Một cảng container tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu được dự báo sẽ giảm bớt trong năm 2022 - Ảnh: REUTERS
Thế giới đã bắt đầu một năm với các nền kinh tế bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2022, thấp hơn so với ước tính 5,1% của năm 2021, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Vương quốc Anh.
Triển vọng tăng trưởng
Theo dự báo của CEBR, Mỹ vẫn sẽ là nền kinh tế dẫn đầu thế giới trong năm 2022 bất chấp tỉ lệ lạm phát và số ca mắc COVID-19 tại đây. Trung Quốc sẽ mất ít nhất đến năm 2030 mới có thể vượt qua Mỹ, chậm hơn 2 năm so với các dự báo cũ của chính CEBR đưa ra hồi năm 2020.
Ấn Độ có khả năng sẽ vượt Pháp vào năm 2022, và sau đó là Anh vào năm 2023, để giành lại vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Đức đang trên đà vượt qua Nhật Bản về sản lượng kinh tế vào năm 2033. Nga có thể trở thành nền kinh tế thuộc top 10 vào năm 2036 và Indonesia đang trên đà giành vị trí thứ 9 vào năm 2034.
Một số quốc gia ngoài danh sách trên đang kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Đáng kể nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định lớn nhất thế giới với 15 nước tham gia.
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto ngày 31-12, Jakarta sẽ phê chuẩn RCEP vào đầu năm 2022, nâng số quốc gia đã phê chuẩn lên 12 nước. Việc này sẽ giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia thêm 0,07%, xuất - nhập khẩu tăng lần lượt 5 tỉ và 4 tỉ USD, theo Bộ trưởng Airlangga.
Ecuador, quốc gia Nam Mỹ, cũng khép lại năm 2021 bằng việc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mong muốn của quốc gia từng thuộc
Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là đa dạng hóa nền kinh tế thông qua xuất khẩu với nhóm CPTPP. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), sau 2 năm COVID-19, các nước dần nhận ra việc là thành viên của một nhóm thương mại tự do thực sự giúp ngăn đà suy thoái.
Giải bài toán lạm phát
"Vấn đề quan trọng là làm thế nào các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát" - ông Douglas McWilliams, phó chủ tịch CEBR, nhận định trong báo cáo nói trên.
Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu bất an vì tin là các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá cả tăng vọt.
Các nhà kinh tế học tại đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley dự báo lạm phát ở các thị trường lớn sẽ "đạt đỉnh rồi thoái trào" hơn 2 điểm phần trăm trong năm 2022.
Chính sách tiền tệ có thể được thắt chặt, nhưng ít hơn các nhà đầu tư lo ngại. Ông Seth Carpenter - một chuyên gia cấp cao của Morgan Stanley - đưa ra cái nhìn lạc quan cho năm 2022 khi tin rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát gần đây trên toàn cầu, đặc biệt ở những nước như Anh, Mỹ.
Tuy nhiên, "dựa trên các cuộc khảo sát và phản hồi từ giới phân tích, chúng tôi tin chúng ta hiện đang ở hoặc gần đến mức tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng", ông Carpenter nhận định. Điều đó đồng nghĩa chuỗi cung ứng sẽ dần trở lại bình thường, hàng hóa lưu kho tăng lên và giá cả sẽ giảm hoặc ít nhất là không tăng vọt nữa.
Bà Seema Shah - chiến lược gia trưởng tại Công ty quản lý tài sản Principal Global Investors - tin rằng một phần giải pháp đang nằm ở các nền kinh tế mới nổi. Theo bà Shah, tỉ lệ tiêm chủng cao hơn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, sẽ là yếu tố quan trọng giúp giảm bớt các nút thắt trong chuỗi cung ứng.
Các lãnh đạo chia sẻ thông điệp phát triển kinh tế
Hồi phục và phát triển kinh tế là phần không thể thiếu trong các bài phát biểu đầu năm 2022 của các nhà lãnh đạo thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại kế hoạch đầy tham vọng "trẻ hóa" đất nước và thịnh vượng chung cho mọi người. Phát triển kinh tế đất nước, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp đảm bảo tự cung tự cấp, là trọng tâm trong thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nêu quyết tâm theo đuổi "chủ nghĩa tư bản mới" trong năm 2022, hướng tới phân bổ lại của cải xã hội để tạo ra sự phát triển bền vững.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dành bài phát biểu dài kỷ lục hơn 6 phút để khẳng định Nga sẽ vực dậy nền kinh tế trong thời gian ngắn, gửi lời chia buồn đến người thân của các nạn nhân COVID-19 và cam kết đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận