Ông Nguyễn Ngọc Giao ngày ngày vẫn may đồng phục cho các em học sinh nghèo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là ông Nguyễn Ngọc Giao, một cựu chiến binh hiện cư ngụ ở P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Có lẽ ông Giao cũng không ngờ rằng món nghề may gia công mà ông học lỏm sau năm 1975 cùng chiếc máy may mua cách đây gần nửa thế kỷ lại giúp ông làm được một việc ý nghĩa suốt 20 năm qua - may đồng phục miễn phí cho học sinh khó khăn.
Có năm may hơn 500 bộ
Ý tưởng may đồng phục học sinh đến với ông thật tình cờ. Năm 1998, ông Giao có dịp đi thăm người đồng chí cũ hiện đang sống gần bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM - nơi bạn ông mở một lớp dạy học cho các em nghèo. Khi chứng kiến những em nhỏ ăn mặc rách rưới, ông Giao không thể cầm lòng và quyết định tìm cách giúp đỡ.
Lúc đầu, gia đình ông Giao cùng hàng xóm thu gom tất cả quần áo không dùng đến đem giặt rửa sạch sẽ rồi chuyển lên Hóc Môn tặng tụi nhỏ. Thấy các em tươi cười vui sướng trong bộ quần áo mới, ông rất mừng và nghĩ mình còn có thể làm nhiều hơn thế.
Ông bắt đầu trích một phần tiền hưu và tiền con cái phụ giúp để may cho các em những bộ đồng phục đến trường như bạn bè đồng trang lứa.
Những năm đầu, ông Giao may chỉ khoảng 100 bộ mỗi năm. Về sau, ông may thêm cho các học sinh nghèo trong phường, các lớp học tình thương, cho quê hương Phan Rí của ông và cho một số tỉnh, thành ở xa.
Đỉnh điểm trong 20 năm may vá "không công" của ông là giai đoạn 2010 - 2015, khi mỗi năm ông một mình may hơn 500 bộ.
Gần đây do sức khỏe yếu đi, ông quyết định bỏ tiền liên kết với một công ty may mặc đặt áo trắng, còn mình đảm nhiệm việc may quần cho các em. Ba năm nay, ông bắt đầu may thêm váy cho các bé gái nhằm bắt kịp đồng phục thay đổi của một số trường.
Những lúc chiếc máy may gần 50 năm tuổi hư hỏng, ông phải tự sửa chữa - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tôi làm với tinh thần thương yêu các em chứ không đòi hỏi thành tích gì. Tôi cũng không muốn tiếng tăm, không muốn người ta ca ngợi mình
Ông Nguyễn Ngọc Giao
Niềm vui thầm lặng
Năm nào cũng vậy, ăn tết xong là ông Giao bắt đầu may đồng phục cho đến hè và trao cho các em khi bước vào đầu năm học mới. Với những bộ quần áo cho học sinh trong thành phố, ông phải đi đo trực tiếp mới tiến hành cắt may. "Cho thì phải mặc vừa, mặc được, chứ nếu mặc không được thì cho làm gì!" - ông Giao nói.
Ngày nào cũng vậy, ông Giao bắt đầu ngồi vào máy may từ 8h-11h, sau đó nghỉ trưa rồi lại làm tiếp đến khoảng 15h30. Chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, hiện ông đã may được 100 cái quần trong tổng số 200 cái.
Dẫu bỏ công rất nhiều, ông Giao thường không tự tay trao những bộ đồng phục cho các em. Thay vào đó, khi làm xong ông nhờ cán bộ phường hoặc khu phố gửi cho người nhận. "Tôi làm với tinh thần thương yêu các em chứ không đòi hỏi thành tích gì. Tôi cũng không muốn tiếng tăm, không muốn người ta ca ngợi mình" - ông Giao bộc bạch.
Tuy vậy, ông luôn hỏi thăm những người chịu trách nhiệm xem các em mặc rộng chật như thế nào để điều chỉnh cho sát hợp. "Nhiều khi tôi cũng không muốn người ta biết đồng phục đó của tôi may vì áo quần đến tay các em là được rồi" - ông Giao nói thêm.
"Áo quần rất vừa vặn, ông Giao may cho nhiều lứa tuổi nhưng đứa nào mặc cũng vừa. Năm vừa rồi lớp có 80 em và đều được ông tặng đồng phục" - một cô giáo ở lớp học tình thương Nam Hòa, P.6 (Q.Tân Bình) chia sẻ.
Cô cũng cho biết vì học sinh lớp học tình thương chủ yếu là các em cơ nhỡ hoặc con cái những người lao động thu nhập thấp như chạy xe ôm, gom ve chai nên được ông Giao quan tâm giúp đỡ nhiều hơn.
Ông Giao chia sẻ nhiều lúc ra đường gặp những em nhỏ cúi đầu chào nhưng ông không nhớ là ai. Thì ra những đứa trẻ đã gặp ông trong buổi đo áo quần vẫn không quên người cho chúng những bộ đồng phục đẹp. Làm việc tử tế, ông luôn nghĩ về những nụ cười và nét mặt rạng rỡ của các em trong các bộ quần áo mới.
"Tôi mong muốn làm sao có thể lan tỏa nhiều người làm như tôi cho các em đỡ khổ. Mình tôi làm thì như muối bỏ biển thôi" - ông Giao nói.
Không dừng lại
"Ông Giao là người nhiệt huyết và làm rất nhiều việc có ích cho cộng đồng. Tiền lương hưu của mình ông cũng dành làm việc thiện. Với công việc may đồng phục, ông không cần những địa phương giúp đỡ mà muốn tự làm. Mọi người đều trân trọng và nể phục ông Giao" - ông Trần Minh Vũ, chủ tịch UBND P.6 (Q.Tân Bình), cho biết.
Ông Giao chia sẻ chưa bao giờ ông thấy nản. Ông tự nhủ với bản thân sẽ dừng may đồng phục trong hai trường hợp: một là sức khỏe quá yếu không còn làm việc được nữa, hai là không còn học sinh nghèo.
"Mà hết học sinh nghèo thì chắc còn lâu. Mấy đứa con tôi cũng xót ba lớn tuổi nên có khuyên nghỉ ngơi nhưng tôi nói khi nào còn sức thì còn may" - ông Giao nói.
Ngoài ra, ông đã đề xuất với phường mong muốn dạy may miễn phí cho các chị em nghèo ở địa phương. Ông Giao cho biết nếu được cho phép, dạy may miễn phí trước tiên sẽ giải quyết được việc làm cho các lao động nghèo, đồng thời tạo thêm một nguồn lực có thể phụ giúp ông may đồng phục cho học sinh hằng năm.
Người thầy "lịch sử" đáng mến
Không chỉ là người thợ may thầm lặng, ông Giao còn là một "thầy giáo" lịch sử cho lớp học tình thương Nam Hòa. Hằng tháng, ông đến lớp một buổi và kể chuyện lịch sử từ lúc Hùng Vương lập nước Văn Lang cho đến thời đại Hồ Chí Minh cho các em nghe.
"Có một lần ông Giao bị tai nạn gãy tay nhưng vẫn đến dạy các em đúng lịch. Mỗi lần ông đến đều cho quà các em, có khi chỉ là mấy mẩu bánh nhưng chúng rất thích. Những dịp như khai giảng, lễ tết, ông Giao đều đến và hỗ trợ các em" - cô giáo ở lớp tình thương Nam Hòa chia sẻ.
Hiện nay, ông Giao còn là chủ tịch Hội khuyến học P.6, Q.Tân Bình. Nhiều năm qua, ông gặp không ít trường hợp các em học sinh khó khăn đứng trước nguy cơ bỏ học. Mỗi lần như vậy, ông đều đến vận động gia đình rồi hỗ trợ một phần học phí.
"Trên cương vị chủ tịch hội khuyến học là người phát động và xốc lên những phong trào gia đình học tập hay xã hội học tập ở địa phương. Phường luôn ghi nhận những cống hiến của ông" - ông Trần Minh Vũ, chủ tịch UBND P.6 (Q.Tân Bình), nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận