Phóng to |
Gia đình Nguyễn Đức bây giờ - Ảnh: Bình Minh |
Thanh Tuyền phải đe: “Có cô giáo kìa” để con đứng im được trong chốc lát. Nguyễn Đức dõi theo hai con với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và cho biết cả hai rất ngoan, biết vâng lời. Cả hai đã 4 tuổi, ghi dấu một chặng đường hạnh phúc của cha mẹ.
7 tháng làm nên kỳ tích
Năm 1981, tại vùng quê nghèo xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, một đôi vợ chồng nghèo sinh ra hai bé trai dính nhau Nguyễn Việt - Nguyễn Đức với hình hài dị thường: song sinh dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt. Sau đó hai cháu được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - lúc đó là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)- nhớ lại: Cuối năm 1982, giáo sư Hoàng Đình Cầu - thứ trưởng Bộ Y tế - điện vào Bệnh viện Từ Dũ: “Cho tôi gửi hai bé Việt - Đức vào nuôi tại bệnh viện nhé! Ở ngoài này mùa đông rét quá, sợ hai cháu không sống được”. Vậy là từ đó cuộc sống Việt - Đức gắn với Bệnh viện Từ Dũ, cả hai được nuôi nấng, chăm lo với tất cả tình yêu thương.
Cái họa ập đến: ngày 22-5-1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê, từ đó sống đời thực vật trong khi Đức vẫn tỉnh táo. Đức luôn hoảng hốt, lo sợ vì anh mình thường xuyên gồng cứng, la hét. Các hãng truyền hình Nhật, đầu tiên là Đài Asahi, đã đưa hình ảnh thương tâm đó đến nước Nhật rồi cả thế giới. Việt - Đức được Hội Chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo chữa trị bằng chuyên cơ. Sau hơn bốn tháng chữa trị, ngày 29-10-1986 cả hai trở về VN vì các bác sĩ Nhật cũng không thể mổ tách. Việt đã khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ăn thường xuyên bị sặc, ngưng thở, nhiều lần phải cấp cứu. Nguy cơ chết đột ngột của Việt luôn đe dọa mạng sống của Đức. Đầu năm 1988, Bệnh viện Từ Dũ đề nghị cho mổ tách hai cháu.
Một cuộc mổ tách được chuẩn bị bảy tháng với không biết bao nhiêu cuộc họp và không biết bao nhiêu lần tranh cãi, nhiều phản biện trái ngược nhau, không chỉ về chuyên môn mà cả về tính nhân văn. Bởi lẽ cả hai có ba chân, chung một bàng quang, một hậu môn, một bộ phận sinh dục, vậy nên chia như thế nào để đảm bảo vừa công bằng, hợp lý, vừa dành ưu tiên cho Đức, để sau này Đức có thể sử dụng tối ưu nhưng cũng không để Việt quá thiệt thòi. Người nhạc trưởng lúc bấy giờ là bác sĩ Dương Quang Trung - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã có những quyết định vô cùng chuẩn mực, chính xác để ngày 4-10-1988 cuộc mổ tách kéo dài 15 giờ với sự tham gia của trên 70 giáo sư - bác sĩ, trở thành ca mổ kỳ tích với thành công vang dội không chỉ trong mà cả ngoài nước, được cả thế giới biết tiếng và ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991.
Sau mổ, Việt sống đời thực vật, có hậu môn nhân tạo và lỗ thông tiểu nằm rất gần nhau trên thành bụng nên rất dễ nhiễm trùng. Việt nằm một chỗ nên các cô chăm sóc phải xoay trở thường xuyên... Vậy mà, Việt vẫn tiếp tục sống được 19 năm sau mổ (mất ngày 6-10-2007) - một kỳ công về y đức và sự chăm sóc sau mổ của Bệnh viện Từ Dũ và làng Hòa Bình. Đức lớn lên trong vòng tay ấm áp đầy yêu thương, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ của “bà nội” Tạ Thị Chung, của “má” Phượng (bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng), của “ông ngoại” Dương Quang Trung, của bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, của “mẹ” Nguyễn Thị Mười... và sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hội Negaukai.
Ân tình ấm áp
Tại buổi gặp mặt kỷ niệm sáng 6-10, trong êkip chỉ huy lẫn phẫu thuật viên, những bác sĩ, điều dưỡng tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc Việt - Đức 25 năm trước bây giờ nhiều người tóc đã bạc phơ. Bác sĩ Trần Đông A - phẫu thuật viên chính - đã thay mặt êkip tri ân các thầy thuốc tham gia ca mổ ngày nào nay đã về cõi vĩnh hằng như giáo sư Ngô Gia Hy, viện sĩ tiến sĩ Dương Quang Trung, bác sĩ Vũ Tam Tĩnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp, nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Nhẫn, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mười - mẹ nuôi các cháu, và là người làm ra con búp bê đúng kích cỡ hai cháu có cả đường tách đôi như hai cháu sẽ được tách để cả kíp thực tập nhiều lần.
Trong niềm xúc động 25 năm, Nguyễn Đức phát biểu: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi bản thân là một minh chứng hùng hồn cho bước ngoặt lịch sử của y học VN. Nếu các bác sĩ trong êkip mổ cùng các bác sĩ Nhật Bản là những bậc cha mẹ đã tái sinh tôi lần thứ hai thì các bà, các mẹ, các cô ở làng Hòa Bình Từ Dũ với tấm lòng bao dung và đôi tay ân cần rộng mở chở che, chăm sóc anh em chúng tôi từng chút một như những đứa con chính mình rứt ruột sinh ra. Tôi cũng không thể nào quên anh Việt - người anh trai song sinh - đã nhường một phần lớn thân thể cho tôi nay đã mãi mãi ra đi... Tôi càng ý thức sâu sắc hơn giá trị sống mình đang có được, luôn tự nhủ với bản thân phải sống tốt hơn cho phần đời của anh Việt để xứng đáng với những gì anh đã hi sinh cho tôi. Đã 25 năm kể từ ngày diễn ra ca đại phẫu lịch sử, tôi mang ơn ông ngoại Dương Quang Trung, Bệnh viện Từ Dũ, làng Hòa Bình, Hội Negaukai, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và toàn êkip mổ đã góp phần giành lại sự sống cho tôi. Có lẽ cả cuộc đời tôi cũng không trả hết được ân tình này”.
Cứ mỗi năm năm, các thầy thuốc trong êkip mổ lại gặp mặt và cùng ôn lại kỷ niệm ấm áp với diễn tiến phát triển cuộc đời Nguyễn Đức, như một thành tựu nối dài tính nhân văn. Xin nhắc lại lời của cố viện sĩ Dương Quang Trung nhân kỷ niệm 20 năm ngày tách rời hai cháu được tổ chức cách đây năm năm: “Bài học kinh nghiệm lớn nhất từ cuộc mổ tách Việt - Đức là bài học về sự hợp tác, hợp đồng giữa các chuyên khoa. Sau 20 năm, ca mổ Việt - Đức vẫn sâu thẳm giá trị nhân văn, vẫn ấm áp, tỏa sáng kết nối tình người. Cuộc sống của Đức hiện nay là phần thưởng chung cho tất cả những ai đã tham gia ca mổ lịch sử ấy. Giờ đây chỉ còn chờ Đức báo tin có con là niềm vui của “bà nội”, “ông ngoại”, các bà mẹ nuôi, các y bác sĩ, những người bạn vì sự phát triển Việt - Đức được nhân lên nhiều lần”.
Giờ thì hai bé con của Nguyễn Đức đang tung tăng nhưng lại vắng “ông ngoại”, vắng cả “mẹ Mười”...
Đá nở hoa Nhớ lại suốt thời gian ngày vợ mang thai hai đứa con, Đức kể đó là chuỗi ngày hai vợ chồng anh vừa mừng vừa run, lo sợ hai con sẽ còn chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin như cha từng chịu. Vợ mang thai, Đức tự mình làm hết tất cả mọi việc trên đôi nạng gỗ để chăm sóc vợ. Đến khi tận mắt nhìn thấy hình hài hai thiên thần nhỏ, hai vợ chồng như vỡ òa trong hạnh phúc. Cậu con trai được đặt tên là Phú Sĩ, cô con gái nhỏ tên là Anh Đào - một ngọn núi hùng vĩ và một loài hoa đẹp đẽ, biểu tượng của đất nước mặt trời mọc - là cách để Nguyễn Đức ghi nhớ ân tình của các ân nhân Nhật Bản đã giúp đỡ anh em Đức từ khi bắt đầu phẫu thuật đến tận bây giờ. Mỗi ngày sau khi đã làm xong công việc của mình cùng với những em nhỏ bất hạnh của làng Hòa Bình, Đức trở về căn nhà nhỏ trong một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM. Mong mỏi của Đức là làm sao phấn đấu để nuôi nấng hai con đang học lớp chồi, hai thiên thần nhỏ như những chồi hoa nảy nở giữa cuộc đời không may mắn của người cha. Vũ Thủy |
Phóng to |
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Đức và ca sĩ người Nhật Ruth Linton cùng hát ca khúc For a beautiful world (Vì một thế giới đẹp tươi) do giáo viên mỹ thuật Toshiaki Uchimoto sáng tác theo cảm hứng từ ca mổ Việt - Đức - Ảnh: Bình Minh |
* Ông Len Aldis (tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt): “Gặp Đức luôn là niềm vui đối với tôi. Tôi gặp Đức lần đầu tiên khi anh ấy còn dính liền với anh trai của mình. Tôi có thể nói mình chứng kiến sự trưởng thành của Đức từ nhỏ đến lớn. Thật vô cùng tuyệt vời khi được mời tham dự đám cưới của Đức vào năm 2006. Hai năm sau đó, anh ấy gọi điện thông báo đã có con. Tôi nhắn tin hỏi bao nhiêu đứa, anh ấy bảo hai đứa. Lần gặp anh ấy tiếp theo, tôi thấy hai đứa con song sinh của Đức, thật vô cùng bất ngờ. Anh ấy thật sự là một chàng trai đặc biệt”.
* Nữ ca sĩ người Nhật Ruth Linton: “Tất cả mọi người ở Nhật Bản đều biết Đức đã kết hôn, có con và thật tuyệt vời khi biết đó là một cặp song sinh. Nhật Bản và VN đã có một tình bạn đẹp. Nhiều người Nhật vô cùng cảm động khi biết Việt và Đức từng giúp đỡ nhau để sống”.
BÌNH MINH - QUỲNH TRUNG ghi
____________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận