Khói bụi ô nhiễm trầm trọng ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 3-11 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR) cho biết mật độ các loại hạt nhỏ hơn 2,5 microns (PM2.5) đã lên đến mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Mật độ bụi mịn PM2.5 đo được trong sáng 3-11 là 810 microgram/m3, tức là mức "nguy hiểm cho sức khỏe". Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số an toàn đối với sức khỏe là tối đa 25 microgram/m3.
Cứ mùa đông về, thành phố 20 triệu dân này lại chìm trong một màn khói mù độc hại do khói ôtô, khí thải công nghiệp và khói từ hoạt động đốt nương rẫy ở các bang lân cận.
"Ô nhiễm đã đến mức không thể chịu nổi" - Thống đốc New Delhi, ông Arvind Kejriwal, cũng phải than trời. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về chứng đau mắt và viêm họng, nên nhiều người đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Tầm nhìn rất kém khiến các hãng hàng không Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi trong ngày 3-11. Nhiều trường học tại thủ đô đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 5-11, và hoạt động xây dựng phải dừng từ ngày 4-11.
Ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến giao thông và sức khỏe người dân - Ảnh: REUTERS
Tình trạng này đã gây ra chuyện tranh cãi, đổ lỗi cho nhau giữa nhiều bang ở Ấn Độ. Tuần trước, ông Kejriwal đã kêu gọi các chính quyền lân cận Punjab và Haryana phải hành động.
"Delhi đã biết thành cái lò do khói từ việc đốt rẫy tại những bang lân cận" - Thống đốc Kejriwal cho biết. Trong khi đó, Bộ trưởng môi trường Prakash Javadekar cáo buộc lãnh đạo Delhi "chính trị hóa" vấn đề ô nhiễm.
Năm ngoái, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ, trong khi một nghiên cứu của Mỹ cho biết tình trạng ô nhiễm này khiến một triệu người chết sớm mỗi năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận