Bác sĩ Bình trao đổi với một bệnh nhân đến khám hôm nay 27-6 - Ảnh: THÚY ANH
Bác sĩ Khổng Tiến Bình - trưởng Khoa nội, can thiệp tim mạch Bệnh viện Việt Đức - cho biết hơn 90% bệnh nhân đến khám ngày 27-6 của đợt tầm soát miễn phí này có biểu hiện dầy thành thất và chưa được điều trị, đây là biến chứng đầu tiên liên quan đến tăng huyết áp. Sau này, tăng huyết áp có thể gây hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng nếu không được thăm khám và theo dõi định kỳ.
"Tăng huyết áp không có triệu chứng đặc hiệu, bệnh nhân đến khám do họ thấy có những biểu hiện như hồi hộp, có trống ngực do tim đập nhanh, hoa mắt, chỉ có 30% trong số này có đo huyết áp và theo dõi huyết áp nhưng không thường xuyên. 30% trong số này là người trẻ", bác sĩ Bình thông tin.
Đặc biệt có 2 bệnh nhân trong đợt này mới 22 tuổi, trong khi bệnh lý tăng huyết áp vốn thường gặp ở nhóm tuổi trung niên và người già.
Ngoài những lý do có thể dẫn đến tăng huyết áp ở lứa tuổi trẻ như mắc bệnh lý cường giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận, bị suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp hoặc thuốc tránh thai, thì chế độ ăn nhiều muối cũng là một nguyên nhân quan trọng.
"Có người nói họ ăn rất nhạt, nhưng thực tế thói quen người Việt là hay chấm khi ăn uống và chấm nhiều. Cuộc sống hiện nay nhanh hơn, tận dụng thời gian nên người trẻ cũng thường sử dụng thức ăn nhanh và thức ăn nhanh lại nhiều muối" - bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Bình cũng khuyến cáo bệnh nhân tăng huyết áp, người có bệnh lý nền tim mạch cần giảm 30% lượng muối sử dụng trong các bữa ăn.
Hiện tại Việt Nam, các khảo sát cho thấy lượng muối bình quân sử dụng là 10 gram/người/ngày, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ nên dùng 1/2 con số này là an toàn cho sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận