24/10/2014 12:21 GMT+7

​21 năm - hội ngộ trên đất Bắc

TÂM LỤA ghi
TÂM LỤA ghi

TT - 21 năm kể từ ngày được chồng tiễn ra ga để lên tàu đi tập kết, bà mới được gặp lại chồng mình.

Bà Lê Thị Tuyết Lan Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Lê Thị Tuyết Lan Ảnh: Nguyễn Khánh

21 năm ấy, dù giấy báo tử đã gửi về, bàn thờ đã được lập nhưng bà vẫn chờ đợi.

Ở tuổi 91, câu chuyện về ngày đi tập kết, về những ngày chờ đợi dài hơn cả đời người vẫn được bà Lê Thị Tuyết Lan (nhà 1A5, Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kể lại rành rẽ như mới vừa xảy ra ngày hôm qua.

“Em vẫn đợi...”

Chúng tôi đều sớm mồ côi cha mẹ. 23 tuổi, anh Lê Quang Ngọc, chồng tôi, là bí thư Huyện ủy Minh Long (Quảng Ngãi). Cưới nhau năm 1950, rồi anh đi biền biệt. Năm năm ấy thời gian được chung sống tính lại chưa đầy một tháng.

Hiệp định Genève ký, chồng tôi được lệnh lánh lên núi để ở lại. Tôi đi tập kết mang theo đứa con gái 5 tuổi và con trai 15 ngày tuổi. Đêm tháng 10-1954 trời mưa tầm tã, tôi bế con vượt sông Vệ cùng đoàn đi bộ đến điểm chờ.

Trong lúc chờ tàu thì đứa con gái lớn lên sởi, mấy ngày sau cháu mất. Tôi ngất đi, tỉnh dậy thì chủ nhà đã chôn cất con rồi. Bốn ngày sau chồng tôi về thắp cho con nén hương. Tôi ốm, khóc nhiều, không thể nào mở mắt nhìn chồng. Anh lại vội vã ra đi.

Đầu năm 1955, tôi từ sân ga Lam Điền đón tàu ra Bắc. Ở sân ga có một người đàn ông đội nón rách, mặc bộ đồ đen. Linh tính báo cho tôi biết đó là chồng mình. Đúng là anh cải trang về tiễn vợ con.

Sau này chồng tôi viết lại trong hồi ký: “Tôi tiễn nhà tôi trên sân ga Lam Điền vào tháng giêng âm lịch 1955. Trời mưa xuân ở miền Trung sáng sớm sương mờ, gió nhẹ, khí trời ấm áp nhưng lòng tôi trĩu nặng, đâu thấy gì cảnh xuân sang. Một cuộc tiễn đưa mà lòng ai cũng đau quặn thắt, không chỉ vì một cuộc chia ly chồng vợ mà còn vì nỗi đau quê hương, nhà cửa sẽ bị chiếm".

"Lòng tôi xốn xang thầm lặng. Không biết rồi trên sóng biển mênh mông, trên tàu xe vạn dặm, với đứa con đỏ hỏn trong tay, cuộc sống sắp tới chắc sẽ không suôn sẻ. Không biết những gì đang chờ đợi phía trước? Lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Tôi ở miền Nam chấp nhận những ác liệt hi sinh, tuy nhiên lòng vẫn nặng một bề trách nhiệm. Tôi cố quay mặt bước nhanh không chờ chiếc xe goòng chuyển bánh, như để tránh đi giọt nước mắt đang lăn trên gò má...”.

Tôi ra Bắc cùng lời dặn dò của chồng: “Hai năm sau vợ chồng mình đoàn tụ ở miền Bắc”.

Ra Bắc, tôi được phân công về công tác tỉnh hội phụ nữ Hưng Yên. Những ngày chờ đợi tin chồng, gặp ai cũng hỏi, đáp lại là tin miền Nam bị càn quét, người thân bị bắt, bị hành hạ...

Tháng 12-1957, Ban Thống nhất có ôtô xuống Hưng Yên đón tôi về Hà Nội. Ngồi trên xe, cảm thấy có điều gì bất thường. Về đến nhà người quen, tôi chết lặng khi thấy bàn thờ đã bày biện đủ cả. Tổ chức làm lễ báo tử chồng tôi. Sét đánh! Tôi mờ mắt, ngất lịm đi. Tấm hình của anh mà tôi luôn mang theo bên mình giờ được mang ra làm ảnh thờ, tôi đề bên dưới: “Vĩnh biệt người yêu Lê Quang Ngọc”.

Rồi tôi được chuyển về Hà Nội phụ trách công tác miền Nam. Nhiều người thương cảnh tôi đi tập kết, mẹ góa con côi, khuyên đi bước nữa nhưng tôi từ chối. Linh tính báo cho tôi biết rằng anh Ngọc vẫn còn sống. Tôi nhớ lời anh hứa: Hẹn gặp lại ở miền Bắc...

Đi đến đâu tôi cũng dò la tin tức của anh. Có người là cựu tù Côn Đảo cho biết có ở cùng anh, đau yếu lắm. Câu trả lời như cắt vào lòng tôi. “Anh ở đâu?”, vẫn câu hỏi ấy tôi đi tìm gặp nhiều người, nhưng cuối cùng vẫn bặt tin.

Ngày Bắc đêm Nam

Bao năm mong ngóng, đến ngày 26-6-1975, tôi nhận được lá thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Anh còn sống, đã trở về Quảng Ngãi, em có về Quảng Ngãi với anh thì về”.

Tôi vừa thương vừa giận, tức tốc đáp xe về quê. Về quê mới biết hơn 20 năm tôi đi tập kết là từng ấy năm anh bị đày Côn Đảo. Tháng 5-1975, trong đoàn quân giải phóng Côn Đảo, có người báo anh biết tôi vẫn còn chờ đợi.

Đêm trước ngày gặp nhau, tôi trằn trọc không ngủ. Sáng tinh mơ, xe đến nơi, tôi thấy anh lặng người ngồi yên trên ghế, gầy rộc. Giàn giụa nước mắt, tôi chạy đến ôm anh. Chớp đôi mi cho khỏi trào lệ, hồi lâu, anh nghẹn ngào: “Anh không ngờ... Con thế nào rồi?”.

Tôi mở túi xách lấy một xấp thư của bạn bè và người quen gửi thăm anh. Hình ảnh vợ con, bạn bè, đồng chí hiện sau màn lệ như xóa đi những mất mát, đau thương...

Đoàn tụ trên đất Bắc

Sau ngày gặp lại nhau, anh được đưa ra Hà Nội. Gia đình tôi được đoàn tụ trên đất Bắc. Con trai tôi đi học ở Liên Xô rồi về Hà Nội công tác. Những năm tháng tù đày khiến anh phải đi chữa bệnh triền miên. Nhiều lần chúng tôi dự định trở về miền Nam nhưng rồi vì công việc, con cái, chúng tôi đã ở lại miền Bắc. Ốm triền miên suốt tám năm, năm 2009 anh qua đời.

Năm năm cưới trước ngày tập kết, chúng tôi chỉ được ở gần nhau không quá 30 ngày. Khi con gái mất, chúng tôi an ủi nhau sau này sẽ có thật nhiều con. Nhưng cuộc đời chẳng theo ý ai. Chúng tôi đã phải xa cách hơn 20 năm của thời tráng niên...

Căn phòng ngủ của tôi vẫn đầy hình ảnh và kỷ niệm về anh. Tôi nhắc đến anh, làm thơ tặng anh, vẫn muốn xưng anh em như những ngày chúng tôi còn trẻ...

Hai anh em

Nửa đêm một ngày giữa tháng 11-1954, có người tìm tôi và bảo: “ở trên cho anh đi tập kết ra Bắc. Nếu đi thì sáng sớm mai mang một bộ quần áo và một bát gạo xuống huyện rồi đi...”.

Tôi về nhà hỏi anh Hai: “Nếu em ra đi, còn mình anh ở lại, nay đau mai yếu biết nhờ vả ai?“. Anh nói: “Em cứ đi đi...”. Tôi bèn đi chào bà nội, chú thím, quay về nhà đã hai ba giờ sáng. Khi bước vào thấy anh Hai ngồi cạnh phản, giữa phản là một mâm, trên mâm có con gà luộc, một đĩa xôi và hai chén hai đôi đũa.

Anh Hai bảo: “Hai anh em mình ăn với nhau bữa cơm cuối cùng!”. Tôi nói: “Không thể được, anh em mình sẽ còn gặp nhau. Chỉ có điều em ra đi mà không có thời gian chào mẹ, khi nào gặp mẹ anh nói giùm em...”.

Ngồi bên mâm cơm nhưng cả hai anh em chẳng còn lòng dạ nào mà ăn uống, cổ họng thì nghẹn lại không nói được gì... Nhìn ra sân trời đã hừng sáng, anh Hai đứng dậy mở cửa bước ra, tôi cầm lon gạo và bộ quần áo bước theo. Ra đến đầu hè thì thấy anh ngồi khóc.

Tôi không còn biết nói gì, chỉ hỏi: ”Anh Hai, em ra đi, anh ở lại nhà muôn vàn khó khăn. Em cho anh quyền quyết định, chỉ cần anh bảo em đừng đi là em quay lại liền!”. Anh Hai bảo như ra lệnh: “Em đi đi!”. Từ đấy tôi không dám quay đầu lại, cứ thế vừa đi vừa chạy một mạch đến nơi tập trung...

30-4-1975. Tôi tìm về quê nhà. Anh Hai không còn nữa. Anh mất vì bạo bệnh chỉ vài năm sau khi hai anh em ăn bữa cơm cuối cùng...

(Trích ghi chép của ông NGUYỄN XUÂN THÂM - Bình Định)

LÊ THỊ TUYẾT LAN

________

Kỳ tới: Những người ở lại

 

TÂM LỤA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp