Trung tâm máy chủ quốc gia đặt tại Đà Nẵng
Sau khi có địa chỉ tên miền rồi, chúng tôi mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền VN kết nối trực tiếp Internet, chính thức chuyển mạng thử nghiệm ở VN sang tên miền mang dấu ấn quốc gia .vn
Ông Trần Bá Thái
Nhưng lúc đó Việt Nam chưa đăng ký tên miền trên Internet, nên ngay cả địa chỉ thư điện tử vẫn phải dùng đuôi ".au" của Úc.
Nhanh chóng giữ tên miền quốc gia
Phải đăng ký tên miền chính thức trên Internet với đuôi .vn ngay lập tức trở thành mong muốn của ông Thái và các cộng sự.
Muốn đăng ký tên miền phải liên hệ và đăng ký với Tổ chức quản lý tên miền khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Network Information Center - APNIC) mà chúng ta lại chưa có kênh liên lạc trực tiếp nên ông Thái quyết định nhờ ông Rob Hurle.
Ông Trần Bá Thái cùng GS.TS Trần Văn Đắc - khi đó là vụ trưởng Vụ Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học công nghệ và môi trường) - bàn nhau ký vào đơn xin đăng ký tên miền và ủy quyền cho ông Rob Hurle làm thủ tục đăng ký với APNIC.
Việc ký đơn này là "một hành động dũng cảm". Bởi vì ở thời điểm đó tại Việt Nam, Internet vẫn đang là chuyện "tranh tối, tranh sáng", thậm chí bị xem là "bất hợp pháp". Với sự hỗ trợ của ông Rob Hurle, việc đăng ký tên miền .vn cho chủ thể từ VN đã thành công.
"Sau khi có địa chỉ tên miền rồi, chúng tôi mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền VN kết nối trực tiếp Internet, chính thức chuyển mạng thử nghiệm ở VN sang tên miền mang dấu ấn quốc gia .vn" - ông Thái nhớ lại.
Nhờ đó, tuy đến cuối năm 1997 Internet mới chính thức được công nhận và cấp phép ở Việt Nam, nhưng chúng ta đã có tên miền .vn trên Internet, có quyền sở hữu và được quốc tế thừa nhận từ năm 1994.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn phải mượn danh ".au", chúng ta đã được chính danh .vn nhờ có sự nhanh nhạy của những nhà khoa học tâm huyết với Internet.
Nhìn nhận lại sự kiện này, các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng tên miền .vn là tài nguyên quốc gia.
May mắn là chúng ta đã kịp thời đăng ký, nếu không để các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào đó đăng ký trước thì sẽ phức tạp, có thể dẫn đến tranh chấp, bất lợi sau này, thậm chí có thể bị mất tên miền quốc gia.
Từ năm 1994-1995 những người sử dụng Internet tại Việt Nam đã được chuyển sang tên miền của riêng VN với đuôi .vn. Tất cả các cơ quan, cá nhân có thể đặt tên miền riêng dưới đuôi .vn.
Trong giai đoạn đầu, Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam hiện nay) là đơn vị quản lý tên miền .vn.
Nhóm kỹ thuật NetNam là đội ngũ trực tiếp quản lý hệ thống tên miền .vn cho đến năm 1997. Sau khi Internet chính thức vào Việt Nam, tên miền này được giao cho Tổng cục Bưu điện Việt Nam quản lý.
Hiện nay tên miền quốc gia do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, được thành lập năm 2000) thuộc Bộ Thông tin và truyền thông quản lý.
Mạng lưới hệ thống máy chủ quốc gia DNS của Việt Nam
Hàng triệu tên miền có .vn
Trên trang chủ của VNNIC cập nhật mới nhất cho thấy hiện có 418.534 tên miền có đuôi .vn đang được duy trì trên Internet.
Cứ mỗi tháng lại có thêm hàng trăm tên miền tiếng Việt mới đăng ký. Năm 1997, số lượng tên miền quốc gia .vn chỉ có vài chục.
Từ năm 2000, VNNIC là nơi thiết lập, quản lý, khai thác hai hạ tầng trọng yếu của mạng Internet Việt Nam là Hệ thống máy chủ tên miền DNS (Domain Name System) quốc gia và Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), nắm giữ sự sống còn của cả hệ thống mạng Internet Việt Nam.
Chỉ cần hệ thống phân giải tên miền DNS quốc gia dừng hoạt động vài giây, việc truy cập tới các dịch vụ Internet sử dụng tên miền .vn như web, mail... sẽ không thực hiện được trên toàn cầu. Nói cách khác, hàng trăm ngàn trang web sử dụng tên miền có đuôi .vn sẽ đột nhiên biến mất.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, phó giám đốc phụ trách mảng kỹ thuật và công nghệ của Trung tâm Internet Việt Nam, cho biết hiện hệ thống máy chủ tên miền quốc gia của Việt Nam gồm bảy cụm máy chủ. Trong đó năm cụm máy chủ đặt trong nước (tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng).
Hai cụm máy chủ đặt ở nước ngoài với hơn 70 điểm tại các thành phố lớn ở năm châu lục trên thế giới, là những nơi có mật độ truy vấn tên miền .vn cao, cộng đồng người gốc Việt sinh sống nhiều.
Theo VNNIC, trong thời gian đầu phát triển, từ năm 2000-2005 tên miền .vn gặp khó khăn trong cạnh tranh với tên miền quốc tế.
Tuy nhiên, trong khoảng bốn năm gần đây, tốc độ phát triển tên miền quốc gia .vn trung bình hằng năm đều đạt hơn 10%.
Tỉ lệ website có sử dụng tên miền .vn trong toàn bộ không gian tên miền .vn đạt trên 50%, trong đó có những đuôi tên miền có tỉ lệ sử dụng cao như: gov.vn (81,31%), edu.vn (74,48%), org.vn (68,92%).
Hiện tỉ lệ sử dụng tên miền .vn và tên miền quốc tế tại Việt Nam ngang ngửa nhau với tỉ lệ 50-50.
Đặc biệt, liên tục từ năm 2011 đến nay, tên miền .vn luôn là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN và nằm trong top 10 ở châu Á.
Bên trong trung tâm máy chủ quốc gia tại Hà Nội
Ảnh VNNIC cung cấp
Cấu trúc hệ thống tên miền quốc gia:
1. Tên miền .vn là tên miền quốc gia cấp cao nhất dành cho Việt Nam. Các tên miền cấp dưới .vn đều có giá trị sử dụng như nhau để định danh địa chỉ Internet cho các máy chủ đăng ký tại Việt Nam.
2. Tên miền cấp 2 là tên miền dưới .vn bao gồm tên miền cấp 2 không phân theo lĩnh vực và tên miền cấp 2 dùng chung phân theo lĩnh vực như sau:
- com.vn và - biz.vn: dành cho tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.
- edu.vn: dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
- gov.vn: dành cho các cơ quan, tổ chức nhà nước ở trung ương và địa phương.
- net.vn: dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực mạng.
- org.vn: lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội.
- int.vn: các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- ac.vn: lĩnh vực nghiên cứu.
- pro.vn: lĩnh vực có tính chuyên ngành cao.
- info.vn: lĩnh vực sản xuất, phân phối, cung cấp thông tin.
- health.vn: lĩnh vực dược, y tế.
- name.vn: dành cho tên riêng cá nhân tham gia hoạt động Internet.
Những tên miền khác do Bộ Thông tin và truyền thông quy định.
*****************
Kỳ tới: Địa chỉ email đầu tiên của thủ tướng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận