15/11/2018 14:59 GMT+7

2001: A Space Odyssey: Phát triển là hủy diệt

CHÂU TRẦN - VI
CHÂU TRẦN - VI

TTO - Sau 50 năm ra đời, 2001: A Space Odyssey của đạo diễn Stanley Kubrick vẫn tiếp tục được người hâm mộ tìm xem. Đã có vô số nhà phê bình, người hâm mộ, bài báo và giả thuyết đưa ra để giải mã các bí ẩn của bộ phim.

2001: A Space Odyssey: Phát triển là hủy diệt - Ảnh 1.

Cảnh trong phim

Trước khi Sandra Bullock và George Clooney lơ lửng không trọng lực như những đốm nhỏ li ti trong bóng tối vô tận của vũ trụ trong bộ phim Gravity (Cuộc chiến không trọng lực, 2013), 50 năm trước, 2001: A Space Odyssey (1968) được trình chiếu và nhanh chóng trở thành cột mốc của dòng phim viễn tưởng.

Triết lý "quy hồi vĩnh cửu" (eternal recurrence) và "ý chí quyền lực" (will to power) - những trọng tâm trong cuốn Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế) của Friedrich Nietzsche giúp hình thành nên đề tài chính xuyên suốt bộ phim.

2001: A SPACE ODYSSEY - Trailer

Ra đời trong giai đoạn nhiều biến cố của thập niên 1960 này, 2001 trầm ngâm về bản chất của thời gian và sự tồn tại của con người.

Chọn một thời điểm trong tương lai gần và không hề đi sâu vào khai thác sự hào nhoáng của công nghệ, 2001 dẫn người xem đi theo vết chân tiến hóa của loài người và khiến họ bị hút hoàn toàn vào hố đen của không gian điện ảnh.

Trong đoạn mở đầu của phim, tổ tiên của loài người dưới hình hài lũ vượn to lớn và lông lá sống sót nhờ hái lượm. Khi họ tình cờ tiếp xúc với một tảng đá nguyên khối hình chữ nhật bí ẩn, sừng sững như một bia mộ quá khổ màu đen, quá trình tiến hóa của họ được đẩy nhanh hơn. Họ biết dùng xương làm công cụ, rồi làm vũ khí.

Những con khỉ bắt đầu tiêu diệt nhau bằng cách bổ vào đầu nhau đầy thuần thục. Hành vi của lũ khỉ, con người, máy móc như một thứ nghi lễ được lặp đi lặp lại cho thấy sự thay đổi liên tục trong mối quan hệ giữa công cụ và người điều khiển. Bình minh của loài người bắt đầu khi chúng ta học được cách tàn sát đồng loại.

2001: A Space Odyssey: Phát triển là hủy diệt - Ảnh 3.

Cành trong 2001: A Space Odyssey

Không phải đến bây giờ, giữa thời đại của Amazon Alexa và Google Home, chúng ta mới nhen nhóm mối e ngại mơ hồ về khả năng và sức mạnh của trí thông minh nhân tạo.

HAL 9000, chiếc máy tính đồng thời là nhân vật diễn cảm và đáng nhớ nhất 2001, dưới hình thù một đốm sáng đỏ rực phản chiếu bất cứ thứ gì đối diện với nó, tượng trưng cho nỗi lo lắng về những thứ được tạo ra bởi con người sẽ quay lại làm phản con người.

Những công nghệ này sẽ đi xa tới đâu, bao nhiêu kiến thức và ý thức là đủ? Nếu con người tạo ra máy móc từ hình ảnh của chính mình, ranh giới nào giữa xương thịt và ngũ kim?

Giống như thiết bị Alexa của Amazon, HAL có một chất giọng trầm, vừa thân thiện vừa giữ khoảng cách, dễ chịu và điềm tĩnh. Giống như thiết bị trợ lý ảo trong phim Her (2013) do Scarlett Johansson lồng tiếng, giọng nói của HAL còn chứa đựng cả sự khéo léo và dỗi hờn.

Hai phi hành gia của 2001 - Bowman và Poole - hiện ra như những người máy vô cảm. Họ thực dụng, lạnh lùng, tách rời tình cảm gia đình và hoàn toàn xa lạ với nhau. Trái ngược với sự thiếu nhân tính đó, siêu máy tính HAL lại phô bày những đặc điểm tình cảm không thấy ở Bowman và Poole.

2001: A Space Odyssey: Phát triển là hủy diệt - Ảnh 4.

Cảnh trong 2001: A Space Odyssey

Một cỗ máy hoàn hảo biết suy nghĩ và cảm nhận. Và với tư cách là con người duy nhất trong phim, HAL chứng minh mình là một kẻ giết người nguy hiểm hơn bất kỳ ai trong số họ.

Bộ phim buộc người xem phải suy nghĩ vượt ra ngoài những quan niệm triết học thông thường.

Martin Heidegger - người rất tương đắc với Nietzsche - đã chỉ ra rằng chỉ có thể hiểu được mục đích sự tồn tại của con người nói chung (cái mà ông gọi là dasein hay là hiện-thể) trong bối cảnh hữu hạn.

Con người không đơn thuần là các đối tượng bị ràng buộc trong chừng mực không gian và thời gian.

Chính sự tham gia có mục đích của con người vào các sự kiện, các mối quan hệ tạo ra giá trị và ý nghĩa cho chính sự tồn tại của chúng ta. Khi một chủ thể - dù là HAL hay Bowman - không thể tự thiết lập hay xác định vị trí của mình trong không gian và thời gian, không còn định hướng và quan điểm nhất định, phải chăng sự vắng mặt của hiện thân thể chất và bối cảnh nền đồng nghĩa với sự vắng mặt của ý nghĩa và giá trị?

mcdtwth_ec026

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh viễn tưởng và so sánh những thành tựu khoa học mà con người đã đạt được trong vài thập kỷ qua với những dự đoán phim đặt ra.

2001 cùng những hình tượng vừa nguyên thủy vừa vị lai trăn trở với những câu hỏi về mối tương quan giữa con người và máy móc, du hành vũ trụ và trí thông minh nhân tạo.

Bộ phim có thế giới quan bao quát và trừu tượng như những bộ phim cùng thể loại và có tính triết học cao như Solaris (1971), Fantastic Planet (1973), Dune (1984)... những tác phẩm không mê hoặc, quyến rũ khán giả bằng sự mô tả cường điệu, một lời giải thích đơn giản, mà bằng sự tự suy ngẫm, nỗi kinh sợ gây ra bởi những điều bí ẩn choáng ngợp.

Gravity - không khoan nhượng trước cái chết

TTO - Khán giả lẫn các nhà phê bình điện ảnh xem Gravity (đang chiếu tại VN) xuýt xoa đây là một trong những phim hay nhất trong năm 2013.

CHÂU TRẦN - VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp