mạc, bé gái mới qua đời nằm như một thiên thần đang ngủ, anh phải cẩn thận trong từng thao tác để không làm ảnh hưởng đến "giấc ngủ" thiên thu của cháu.

Anh thú nhận mình đã rơi nhiều nước mắt ở những lần nhận giác mạc, nhưng đó là lần anh xúc động nhất.

Năm 2017 ngân hàng mắt nhận được 77 giác mạc hiến tặng từ những người vừa qua đời ở VN. Đó là con số ít ỏi nếu so với số người cần được chữa lành các bệnh về giác mạc ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng với anh Hoàng, 77 giác mạc đó là hành trình những chuyến đi thầm lặng nhưng khó quên của anh, một người làm ở ngân hàng nhưng không hề giữ tiền, chỉ giữ những điều kỳ diệu làm cho người ta thêm tin yêu cuộc sống này.

Con số khó tưởng tượng

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tặng mô tạng; đến năm 2015 số người đăng ký hiến tặng đã tăng lên 3.542 người; năm 2016 là 6.726 người; 2017 là 11.663 người, đến nay là hơn 15.000 người.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc trung tâm, "đó là những con số chúng tôi từng không tưởng tượng được".

**************************

Kỳ tới: Cánh cửa mở rộng

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ân tình đáp trả

TTO - Những ngày này, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy vui hơn khi thấy cậu bé Võ Sơn Lâm, 7 tuổi, ở Q.2, TP.HCM (em trai một người hiến tạng) có kết quả học tập tốt..

LAN ANH - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp