23/02/2020 11:36 GMT+7

25 năm dạy chữ, nuôi cơm trò nghèo

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Ở tuổi 90, bằng khả năng và tấm lòng của mình, họ vẫn tiếp tục cống hiến, phục vụ cộng đồng một cách bền bỉ, lấy niềm vui của mọi người làm động lực và nhận được sự kính trọng của mọi người.

25 năm dạy chữ, nuôi cơm trò nghèo - Ảnh 1.

Cô giáo Trần Thị Bê với lớp dạy ngoại ngữ cho học sinh nghèo ở Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Tại TP Huế, 25 năm qua, lớp dạy ngoại ngữ miễn phí của cô giáo Trần Thị Bê vẫn đều đặn sáng đèn đón học sinh nghèo đến học vào mỗi tối thứ ba, năm, bảy hằng tuần.

Dù năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng đôi mắt của vị giáo viên già vẫn tinh anh đến lạ. Ai hỏi thì cô móm mém cười: "Nhờ lũ trẻ cả đấy. Thấy chúng vui, hạnh phúc khi được học chữ là tôi thấy vui. Vậy là khỏe ra thôi".

Cô giáo tuổi 90

6h tối, khi con hẻm nhỏ nằm trên đường Điện Biên Phủ (TP Huế) vừa sáng đèn cũng là lúc ngôi nhà của cô giáo Trần Thị Bê tràn ngập tiếng cười của lũ trẻ. Trước hiên nhà, một bà lão có gương mặt phúc hậu, tóc bạc phơ đứng tựa cửa nhìn lũ trẻ vui đùa. Một lúc sau, những đứa trẻ hiếu động tự giác ngồi ngay ngắn vào chiếc bàn lớn đặt giữa ngôi nhà. Trên bàn đã bày sẵn bánh kẹo và nước ngọt.

Bà lão lúc này tươi cười chào lũ trẻ bằng tiếng Anh: "Hi, class". "Hi, teacher" - lũ trẻ đáp. "Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục tập đọc và viết từ mới tiếng Anh. Cuối buổi bà sẽ ôn lại những từ mới tiếng Pháp cho các con đã học ở buổi hôm trước nhé" - bà lão cười nói. Thế là buổi học ngoại ngữ miễn phí của cô giáo Bê bắt đầu như thường lệ. 

Lớp học này đã được duy trì 25 năm nay. Có những học trò của cô nay đã trưởng thành, lập gia đình và gửi con cái của mình quay lại cho cô dạy bảo. Cô Trần Thị Bê năm nay đã 90 tuổi. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" này, cô Bê vẫn cố gắng tận tâm dạy cho lũ trẻ nghèo trong xóm nhỏ và lấy đó làm thú vui tuổi già.

Cô Bê kể rằng ngày xưa gia đình cô nghèo lắm. Cha mất sớm, mẹ một mình tảo tần sớm hôm nuôi đàn con dại bằng ít đồng bạc lẻ từ nghề may vá. Lúc cha sắp qua đời, cô Bê tính đến chuyện nghỉ học, kiếm việc làm để phụ giúp gia đình. Thế nhưng cha cô gọi con gái đến và nói rằng dù gì đi nữa cũng không được nghỉ học, bởi chỉ có kiến thức mới thay đổi được số phận.

Cô Bê sau đó được xin vào học miễn phí tại một ngôi trường do các nữ tu sĩ thuộc một nhà thờ trên đường Trần Cao Vân (TP Huế) đứng lớp. Tại đây, cô Bê được các sơ nhà dòng dạy chữ, tiếng Pháp và tiếng Anh miễn phí. Cũng chính nơi này, khi được tiếp xúc với các bạn học có cùng hoàn cảnh, ước mơ sau này mở một lớp học từ thiện của cô Bê dần hình thành.

Sau khi học xong phổ thông, cô Bê mở lớp dạy học ở nhà. Đến năm 1970, cô được tuyển vào ngành bưu điện với công việc là đánh máy chữ. Thời gian này, cô vừa làm đánh máy vừa nấu cơm bán cho những sinh viên đến Huế trọ học. Gặp những trường hợp sinh viên khó khăn, cô miễn luôn tiền cơm. Ròng rã hơn 10 năm trời, không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên nghèo trưởng thành nhờ những bữa cơm miễn phí ở nhà cô Bê.

Học trò xem cô như mẹ

Đa phần học sinh của lớp học là các bạn nhỏ nghèo trong xóm. Tuy nhiên có lúc lớp học này cũng rộng cửa đón các bạn sinh viên đến để ôn luyện thêm vốn ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Bất kể là ai, cô Bê đều chào đón nồng hậu khi đến lớp học nhỏ này.

Mỗi buổi học thông thường bắt đầu từ 6h tối. Với từng học trò, cô Bê có phương pháp dạy với giáo án riêng. Các bộ giáo án này đều do cô mày mò tự soạn ra sau những yêu cầu của học trò. "Để lũ trẻ dễ nhớ thì đừng dạy theo kiểu rập khuôn mà phải tạo không khí vui vẻ, vừa học vừa chơi. Ví như dạy từ mới tiếng Anh, tôi thường cho học trò học thơ lục bát để các cháu dễ nhớ". Nói rồi, cô Bê đọc luôn một câu thơ: "Hello có nghĩa xin chào, Goodbye tạm biệt, thì thào Whisper...".

25 năm mở lớp học thiện nguyện, rất nhiều lứa học trò đã trưởng thành từ những bài giảng và tình thương của cô Bê. Có những học trò nay đang là giáo viên của nhiều trường học lớn trên TP Huế, là bác sĩ ở các trung tâm y tế tại Quảng Trị.

Ngày 20-11 hằng năm, những người học trò năm nào lại cố gắng thu xếp công việc để về bên lớp học nhỏ tri ân người cô giáo đáng kính của mình. Anh Hồ Thanh Hùng, nguyên giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) - một người học trò cũ của cô Bê, nói rằng cô Bê như người mẹ thứ hai của mình. Ngày còn là cậu sinh viên y dược nghèo trọ học ở Huế, anh Hùng thường đến nhà cô Bê ăn cơm "chịu". Khi biết được gia cảnh khó khăn của anh Hùng, cô Bê miễn luôn tiền cơm cho anh dù cuộc sống của cô lúc đó cũng chẳng mấy khá giả. "Cô còn nói tôi chuyển đến ở với gia đình cô luôn cho tiết kiệm chi phí. Từ đó, cô xem tôi như con cháu trong gia đình" - anh Hùng kể.

Dù ở xa nhưng năm nào gia đình anh Hùng cũng thu xếp về Huế để thăm cô Bê. Thấy cô tuổi đã già lại ở một mình, anh Hùng nói rằng muốn đưa cô vào Gia Lai sống cùng vợ chồng anh để anh được tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng nhưng cô từ chối. "Cô nói muốn ở lại Huế để tiếp tục dạy học. Với cô Bê, niềm vui tuổi già là được tiếp tục dạy chữ cho lũ trẻ nghèo hiếu học" - anh Hùng nói.

"Bọn trẻ nghèo hiếu học lắm. Có những đứa là con học trò cũ của tôi. Hôm nào mà không được nghe lũ trẻ đọc bài là hôm đó cứ thấy thiếu thiếu sao sao ấy" - cô Bê móm mém cười.

Từ năm 1995, lớp học miễn phí đầu tiên của cô Bê chính thức được mở. Ban đầu, cô chỉ dạy chữ, làm toán cho lũ nhỏ nghèo trong xóm. Sau này cô dạy luôn cả tiếng Pháp cho các bạn sinh viên đến ăn cơm ở nhà mình. Cứ thế đều đặn 25 năm nay, cứ đến tối là ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ của cô Bê lại sáng đèn đón học trò đến học miễn phí. Có lúc cao điểm, cô nhận dạy hơn 40 học trò.

8 cô giáo dạy không lương đậu viên chức: Vỡ òa cảm xúc! 8 cô giáo dạy không lương đậu viên chức: Vỡ òa cảm xúc!

TTO - 8 cô giáo Trường mầm non Hoa Pơ Lang (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) trong bài "Sợ trò thất học, 8 cô giáo tình nguyện dạy không lương" (Tuổi Trẻ ngày 15-12) vừa nhận tin trúng tuyển viên chức sau thời gian dạy không lương.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp