Đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị phong tỏa (ảnh chụp chiều 23-7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để TP.HCM và các tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất.
Chống dịch, sản xuất phải an toàn
Theo Thủ tướng, ưu tiên số 1 của TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng chống dịch COVID-19, những nơi đáp ứng được yêu cầu, an toàn phòng chống dịch vẫn duy trì, khôi phục sản xuất, song các doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến".
Thủ tướng yêu cầu bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh/TP trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị 16 tại địa phương. Theo đó, phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định; truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế tối đa ca tử vong; các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp "chặt ngoài, lỏng trong"; tuyên truyền, động viên để các tầng lớp nhân dân thực hiện; không để phát sinh các vùng dịch mới; bảo vệ an toàn những nơi không có dịch; đảm bảo phòng chống dịch đạt kết quả chắc chắn, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động của các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, phối hợp với các lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động, kiểm soát người dân thực hiện chỉ thị 16; tiếp tục thành lập các trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó nhất thiết không để thiếu máy thở, oxy phục vụ chữa bệnh.
Khắc phục ngay những hạn chế
Thủ tướng nhận định trong chống dịch vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị và một số người dân; việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm; một số nơi vẫn còn tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách.
Đến nay có nơi chưa thành lập được tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả; việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả theo quy định; việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa nghiêm túc, nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng; tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương còn chậm; hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…
Nghiên cứu mở rộng đối tượng được hỗ trợ
Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH rà soát việc thực hiện nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.
Bộ Y tế phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin cho người dân đảm bảo an toàn, tránh tiêu cực.
Các bộ Công an, Quốc phòng tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho các địa phương phòng chống dịch.
Bộ GD-ĐT phối hợp với các địa phương lên kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo an toàn, công bằng quyền lợi của học sinh.
Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận