Chuyên gia về chính sách công của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, ông Purnomo Achmad, cho rằng đến năm 2050 mực nước biển có thể tăng thêm 90 cm. Như vậy, sẽ có tới 2.000 hòn đảo nhỏ ở Indonesia bị nhấn chìm và 42 triệu gia đình sẽ bị mất nhà cửa.
Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ khó có thể dự báo, hoạt động khai thác hải sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dòng di cư của cá và mùa khai thác bị thay đổi. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã viết thư kêu gọi toàn bộ khu vực đầu tư nhằm quản lý các nguồn tài nguyên một cách bền vững.
Cộng đồng phải cùng với chính phủ hợp tác và hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững.
Chủ tịch Ủy ban quản lý thiên tai Indonesia Sudibyakto cho biết gần 85% các vụ thiên tai ở Indonesia liên quan đến biến đổi khí hậu. Dù nguy cơ xảy ra các thảm họa rất cao, nhưng hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý thiên tai của Indonesia vẫn hạn chế.
Theo ông Sudibyakto, dự kiến trong 15 năm tới nguồn nhân lực cho lĩnh vực quản lý thiên tai của Indonesia đòi hỏi phải bổ sung ít nhất là 1.500 người có trình độ đại học, 50 tiến sĩ và 250 thạc sĩ.
Ngoài nguồn lực con người, cam kết của chính quyền địa phương phân bổ kinh phí cho các chương trình cứu trợ thiên tai còn nhiều hạn chế, do chưa xác định được những ưu tiên.
Kể từ sau ảnh hưởng nặng nề của trận sóng thần ở đảo Sumatra năm 2004, Indonesia đã chú trọng xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, trong đó có luật Phòng chống thiên tai được xây dựng năm 2007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận