Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - Ảnh: THÁI LỘC
Sau suốt bao dâu bể khen, thương tột độ, thiểu số ý kiến chê bai thì cũng tận cùng, đến nay cuộc đời Kiều vẫn còn nhiều ý kiến soi nhìn, diễn giải...
Tự tạo nghiệp báo
Tại Huế, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa có buổi thuyết trình Duyên nghiệp Thúy Kiều nhân dịp 200 năm ngày mất cụ Nguyễn Tiên Điền. Theo ông Sơn, cụ Nguyễn Tiên Điền là một đại cư sĩ Phật giáo đầu thế kỷ 19, thấm nhuần tư tưởng đạo Phật. Kiều là người con tinh thần, dĩ nhiên cũng là Phật tử, thể hiện 3 lần đi tu nhưng không được. Việc này không phải do mệnh trời, mà là duyên nghiệp do chính nàng Kiều tạo nên.
Ông Sơn diễn giải Thúy Kiều đã thân tu hành, cả cố ý lẫn vô tình phạm phải ngũ giới: sát sinh, tà dâm, ăn cắp, nói dối, uống rượu. Và bấy lâu người đời đã quá thương đoạn trường 15 năm lưu lạc mà đã bỏ qua, thậm chí tìm cách biện minh lỗi lầm cho nàng.
Sau những hành hạ của Hoạn Thư, Kiều chọn tu Phật ở Quan Âm các, có lễ xuất gia, pháp danh Trạc Tuyền. Trốn khỏi ngôi chùa này, nàng "giắt để hộ thân" chuông vàng, khánh bạc, kim tiền, tức đã chủ ý phạm giới ăn cắp.
Trên đường trốn, sau khi gõ cửa Chiêu Ẩn am, Kiều "tìm đường nói quanh" với sư bà Giác Duyên về tung tích chính mình lẫn nguồn cơn đồ vật mang theo, phạm phải dối trá. Chủ ý phạm giới ắt tạo nghiệp, "dẫn lối" Kiều đến phường bán thịt, dân buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh, tiếp vào lầu xanh.
Sau gặp Từ Hải, Kiều đạt đỉnh cao phú quý và quyền lực, được quyền báo ân và báo thù. Thật khiếp đảm cảnh Kiều xử án: "chính danh thủ phạm" mối thù Hoạn Thư, chỉ thông qua vài câu hợp lẽ, thuận tai được tức thì tha ngay.
Trong khi đó, cả bảy người, có người tội không quá nặng, những Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám Sinh... đều bị xử chết. Giết người nặng nhất trong giới luật sát sinh, nàng lại giết đến bảy mạng. Đã từng vào cửa Phật, thay vì dùng ân báo oán cho oán tiêu tan, Kiều đã dùng oán báo oán để chất chồng oán. Nghiệp chướng "dứt ra rồi lại buộc vào như chơi" là vì thế...
Ngoài ba giới ăn cắp, dối trá, giết người, Kiều còn phạm thêm hai giới nhưng có thể châm chước vì bị cưỡng ép. Đó là tà dâm và uống rượu: với "thâm niên" làm gái lầu xanh, ắt hẳn có sự lão luyện chuốc rượu truy hoan tiếp khách làng chơi.
Tư tưởng gieo nhân gặt quả của Phật giáo ấy, được Nguyễn Du "chốt hạ" rõ rành trong mấy câu cuối Truyện Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Khổ vì đa cảm, đa mang
Trong khi đó, cư sĩ, nhà nghiên cứu Phan Đăng cho rằng Truyện Kiều là sự tổng hợp của tam giáo: "Tính thời đại của Truyện Kiều là sự tổng hợp triết lý của Nho giáo, Lão giáo, và đặc biệt đậm đà là triết lý Phật giáo. Đó là điều đương nhiên bởi Nguyễn Du rất thông hiểu đạo Phật".
Ông nói cả ba tư tưởng có những nét gần gũi, tương đồng dễ nhận biết: vô vi của Phật giáo là không tạo nghiệp; còn vô vi của Nho và Đạo giáo là không làm gì ngược với tự nhiên. Dẫn lời Tam Hợp đạo cô đại diện Đạo giáo nói với sư bà Giác Duyên: "Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/Vô duyên là phận hồng nhan đã đành/Lại mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong", ông nói: "Kiều đa tình, đa cảm, đa mang, hiểu theo nghĩa giàu cảm xúc; nguyên nhân dẫn đến khổ đau vì quá giàu cảm xúc như thế".
Một hiện tượng lạ lùng khác, đó là Kiều đi vào lòng người đến mức, rất nhiều người không biết chữ cũng thuộc nằm lòng; từng ý, từng câu được vận dụng như thành ngữ trong mọi ngóc ngách của đời sống giao tiếp.
Ông Đăng kể có lần hỏi chuyện cụ bà không biết chữ ở quê, rằng thuộc Kiều ra sao và vì sao lại thuộc: "Mệ nói nghe cháu đọc rồi mệ thuộc; giữ cháu, mệ đọc Kiều ru cháu ngủ rồi ra xắt chuối cho heo ăn. Cháu dậy thì đọc tiếp. Mỗi đứa cháu mệ đọc sáu lần, mệ có bảy đứa cháu... Tôi cho đó là một hiện tượng vô cùng lạ. Vì sao ư? Bởi vì Truyện Kiều quá hay".
Cũng theo cư sĩ Phan Đăng, Kiều là trường hợp đầu tiên trong lịch sử văn chương Việt Nam, nhân vật tự nói lên đời mình, tự đem chuyện đời mình ra chứng minh xã hội áp bức. Kiều cũng là "sự mượn", là lời gián tiếp tố cáo của tác giả đối với xã hội, mà quan lại hết sức tham ô nhũng nhiễu, đồng tiền len vào mọi ngõ ngách đời sống.
Tranh vẽ câu thơ “Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo” trong bản Kiều cổ ở Anh - Ảnh NXH cung cấp
"Ngược chiều" trong cuộc đoàn viên
Cuộc đoàn viên trong Truyện Kiều xưa nay từng được mổ xẻ; nhiều người cho rằng kết thúc không có hậu. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng duyên nghiệp tạo nên kết thúc đau khổ như thế. Nhà nghiên cứu Phan Đăng dẫn tình tiết thực tế: "Kết thúc Truyện Kiều bi thảm lắm, ba con người ở cùng một nhà. Anh Kim Trọng nằm cạnh Thúy Vân nhưng lòng vẫn nghĩ đến Thúy Kiều. Cô Thúy Vân nằm bên cạnh chồng nhưng luôn nghĩ chồng đang nghĩ đến chị mình. Cô Thúy Kiều nằm một mình cứ nghĩ hai vợ chồng hắn đang hạnh phúc, chỉ có mình là cô đơn. Kết thúc đó là... vô hậu chứ gì nữa".
Cách của người phương Đông, người Việt thường mong kết thúc có hậu. Nhưng kết thúc Truyện Kiều lại... vô hậu. Theo ông Đăng: "Nếu như kết thúc có hậu, người đọc không nghĩ gì nữa. Còn không có hậu thì người đọc sẽ nghĩ mãi, nghĩa là tác phẩm đó vẫn luôn luôn sống trong lòng của người đọc. Nguyễn Du giỏi về sử dụng cấu trúc đó".
Trong khi đó, GS.TS triết học Thái Kim Lan cho rằng Nguyễn Du đã dàn xếp cuộc đoàn tụ viên mãn, không xung đột, trở thành sự giải thoát cho Kiều. Trong đó, Thúy Vân là người gầy dựng gia đình phồn thịnh: "Một cây cù mộc một sân quế hoè". Trong khi Kiều chính là ý niệm tình yêu lý tưởng của Kim Trọng.
Bà diễn giải trong cuộc đoàn viên, Thúy Vân được tác giả khéo xếp đầu tiên khuyên chị, sau đến người nhà, cuối cùng mới tới Kim Trọng. "Cũng như nhiều người, tôi từng mặc định Kim Trọng là chàng công tử bột, không nên trò trống, con quan lại, sung sướng, cuối cùng cũng lấy Thúy Vân..." - GS Lan nói.
Nhưng khi soi kỹ, bà mới "tá hỏa": "Kim Trọng là mẫu người tình lý tưởng Nguyễn Du dựng nên". Trong bản đàn đêm giao bôi, tác giả chứng tỏ chỉ có Kim Trọng mới thấu hiểu, mới là tri kỷ của Kiều. Hoàn toàn không phải là bản cáo trạng của Kiều đối với xã hội như cách nhìn nhận của Xuân Diệu. Bà nói: "Nguyễn Du không làm bản cáo trạng. Nguyễn Du chỉ muốn bệnh lý của một nàng Kiều được phơi bày ra như vậy trước một người tri kỷ của mình". Bởi vì: "Người lắng nghe sâu sắc nhất về tiếng đàn của Kiều là Kim Trọng. Chàng nghe cả bản thể của Kiều, tính chất của Kiều. Thành thử sau khi nghe bản đàn thứ hai mới nói đã đến ngày cam lai".
Ngoài ra theo bà, những lời "biện hộ" Kim Trọng về chữ trinh: "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến có khi lường... Như nàng lấy hiếu làm trinh", không bằng chữ "không" của Kiều. Và chính chữ "không" ấy mới thật là trinh.
Ở đây, Kiều chính là người chủ động "ban phát", quyết định mối tình chứ không phải là Kim Trọng. Điều này thể hiện sự phóng khoáng trong cách nhìn về người phụ nữ của Nguyễn Du...
"Tôi cho Thúy Kiều đã được tự do, nói theo nhà Phật là đã hết nghiệp, trong tự do đó nó thong dong lắm, đừng nghĩ đến chuyện Kiều và Kim Trọng có ở gần nhau, có gây gổ nhau không. Bởi vì họ nói một ngôn ngữ khác rồi, ngôn ngữ của hạnh phúc khác với ngôn ngữ của đau khổ, và Thúy Vân cũng tham dự vào hạnh phúc đó. Nguyễn Du đã dàn xếp từng chi tiết một, đã dùng những câu rất hay để diễn tả hạnh phúc đó chứ không phải là những suy luận hời hợt có tính cách khái quát" - GS.TS triết học Thái Kim Lan.
Lâu nay quan điểm cho rằng Nguyễn Du đã lấy bộ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc mà sáng tác Truyện Kiều, nhưng mới đây có nghiên cứu ngược lại...
Kỳ tới: Thử "giải mã" lại nguồn gốc Truyện Kiều
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận