GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, cập nhật tình hình bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam - Ảnh: T.VƯƠNG
GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, đã cho biết như vậy tại chương trình Nâng cao nhận thức về bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp được tổ chức ở TP.HCM vào ngày 22-11.
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm các bệnh không lây nhiễm tăng cao như hiện nay đó là hút thuốc lá, hút thuốc lào, uống rượu bia quá nhiều, dinh dưỡng không hợp lý (ăn thiếu rau và trái cây, ăn thừa muối), thiếu các hoạt động thể lực cần thiết hằng ngày.
"Có những người ở công sở ngồi trên máy tính từ sáng sớm đến tối, sau đó đi về nhà, gần như không vận động gì", ông Việt dẫn chứng.
Tất cả những yếu tố trên làm số người mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn về tâm thần... tăng lên rất nhiều .
Theo những số liệu điều tra gần đây tại Việt Nam, tăng huyết áp chiếm 26,2%, như vậy có khoảng 17 triệu người dân bị tăng huyết áp. Đái tháo đường chiếm tỉ lệ 7,06%, tức là có 4,6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm 4,2% với khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh và khoảng 354.000 người mắc bệnh ung thư.
Như vậy, có khoảng 23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh không lây nhiễm.
Tình trạng tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong.
"Bệnh không lây nhiễm thường là những căn bệnh diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra", ông Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận