Vĩnh Tế hà, còn gọi là kênh Vĩnh Tế, được danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy khoảng 80 vạn người đào bằng tay từ năm 1819 - 1824. Ông cũng cho lập ven bờ 5 làng Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.
Nước thiêng Vĩnh Tế hà chảy dọc vùng miên viễn
Trở lại Châu Đốc dịp 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (mùng 6-6 âm lịch) và 200 năm ngày hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế, ở hai bên, nhà cửa đã mọc san sát nhau. Những ghe, sà lan no lúa, đầy ắp hàng hóa chậm rãi trôi theo dòng.
Gắn bó với con kênh từ nhỏ, lão nông Sáu Thăng (Nguyễn Văn Thăng, 66 tuổi, ở ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế) nói: "200 năm qua, Vĩnh Tế vẫn thầm lặng mang lại cho con dân sống hai bên bờ, từ thành Châu Đốc đến Hà Tiên một cuộc sống ngày càng sung túc, ấm no".
Gia đình Sáu Thăng mấy đời làm nông, hưởng biết bao nhiêu nguồn lợi từ dòng kênh.
Ông kể, từ năm 1980 trở về trước, dân xứ này chỉ biết làm lúa mùa. Sáu tháng nước nổi thì làm lúa, sáu tháng còn lại mưu sinh đủ nghề mà vẫn trầy trật.
"Từ khi có dòng kinh Vĩnh Tế, đặc biệt năm 1990 kinh rạch vào nội đồng được đầu tư hoàn thiện, dân ở đây mới làm lúa hai vụ, tới ba vụ như bây giờ.
Trước đây, làm được 8 giạ/công là mừng lắm. Hiện vụ đông xuân thu hoạch được từ 35 - 45 giạ/công, vụ hè thu trung bình 28 giạ, vụ còn lại bình quân 40 giạ", Sáu Thăng nói.
Nhờ dòng "nước thiêng" chảy dọc phía tây vùng Bảy Núi, Vĩnh Tế ngày càng đông đúc dân xuôi dòng về đây định cư.
Bà con trong vùng có thêm cơ hội làm ruộng, giao thương. Khi mùa nước nổi rút cạn đồng, cá tôm cũng nhiều vô kể. Người dân cứ đi bắt về bán cho thương hồ, làm khô, làm mắm. Về sau, mắm, khô Châu Đốc cũng vang danh khắp xứ.
Khai phá vựa lúa đồng bằng
Lão nông Hai Chiến (Trần Quốc Chiến, 68 tuổi, ở Lạc Quới, huyện Tri Tôn) vốn là người ở Tịnh Biên, hơn 30 năm trước lão hay bơi xuồng theo dòng Vĩnh Tế làm nghề cắm câu. Về sau, Hai Chiến chở theo vợ con về hẳn Lạc Quới dựng chòi sinh sống.
Hai Chiến kể xưa khu này chỉ ra vô bằng xuồng, lội bộ cả ngày mới tới thị trấn. Dân tình thưa thớt, mấy cây số mới có nhà dân. Muốn gọi nhau phải la rát họng.
"Sau này, từ dòng kinh Vĩnh Tế đẻ ra thêm nhiều nhánh như kinh T5, T6... mang nước ngọt, phù sa vào giúp vùng "khỉ ho cò gáy" trở nên xanh tốt. Dân ngày càng tới đông hơn, đồng xanh lúa tốt cũng tăng lên gấp bội", Hai Chiến nói.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, từ thời khai thiên lập địa, vùng tứ giác Long Xuyên dân thưa thớt. Sáu tháng làm lúa mùa, còn sáu tháng thì ngồi chơi.
Sản lượng lúa toàn tỉnh cũng chỉ tầm 500.000 tấn/năm. Khi lấy nước từ "kênh mẹ" Vĩnh Tế, vùng tứ giác mới trở thành vựa lúa lớn nhất đồng bằng.
"Hai thế kỷ qua, kênh Vĩnh Tế vẫn còn phát huy mọi giá trị, từ nông nghiệp, thông thương, nguồn sản vật dồi dào, làm đổi thay diện mạo làng quê", ông Hiệp nói.
Vĩnh Tế hà - dòng kênh mở cõi, trấn giữ biên thùy đất phương Nam, là minh chứng cho một di sản được tạo ra bằng sức người vĩ đại, khởi nguồn cho một giấc mơ đẹp đẽ trong thế kỷ 19.
Đứng ở trên dòng kênh, ghe thuyền tấp nập, hai bên bờ không còn cảnh đìu hiu, sình lầy với mênh mông nước ngập hôm nay, chỉ biết cảm tạ công đức tổ tiên.
Và cứ thế, 200 năm Vĩnh Tế thao thiết không ngừng, không chỉ có quá khứ, hôm nay, mà còn có cả ngày mai trong thăm thẳm bóng người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận