Sáng 4-11, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm "Hành trình 20 năm Tiếp sức mùa thi" do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Thanh Niên, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Qua 20 năm triển khai, chương trình Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước.
Cùng với đó, triển khai 58.618 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của hơn 1 triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện, tổng nguồn lực huy động được là gần 200 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Minh Triết, bí thư Trung ương Đoàn, chia sẻ tại chương trình - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Anh Nguyễn Minh Triết, bí thư Trung ương Đoàn, nhấn mạnh trong chặng đường 20 năm, chương trình Tiếp sức mùa thi đã kịp thời chuyển mình, linh hoạt và sáng tạo với nhiều cách làm, mô hình hay hỗ trợ hiệu quả các thí sinh và người nhà thí sinh.
Từ chương trình, đã có hàng triệu chỗ trọ an toàn, giá rẻ hoặc miễn phí, hàng trăm ngàn vé xe buýt và suất ăn miễn phí, hàng trăm chuyến xe tình nguyện, hàng vạn cẩm nang, bản đồ chỉ dẫn và nhiều hoạt động tiếp sức, hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực khác…
"20 năm qua, chương trình luôn là người bạn gắn bó, đồng hành cùng thí sinh và người nhà thí sinh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi" - anh Triết nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, nhiều tỉnh, thành đoàn, đơn vị đã chia sẻ về những cách làm, mô hình hay, đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức chương trình trong bối cảnh mới nhằm hỗ trợ toàn diện, đúng và trúng nhu cầu của thí sinh và người nhà thí sinh.
Anh Lê Xuân Dũng, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, mang đến câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chương trình Tiếp sức mùa thi của thành phố.
Chương trình đã áp dụng hệ thống Chatbot Messeger để thông tin về chương trình và triển khai cho sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia, vận dụng hiệu quả fanpage để thành lập đội hình truyền thông, thiết lập kênh thông tin, triển khai chương trình qua ứng dụng tiện ích trên thiết bị di động dành cho sinh viên (app SV360) và chủ động tập huấn các đội hình thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.
"Đây là xu thế không thể thiếu được trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện cho việc lan tỏa thông tin, tăng tốc độ truyền tải thông tin và đối tượng thụ hưởng" - anh Dũng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận