Chiều cao thanh niên VN theo kết quả điều tra từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015Với nữ thanh niên, chiều cao mong muốn vào 2025 đạt bình quân 156 cm, cao hơn gần 3 cm so với cùng mốc thời gian kể trên. Chiều cao là một trong những hạn chế của người Việt trong thể thao, ngoại hình, đời sống khi so tài với các bạn quốc tế.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển bình thường, không có gì can thiệp hay đột biến thì chiều cao bình quân của thanh niên sẽ tăng 1-1,5 cm sau mỗi 10 năm. Trong khi mục tiêu của Hội nghị T.Ư 6 cao gấp đôi thông thường.
Nếu muốn thực hiện mục tiêu này thì cần phải can thiệp vào đâu để đạt mục tiêu nâng chiều cao người Việt?
Yếu tố nào ảnh hưởng chiều cao?
Tại hội thảo vừa diễn ra ngày 18-10 tại Hà Nội, bà Bùi Thị Nhung (Viện Dinh Dưỡng quốc gia) cho hay nếu chiều dài sơ sinh tăng 1 cm thì chiều cao khi trưởng thành có thể cao hơn 3-5 cm, vì vậy bà Nhung cho rằng cần can thiệp mạnh vào giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, tức là giai đoạn mang thai và trẻ dưới 3 tuổi.
Cũng theo bà Nhung, mặc dù đã có những cải thiện vượt bậc so với 1985 (58% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng), tỷ lệ này năm 2016 là 14,5%, tức 7 trẻ có một trẻ suy dinh dưỡng, nhưng số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lại cao hơn nhiều lần, khoảng 24,5% trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi không thể đạt chiều cao tối ưu khi trưởng thành.
Bà Nhung cũng cho hay giấc ngủ cũng liên quan đến tăng trưởng chiều cao và thừa cân béo phì, thức khuya, ngủ ít vừa ảnh hưởng đến phát triển chiều cao do hormone GH chỉ phát huy hiệu quả khi trẻ đã ngủ sâu sau 23h đêm.
Trong khi đó nhiều trẻ em VN lại thức rất khuya, trong đó có cả lý do thức khuya vì bài vở nhiều mà không biết rằng điều đó cũng ảnh hưởng phát triển chiều cao.
"Tại Úc và các quốc gia có văn hóa uống sữa thì hầu như trẻ em từ 2 tuổi trở lên nào cũng dùng sữa hàng ngày. Tuy nhiên, đó là loại sữa tươi đã tách béo và giàu canxi hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, còn trong sữa tươi nguyên kem có nhiều acid béo no, mỗi 100 gr sữa lại chứa 3,7 gr chất béo, nếu uống vài trăm ml sữa/ngày thì nguy cơ thừa cân béo phì là ở đó. Tất nhiên không phải thực phẩm nào cũng là tốt hoàn toàn, kể cả sữa"- bà Nhung cho hay.
Bên cạnh canxi trong sữa, bà Nhung cho rằng quá trình chu chuyển của xương để phát triển chiều cao còn cần các vi chất như vitamin D, kẽm, magie… Tuy nhiên bữa ăn người Việt (kể cả bữa ăn của trẻ em) chưa đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất này.
Những sai lầm
Theo TS Lưu Thị Mỹ Thục, Bệnh viện Nhi T.Ư, qua nghiên cứu về hành vi ăn uống của trẻ em cho thấy có 5/11 nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có liên quan tăng cân, mỡ, nhưng có 4 nghiên cứu không thấy có liên quan.
Qua nghiên cứu trên cộng đồng, bà Thục cho biết trẻ vị thành niên hay bỏ bữa sáng, trẻ cũng ăn ít bữa nhưng mỗi bữa ăn có số lượng lớn, trẻ cũng ăn sáng ít và ăn nhiều vào bữa tối.
"Trẻ cũng hau dùng các thức ăn giàu năng lượng trong bữa phụ như kem, khoai tây, nước ngọt, ngũ cốc ăn sáng, bắp rang bơ…"- bà Thục cho biết.
Chiều cao của trẻ có thể tăng trưởng nhanh ở 2 giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và tiền dậy thì - dậy thì. Nhưng qua khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia về bữa ăn trẻ tiểu học tại TP.HCM, cho thấy bữa chiều và bữa khuya chiếm gần 35-38% năng lượng khẩu phần, làm tăng quá trình tích lũy mỡ vào cơ thể.
Khảo sát này cũng cho thấy lượng protein vượt mức khuyến nghị nhưng các vitamin chỉ đạt từ 52-91% so với nhu cầu. Lượng chất xơ cho trẻ chỉ đạt dưới 50% so với khuyến nghị theo nhóm tuổi.
Khảo sát các cháu thừa cân béo phì tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu thấy các cháu dùng nước ngọt hàng ngày, trong khi dùng nước ngọt 1-3 lần ngày làm nguy cơ thừa cân béo phì tăng 2-6 lần. Trẻ cũng hay dùng thực phẩm nhiều đường mật và thức ăn nhanh.
"Bữa ăn học đường và bữa ăn ở nhà của trẻ đang thiếu vi chất nhưng lại thừa năng lượng, đa số khẩu phần của trẻ em các thành phố đều chưa đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về canxi, vitamin A, B, sắt…, nhưng nhóm học sinh nội thành thì thấy năng lượng khẩu phần vượt khuyến nghị"- nhóm nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận xét.
Bên cạnh đó, trẻ còn lười hoạt động thể lực. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ nên dành 60 phút/ngày cho các hoạt động thể lực, giảm thời gian tĩnh tại (trẻ dưới 2 tuổi không nên cho xem Tivi, trẻ lớn hơn xem dưới 2 giờ/ngày), về thời gian ngủ trẻ 0-5 tuổi cần ngủ 11 giờ/ngày, 5-10 tuổi cần ngủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi cần ngủ 9 giờ/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận