Khoảng 1 tỉ USD đã được đầu tư vào các công ty sản xuất thực phẩm chay thay thế thịt - Ảnh: THE GUARDIAN
Báo cáo của đơn vị tư vấn toàn cầu AT Kearney (trụ sở Mỹ) dựa trên những cuộc phỏng vấn chuyên gia để đi đến kết luận này. Đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh đến tác động của chuỗi sản xuất thịt vào môi trường và sự quan tâm ngày càng lớn của người dân về cách động vật bị đối xử tại cơ sở nuôi động vật lấy thịt công nghiệp.
"Nuôi động vật lấy thịt hiện nay bị nhiều người coi là một tội ác không cần thiết," báo The Guardian dẫn lại báo cáo.
"Với những lợi thế của thịt ‘chay’, chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi loại thịt này phổ biến trên thị trường", báo cáo nói thêm.
Ngành công nghiệp thịt hiện nay nuôi hàng tỉ con vật và có lợi nhuận rất lớn, lên đến ngàn tỉ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chỉ ra tác động của ngành công nghiệp này đến môi trường. Cụ thể là về vấn đề khí thải, phá hỏng đất nông nghiệp, và gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các công ty giới thiệu các nguyên liệu thay thế thịt và trứng như công ty Beyond Meat, Impossoble Foods, và Just Foods cũng là một minh chứng cho sự thay đổi chế độ ăn kiêng, và quan điểm của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của AT Kearney, tổng số tiền đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm chay thay thế thịt lên đến 1 tỉ USD. Thậm chí có những công ty đã lên cả sàn chứng khoán và thu hút không ít nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất thịt thông thường.
Một số doanh nghiệp khác hiện đang thử nghiệm nuôi tế bào thịt bằng phương pháp cấy mà không cần đến việc nuôi và giết động vật.
Dù những sản phẩm này chưa đến tay người tiêu dùng nhưng AT Kearney tin rằng trong tương lai loại thịt này sẽ phổ biến vì nó có vị giống với thịt thật hơn.
Hiện nay nhiều người quan tâm đến vấn đề môi trường và điều kiện sống của động vật nuôi lấy thịt - Ảnh: REUTERS
Ông Carsten Gerhardt - đại diện của AT Kearney - khẳng định ngày càng có nhiều người theo chế độ ăn chay và cắt giảm lượng thịt họ ăn hằng ngày vì quan tâm đến môi trường, cũng như cách động vật bị đối xử.
"Đối với những người chuộng việc ăn thịt, sự gia tăng thịt sản xuất bằng phương pháp cấy sẽ đồng nghĩa với việc họ không cần thay đổi chế độ ăn nhưng không cần phải tác động đến môi trường và mạng sống của động vật gây ra do chế độ ăn thịt", ông Gerhardt giải thích.
Báo cáo dự đoán sẽ có 35% thịt trên thị trường vào năm 2040 được sản xuất nhờ phương pháp cấy, và 25% sẽ là các sản phẩm chay thay thế. Vì vậy, khoảng 60% "thịt" trên thị trường sẽ không bắt nguồn từ động vật.
Ngay cả ông trùm thức ăn nhanh McDonald’s cũng đã giới thiệu món hamburger chay McVegan tại một số chi nhánh trên thế giới sau khi thử nghiệm tại Thụy Điển và Phần Lan vào cuối năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận