30/06/2015 13:11 GMT+7

20 năm nữa, báo chí Việt Nam không còn sến, sốc, sex

CAO NỮ PHƯƠNG TRÀ (22 tuổi)
CAO NỮ PHƯƠNG TRÀ (22 tuổi)

TTO - Sạch ở đây tức là không còn những tác phẩm có nội dung được gọi là sến - sốc - sex được đăng tải trên báo chí Việt Nam dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào.

Thực trạng đáng buồn

Cách đây một tháng, khóa luận nghiên cứu cuối khóa của tôi được thực hiện và hoàn thành với nội dung “Thực trạng đăng tải các tác phẩm báo chí có nội dung được gọi là sến - sốc - sex trên báo chí Việt Nam hiện nay”, khảo sát trên một số báo phát hành từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015. Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng kết quả thu được thật sự đáng báo động.

Kết quả khảo sát trên tờ báo giấy Đ. có 60 tác phẩm được đăng tải có nội dung được gọi là sến - sốc - sex, mặt khác báo giấy Đ. trong khoảng thời gian này phát hành 51 số báo.

Cũng từng ấy thời gian khảo sát trên trang báo điện tử T. có 40 tin, bài với nội dung được gọi là “3s”. Như vậy, có thể thấy trung bình cứ mỗi số báo Đ. hay T. đều đăng tải một tác phẩm báo chí không sạch.

Nói cách khác, nếu là một độc giả trung thành của hai báo này, mỗi số báo người đọc sẽ luôn phải đọc hay nhìn thấy một hoặc hơn một tác phẩm có nội dung được gọi là sến - sốc - sex.

Sự “tiếp xúc” ổn định này sẽ trở nên quen thuộc đối với người đọc. Theo thời gian, những câu chuyện sến - sốc - sex sẽ không còn giật gân, sẽ không còn “rùng mình”, “ghê rợn”… Dần dần, trong tiềm thức của độc giả, sự cảnh giác, phản biện giảm và thay vào đó là sự nhượng bộ, chấp nhận và thậm chí là… học theo.

Đó là kết quả cuối cùng sau hàng loạt tác động của những tác phẩm báo chí được gọi là sến - sốc - sex: người làm báo, thông tin báo chí xuống cấp; đạo đức, văn hóa xã hội bị suy thoái, ô nhiễm,..

Không chỉ khảo sát trên báo, tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với 100 độc giả thuộc độ tuổi từ 15-30 về mức độ đọc của họ với các tác phẩm có nội dung sến - sốc  sex trên báo chí Việt Nam hiện nay có kết quả như biểu đồ sau:

Mức độ đọc các tác phẩm báo chí có nội dung được gọi là sến - sốc - sex của độc giả. Khảo sát do tác giả thực hiện với 100 độc giả từ 15-30 tuổi 

Dù mức độ đọc “Thường xuyên” chỉ có tám độc giả lựa chọn, nhưng xét tổng quát có đến 85 độc giả đã và đang đọc những tin, bài có nội dung được gọi là sến - sốc - sex trên báo chí và số lượng này tất nhiên là biến đổi không ngừng.

Đồng thời kéo theo đó là mối lo về sự xuống cấp của chuẩn mực văn hóa, đạo đức của một bộ phận công chúng ngày càng tăng cao.

Báo chí có vai trò giáo dục, định hướng, giám sát và phản biện xã hội. Vậy với những tin, bài mà trong đó người viết miêu tả một cách tỉ mỉ từng diễn biến của vụ việc (bao gồm cả hình ảnh bạo lực, đồi trụy); hay nội dung sướt mướt, ủy mị, quá nhiều thông tin dư thừa mà lại không có giá trị thì báo chí giáo dục, định hướng được điều gì cho con người?

Giải quyết vấn đề này cần có sự nỗ lực, sự phối hợp giữa tất cả các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí.

Những hướng đi mới

Trước hết, về phía cơ quan quản lý báo chí, cần có những chế tài xử phạt cụ thể, rõ ràng, nghiêm minh hơn đối với các hành vi vi phạm từ nhà báo, phóng viên và cả các cơ quan báo chí.

Thực tế là những quy định trong Luật báo chí hiện nay được đề ra và áp dụng đối với những tác phẩm báo chí có nội dung được gọi là sến - sốc - sex với tư cách là chủ thể độc lập, chứ chưa đặt nó trong một mối tổng thể với các tác phẩm tương tự do một độc giả thực hiện và một cơ quan báo chí phát hành.

Dù đã có nhiều nhà báo, phóng viên và tòa soạn báo bị xử phạt nhưng đó chỉ là những phần nổi của “tảng băng”, đó chỉ là những vụ việc lớn, gặp phải sự phản kháng, bức xúc, bất bình dữ dội từ phía dư luận xã hội thì mới được công khai xử lý. Còn đối với những bài báo khảo sát được trên báo giấy Đ. và báo điện tử T. thì không hề bị xử lý.

Như vậy cần phải đưa ra những quy định xử phạt cụ thể, rõ ràng đối với các tác giả, các cơ quan báo chí đăng tải những tác phẩm có nội dung được gọi là sến - sốc - sex dựa trên kết quả kiểm tra sau một thời gian hoạt động.

Cụ thể, những hoạt động kiểm tra này thống nhất do Bộ Thông tin và truyền thông tiến hành và được triển khai định kỳ: một tháng/ần hoặc ba tháng/lần.

Không đợi đến khi có sự việc xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội mới tiến hành điều tra và xử phạt. Nội dung của hoạt động này bao gồm: thống kê và kiểm tra tất cả các tin, bài đã đăng tải của tòa soạn báo trong một tháng hoặc ba tháng.

Nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định trong nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, dựa trên số lượng, hậu quả các tác phẩm có nội dung được gọi là sến - sốc - sex gây ra mà có các hình thức xử phạt tương ứng: xử phạt hành chính, thu hồi thẻ nhà báo, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động, đình bản tờ báo.

Để công tác giám sát được hiệu quả hơn, cơ quan quản lý báo chí có thể thiết lập một đường dây nóng hay một diễn đàn góp ý trên các trang mạng xã hội để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của công chúng, nhất là những người làm báo có trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí giám sát, phản biện xã hội nhưng đồng thời công chúng cũng có quyền giám sát, phản biện và đánh giá chất lượng hoạt động của báo chí. Tất nhiên, việc tiếp thu ở đây cần có sự chọn lọc, phân tích.

Đối với các cơ quan báo chí, cần phải xác định không chỉ có sến - sốc - sex mới thu hút được độc giả. Lượng độc giả của một tờ báo nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ của tờ báo với khách hàng của mình.

Bên cạnh việc chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo và của chính cơ quan, các tòa soạn cần thành lập một bộ phận chuyên nghiệp phụ trách nghiên cứu công chúng. Bộ phận này sẽ đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của công chúng; xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể để phát triển, mở rộng đối tượng công chúng của tờ báo.

Làm tốt những hoạt động này, áp lực phải viết những tin, bài có nội dung giật gân câu khách của phóng viên, nhà báo nhằm tăng lợi nhuận sẽ không còn, họ sẽ có thể dốc sức để “sản xuất” những tác phẩm báo chí có chất lượng phục vụ độc giả.

Báo chí là một sản phẩm của văn hóa; nhìn vào cách đưa tin, lựa chọn nội dung đăng tải trên báo chí của những tờ báo thuộc một quốc gia ta cũng có thể dự đoán được trình độ văn hóa của quốc gia đó đang ở mức nào.

Hi vọng 20 năm nữa nhìn vào báo chí Việt Nam, ta có thể tự hào về một nền báo chí trong sạch, vững mạnh, không còn sến - sốc - sex.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

CAO NỮ PHƯƠNG TRÀ (22 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp