15/12/2021 17:23 GMT+7

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không...

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Năm 2021 là một nốt trầm buồn của văn hóa nghệ thuật nước ta khi những cuộc giã từ của giới nghệ sĩ cứ đột ngột tiếp nối nhau, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong lòng người hâm mộ và đồng nghiệp.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 1.

Một năm nhiều mất mát của giới nghệ sĩ khi những ngôi sao vụt tắt

Một năm 2021 nhiều mất mát cho làng nhạc

Đầu năm nay, nền âm nhạc Việt mất đi một đại thụ của thanh nhạc Việt Nam - NSND Trung Kiên. Ngày 27-1, ông qua đời do tuổi già, hưởng thọ 82 tuổi.

Không chỉ vang danh với tiếng hát trầm hùng, ông còn nổi tiếng là người thầy lớn của bao lớp học trò như nghệ sĩ Quốc Hưng, Thu Hiền, Quang Thọ... và cả con trai - cậu học trò đặc biệt nhất - là nhạc sĩ Quốc Trung.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 2.

NSND Trung Kiên sinh năm 1938 tại Thái Bình, ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới - Ảnh: TL

Ngày 12-8, ca sĩ Việt Quang qua đời vì viêm phổi nặng, khép lại chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật và kết thúc một đời lỡ làng bao khát khao.

Cuộc đời của Việt Quang là sự đan xen giữa vinh quang của ca sĩ có nhiều tố chất một ngôi sao trẻ hàng đầu - lẫn cay đắng, xót xa khi gặp phải bi kịch kinh khủng nhất của kiếp cầm ca là mất giọng.

Đạo diễn Quang Huy kể lại vào những năm 2000, Việt Quang khi ấy như kiểu Bryan Gil của đội Tây Ban Nha ở Olympic Nhật Bản năm nay: “Một ngôi sao của tương lai vì những điều kiện quá hoàn hảo".

Thế nhưng thế giới giải trí này, sớm nở tối tàn cũng có, tiềm năng rồi biến mất cũng có. Và Việt Quang đã không đủ may mắn để tỏa sáng.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 3.

Những năm 2000, các ca khúc như Vẫn yêu dại khờ, Tình phiêu lãng, Cây đàn sinh viên... do Việt Quang thể hiện "phủ sóng" các sân khấu ca nhạc trong nước lúc bấy giờ - Ảnh: Facebook Việt Quang

Những ngày cuối năm, nhạc sĩ Phú Quang của những bản tình ca dành cho Hà Nội đã ra đi sau gần 2 năm trị bệnh.

Ông nổi tiếng với những bản tình ca viết về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông... được rất nhiều người yêu thích, đã trở thành một phần 'hồn vía' của thủ đô Hà Nội.

Khi Phú Quang được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020, ông đang nằm viện nên không thể đến nhận giải.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tạm biệt những gương mặt thân quen trên màn ảnh

Giữa những ngày xuân Tân Sửu còn chưa qua, NSND Hoàng Dũng bất ngờ qua đời vì ung thư ở tuổi 65 là cú sốc lớn với giới nghệ sĩ và khán giả.

NSND Tự Long tiết lộ cố nghệ sĩ phải chống chọi với căn bệnh ung thư lâu nay nhưng vẫn cố gắng tham gia các dự án phim truyền hình, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 5.

Cố nghệ sĩ Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội, được phong tặng danh hiệu NSND năm 2007 - Ảnh: Facebook NSND Hoàng Dũng

Vậy nên dù tin Hoàng Dũng qua đời vì ung thư khiến công chúng bàng hoàng, các anh em thân thiết đều biết ông đã cố gắng tỏ ra kiên cường.

Ngoài cương vị giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, cố nghệ sĩ Hoàng Dũng từng là ủy viên Ban chấp hành, ủy viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phó chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của thành phố Hà Nội.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 6.

Cũng vì bệnh tật, Văn Thành sớm rời xa sân khấu và màn ảnh khi tuổi nghề đang ở độ chín với lý do chữa bệnh

Sau sự ra đi đột ngột của NSND Hoàng Dũng, làng văn nghệ phía Bắc lại vừa nhận thêm tin buồn. Nghệ sĩ Văn Thành - gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình những năm 1990 - qua đời lặng lẽ vào chiều 28-2 ở tuổi 59 tại Hà Nội. Những ngày cuối đời, Văn Thành mang nhiều bệnh nặng.

Chưa đầy 1 tuần sau, một người muôn năm cũ khác của Hà Nội tiếp tục qua đời vào ngày 4-3 do tuổi cao sức yếu. Đó là NSND Trần Hạnh, thường gắn với các vai diễn đôn hậu, luôn tỏa nụ cười hiền, luôn khắc sâu trong trí nhớ của bao thế hệ khán giả. Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng NSND.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 7.

Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1982 - 1984 - Ảnh: TL

Nửa năm còn lại của 2021, khán giả tiếp tục chia tay với Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy.

Cô mất ngày 5-6 do trụy tim, hưởng dương 45 tuổi. Trong mắt nhiều người, Thu Thủy là mẫu phụ nữ hiện đại điển hình đáng ngưỡng mộ, từng theo học Học viện Ngoại giao nhưng sau đó từ bỏ để sang Mỹ du học ngành quản trị kinh doanh.

Sau khi về nước, cô theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, MC truyền hình, sản xuất phim và truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 8.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1976, quê ở Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

Đạo diễn Lê Cung Bắc rời cõi tạm ở tuổi 75 hơn một tuần sau đó, vào ngày 13-6, sau hơn 1 năm chống chọi bệnh ung thư.

Cố đạo diễn từng đứng sau loạt phim truyền hình nổi tiếng như Người đẹp Tây Đô, Vó ngựa trời Nam, Dòng đời… Tâm huyết của đạo diễn gạo cội từng thổi lửa tình yêu với điện ảnh cho nhiều nghệ sĩ thế hệ như Việt Trinh, Hồng Ánh, Kiều Trinh…

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 9.

Đạo diễn Lê Cung Bắc sinh năm 1946 ở tỉnh Quảng Trị, ông là một trong những đạo diễn đầu tiên thực hiện phim của Hãng phim TFS, Đài truyền hình TP.HCM - Ảnh: TL

Ngày 4-8, nghệ sĩ Lê Hồng Giang được công chúng biết tới với nghệ danh Giang Còi - gương mặt quen thuộc với khán giả khắp cả nước - qua đời ở tuổi 59 sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư.

Cả đời ông gắn bó với hài kịch, mang lại tiếng cười cho bao thế hệ khán giả. Tính cách thật thà, hiền lành, chất phác và câu chuyện 30 năm không nhận quảng cáo của Giang Còi sẽ luôn là tấm gương sáng cho lớp nghệ sĩ đi sau.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 10.

Ngoài đóng phim, diễn hài, nghệ sĩ Giang Còi còn được biết tới khả năng đàn hay hát giỏi và yêu thích làm vườn - Ảnh: Facebook Lê Hồng Giang

Hơn một tháng sau, vào ngày 16-9, NSND Ngô Mạnh Lân - cây đại thụ của mảng phim hoạt hình Việt Nam - mất ở tuổi 87 do sức khỏe yếu. Loạt tác phẩm của ông như Chuyện ông Gióng, Trê cóc, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Thạch Sanh... mang về nhiều giải thưởng, bằng khen danh giá.

Trong đó, phim hoạt hình búp bê Chuyện ông Gióng (năm 1970) đã được giải Bồ câu vàng trong Liên hoan phim hoạt hình và tài liệu quốc tế Leizig.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 11.

NSND, họa sĩ và đạo diễn phim hoạt hình kỳ cựu Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa cho "Dế mèn phiêu lưu ký" - Ảnh: TL

Những cuộc chia tay trong cơn ác mộng COVID-19

Giữa tháng 1, danh ca Lệ Thu mất sau hơn 10 ngày điều trị COVID-19, hưởng thọ 78 tuổi. Bà là một trong những giọng ca hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam và cũng là “nàng thơ” thổi hồn cho nhiều ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương…

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 12.

Lệ Thu vẫn rất năng động, khỏe mạnh, thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện, đi hát miệt mài cho tới khi đột ngột mắc phải COVID-19 - Ảnh: Tiếng hát Lệ Thu

Sau Thái Thanh, Lệ Thu đã có một đời cống hiến cho âm nhạc liên tục hơn 60 năm. Dù đã ra đi, nhưng chắc chắn tâm hồn và giọng hát sẽ còn ở lại lâu, rất lâu trong lòng hậu bối hôm nay.

Tới ngày 21-7, cộng đồng yêu thích rock nhận tin buồn về rocker kỳ cựu Trung Thành Sago ra đi ở tuổi 65 sau gần 2 tuần điều trị COVID-19. Bắt đầu chơi rock từ năm 1972 từ khi còn đi học trường cấp III, Trung Thành Sago đã dành gần cả cuộc đời với rock, được nhiều đàn em trong nghề nể phục, yêu mến.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 13.

Trung Thành Sago ra đi và để lại sự nghiệp với 3 album “Những đôi tay”, “Thiên đàng và địa ngục”, “Phantom of rock" cùng ban nhạc Sagometal - Ảnh: Sagometal

Tới giữa tháng 8, một người thầy lớn khác trong lĩnh vực âm nhạc là NSƯT Quốc Trụ, mất ở tuổi 80 sau nhiều ngày điều trị COVID-19. Ông là một trong những nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam, từng có 7 năm học ngành thanh nhạc tại Bulgaria.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 14.

Sau khi về nước, ông sáng lập khoa thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM và giữ chức trưởng khoa từ 1976 - 2001 - Ảnh: Facebook Đào Quốc Trụ

Nhiều học trò của ông là những nghệ sĩ thành danh như Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Nam Khánh…

Ngày ông đi, cô học trò Mỹ Tâm đã bày tỏ: “Con cám ơn thầy đã dưỡng dạy con hơn 20 năm qua từ lúc con mới vào đời… Hình ảnh thầy Quốc Trụ với nụ cười hiền lành ấm áp từ ngày đầu tiên con bước vào Nhạc viện sẽ luôn mãi bên con. Cho con gọi là bố lần nữa. Con thương nhớ bố nhiều lắm".

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 15.

Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh 1 tháng mất 3 người thân - Ảnh: Facebook Bình Tinh

Ngày 25-8, soạn giả, nghệ sĩ tuồng cổ Bạch Mai đã ra đi sau thời gian dài điều trị COVID-19, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho gia tộc Huỳnh Long chỉ trong một thời gian ngắn phải đón nhận hung tin lần thứ 3. Trước đó là nghệ sĩ Kim Phượng, qua đời ngày 25-5 và nhạc sĩ Thanh Châu mất ngày 8-8.

Nghệ sĩ Bạch Mai còn rất có tài trong việc biên soạn nhiều vở tuồng nổi tiếng và là cánh tay đắc lực trong việc xây dựng, gìn giữ sự nổi tiếng của thương hiệu cải lương, tuồng cổ Huỳnh Long.

Một tháng sau, ca sĩ Phi Nhung từ giã cõi tạm sau hơn 1 tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ngày 28-9. Nổi danh với dòng nhạc dân ca trữ tình từ những năm cuối của thế kỷ 20, tới nay, Phi Nhung là ca sĩ được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến.

2021 - Năm mất mát của văn hóa nghệ thuật - Bởi COVID-19 và không... - Ảnh 16.

Trước khi đứng trên đỉnh cao danh vọng, cô có tuổi thơ nhiều nước mắt, hẩm hiu như câu hát "Phương xa cha nào có hay, mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này" - Ảnh: Facebook Phi Nhung Pham

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh ở TP.HCM, đứng giữa hai lựa chọn: hoặc về Mỹ đoàn tụ cùng con gái, hoặc tiếp tục hành trình thiện nguyện và chăm sóc cho các con nuôi trong mùa dịch nguy hiểm, Phi Nhung đã quyết định ở lại.

Cô nhiệt tình tham gia các hoạt động như đóng góp cho quỹ vắc xin, kêu gọi mua máy thở, gửi gạo tới người nghèo, tham gia bếp ăn tình thương cho người vô gia cư... Cũng từ đây, Phi Nhung không may nhiễm bệnh và không thể qua khỏi.

Sự ra đi của giọng ca Nhớ mẹ lý mồ côi ở tuổi 51 để lại nhiều tiếc thương với khán giả trong nước lẫn hải ngoại.

2021 rồi sẽ thành ký ức mà mai sau mỗi khi nhắc về, chúng ta hẳn sẽ có nhiều điều để nói với nhau. Một năm đau thương với biết bao câu chuyện sinh ly tử biệt mà có khi chẳng thể nhìn mặt nhau lần cuối.

Xin vĩnh biệt và tri ân cống hiến cho nghệ thuật nước nhà của những người giờ đã khuất núi xa khơi.

Vĩnh biệt Phi Nhung: Vĩnh biệt Phi Nhung: 'Rồi thì sáo cũng sang sông, bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi'

TTO - "Rồi thì sáo cũng bay xa, bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu" - tiếng hát Phi Nhung như gắn trọn vào duyên phận của chị, cả trong nghệ thuật lẫn cuộc đời 51 năm nhiều thăng trầm (10-4-1970 – 28-9-2021).

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp