17/12/2019 08:00 GMT+7

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - ‘Mở lon Việt Nam’, Mã Pì Lèng Panorama, khu du lịch tâm linh Lũng Cú, nhà thờ Bùi Chu, dinh Thượng Thơ, tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc… là những mảnh ghép khiến bức tranh văn hóa 2019 thật đa sắc và nhiều cảm xúc.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 1.

Một năm với những vui - buồn lẫn lộn trong quản lý văn hóa, mỹ thuật, di sản sắp khép lại

Năm 2019, công luận không chỉ bất bình với các công trình xâm phạm di sản ở Mã Pì Lèng, Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn… mà còn vui mừng cho nhà thờ Thủ Thiêm, dinh Thượng Thơ được cứu, nhà thờ Bùi Chu tạm qua cơn hiểm nghèo…

Cộng luận cũng không chỉ buồn… cười với văn bản xử lý slogan quảng cáo ‘Mở lon Việt Nam" của bà cục trưởng cục Văn hóa cơ sở; mà còn hào hứng, đầy hi vọng với những tiến bộ trong quản lý nghệ thuật biểu diễn trong dự thảo…

Ngành mỹ thuật vẫn khiến công chúng phải chán ngán, giận dữ bởi nạn tranh giả và "tai nạn" làm hỏng bảo vật quốc gia là bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí.

Khán giả ngậm ngùi với sự trầm lắng của mỹ thuật đương đại; nhưng cũng vui lớn khi tranh của Lê Phổ đạt mức giá kỉ lục 1,4 triệu đô-la, tranh Tô Ngọc Vân lần đầu cán mức triệu đô-la trên sàn đấu giá quốc tế.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 2.

Năm qua, Tuổi Trẻ đã tiên phong mang tới câu chuyện phá núi xây khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú - Ảnh: MAI THƯƠNG

Xứng đáng 'năm của Hà Giang'

Với những ồn ào liên quan đến công trình Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh gần di tích Cột cờ Lũng Cú, công trình thang máy trăm tầng và tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ trên núi gần di tích Đồn Cao - phố cổ Đồng Văn… năm qua rất xứng đáng gọi là "năm của Hà Giang".

Trong đó, Tuổi Trẻ đã tiên phong mang tới câu chuyện phá núi xây khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cùng những cảnh báo về bao hệ lụy về văn hóa có thể đến với cộng đồng bản địa nơi đây cũng như những ảnh hưởng khó khắc phục về cảnh quan thiên nhiên của cao nguyên đá Đồng Văn từ công trình xây chùa khủng này.

Hiện UBND tỉnh Hà Giang tạm đình chỉ xây dựng hoặc tạm dừng hoạt động các công trình này nhưng dư luận hẳn vẫn đang chờ những quyết định mạnh mẽ hơn.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 3.

Công trình Mã Pì Lèng Panorama ồn ào trên báo chí năm qua - Ảnh: VŨ TUẤN

Những người yêu di sản đón các tin vui

Năm 2019, phong trào bảo vệ di sản nảy nở mạnh mẽ trong cộng đồng, với các chiến dịch bảo vệ di sản sôi nổi trên truyền thông cũng như mạng xã hội như bảo vệ nhà thờ Bùi Chu, trạm phát sóng Bạch Mai và các công trình xâm phạm di tích ở Hà Giang nói trên.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 4.

Nhờ những nỗ lực của truyền thông và cộng đồng, nhà thờ Bùi Chu tạm qua cơn hiểm nghèo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những kết quả đầu tiên rất đáng khích lệ có thể kể đến việc TP.HCM lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cũng như cộng đồng để đưa ra quyết định bảo tồn nhà thờ Thủ Thiêm và dinh Thượng Thơ.

Ngoài ra, nhà thờ Bùi Chu hiện vẫn chưa bị hạ giải và có thể có hi vọng được bảo vệ; các công trình xâm phạm tới di sản ở Hà Giang hiện đang bị tạm đình chỉ.

Tranh Lê Phổ kỉ lục 1,4 triệu đô, tranh Nguyễn Gia Trí bị làm hỏng

Năm 2019 là một năm khá sôi nổi của mỹ thuật Việt Nam theo những cách khác nhau.

Đó là những câu chuyện vui như trong phiên đấu giá ngày 26-5 của nhà đấu giá Christie’s Hong Kong, bức Khỏa thân của Lê Phổ đạt mức giá kỷ lục gần 1,4 triệu USD - mức cao nhất trong lịch sử tranh Việt trên sàn công khai, còn tranh của Tô Ngọc Vân lần đầu cán mốc triệu đô-la.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 5.

Bức Khỏa thân của Lê Phổ lập kỷ lục tranh Việt có giá cao nhất trong lịch sử với giá gần 1,4 triệu USD

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 6.

Bức Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân được bán hơn 27 tỉ đồng - hơn 1,1 triệu đô-la

Đời sống mỹ thuật Việt cũng chứng kiến sự phát triển của một số không gian triển lãm tư nhân lớn, như VCCA mang tới nhiều triển lãm quy mô như triển lãm tranh Van Gogh phiên bản số đầu tiên ở Việt Nam, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ rác thải nhựa…

Manzi mở thêm phòng tranh mới, tổ chức nhiều triển lãm chất lượng của các họa sĩ trẻ tài năng như Xuyên của Bảo Vương, Xứ thư nhàn của Lê Phi Long, Rơi vào đường chân trời của Quách Bắc…

Còn Heritage Space mang tới nhiều triển lãm đương đại táo bạo với những thực hành nghệ thuật mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ như triển lãm Bên kia sự hủy diệt mới đây.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 7.

Bức tranh Hai cô gái được Sotheby's Hongkong cho là của danh họa Trần Văn Cẩn nhưng nhà đấu giá đã phải rút khỏi phiên đấu giá vì những cáo buộc tranh giả - Ảnh: SOTHEBY'S

Song song với sự lớn mạnh của một số nhà đấu giá Việt sau một vài năm ra đời, thì đồng thời vẫn còn đó câu chuyện nhức nhối tranh giả.

Thậm chí tranh giả của họa sĩ Việt Nam chui vào các phiên đấu giá không chỉ trong nước mà cả trên sàn đấu giá quốc tế, khiến nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã rút hai bức Lá thư (Tô Ngọc Vân), Hai cô gái (được Sotheby's Hongkong cho là của danh họa Trần Văn Cẩn) khỏi danh sách đấu giá vào ngày 5 và 6-10.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 8.

Nỗi tiếc nuối lớn nhất của mỹ thuật Việt năm qua là "sự cố" khó chấp nhận của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - Ảnh: MAI THỤY

Nhưng nỗi tiếc nuối lớn nhất của mỹ thuật Việt năm qua là "sự cố" khó chấp nhận của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Một bảo vật quốc gia nhưng đã bị làm hỏng trong quá trình vệ sinh tác phẩm khiến những người yêu nghệ thuật không khỏi xót xa.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 9.

Năm qua công chúng nhiều lần được cười ra nước mắt với quan chức ngành văn hóa như câu chuyện xử trí của lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở với slogan quảng cáo "Mở lon Việt Nam" của Cocacola - Ảnh: Tuổi Trẻ Cười

"Mở lon Việt Nam", chữ quốc ngữ gây bão

Phát biểu của bà cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - về văn bản xử lý của cục này với slogan quảng cáo "Mở lon Việt Nam" đã gây phản ứng mạnh trong công luận.

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 10.

Năm qua cũng chứng kiến những ồn ào chuyện đặt tên đường với hai người có công sáng tạo chữ quốc ngữ - Ảnh: HOÀNG AN

Những kiến nghị của một số nhà nghiên cứu với UBND TP Đà Nẵng để bỏ tên hai cha cố phương Tây có công sáng tạo chữ Quốc ngữ ra khỏi ngân hàng tên đường phố ở Đà Nẵng đã gây ra phản biện sôi nổi.

Việc kiểm duyệt phim "giết chết sáng tạo" trong khi lại để lọt hình ảnh "đường lưỡi bò" trên phim cũng gây ra không ít bức xúc khiến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có thể phải đưa ra một số cải cách với việc thẩm định phim

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 11.

Năm qua cũng là năm chứng kiến những phản ứng mạnh mẽ trên truyền thông với thông điệp cần dẹp loạn dâng sao giải hạn đầu năm và chấn hưng văn hóa đi chùa - Ảnh: NAM TRẦN

May thay, quản lý văn hóa năm qua không chỉ có những câu chuyện đáng thất vọng.

Mặc dù dự thảo nghị định thay thế nghị định 79 chưa hoàn thành như kế hoạch mong đợi nhưng những đổi mới trong quản lý được thể hiện ở bản dự thảo đang xây dựng cũng khiến người dân cảm thấy vui trước những tiến bộ về quản lý văn hóa.

Đó là có thể bỏ cấp phép ca khúc (đồng nghĩa với việc bỏ khái niệm ca khúc trước 1975), giảm thủ tục xin giấy phép biểu diễn, nới lỏng quản lý ca sĩ Việt ở hải ngoại về biểu diễn trong nước, tăng phân quyền về cho địa phương, đóng - mở hợp lý hơn với hoạt động thi hoa hậu, người đẹp…

2019: ‘Mở lon Việt Nam’ ồn ào, Mã Pì Lèng dậy sóng, nhà thờ Bùi Chu được cứu - Ảnh 12.

Bỏ khái niệm ca khúc trước 1975 trong dự thảo nghị định mới được xây dựng năm qua khiến công chúng rất hoan nghênh - Ảnh: Tuổi Trẻ

Một năm với những vui - buồn lẫn lộn trong quản lý văn hóa, mỹ thuật, di sản sắp khép lại, nhường bước cho một năm mới với hi vọng nhiều tươi sáng hơn sẽ mở ra.

2018 khép lại với chuyện về lòng tốt ở khắp nơi 2018 khép lại với chuyện về lòng tốt ở khắp nơi

TTCT - Lòng tốt ở khắp nơi, hiện diện trong những con người dung dị nhất, ở mọi hoàn cảnh, vùng miền. Và lòng tốt có khả năng lan tỏa mạnh mẽ, ngay lập tức, vô điều kiện…

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp