Phóng to |
Các chiến sĩ đội hình chuyên điện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tham gia sửa chữa, thay mới hệ thống điện cho các hộ gia đình khó khăn tại Q.4 (TP.HCM) trong Mùa hè xanh 2013 - Ảnh: Q.N. |
Có nhiều kỷ niệm gắn bó, bao ân tình và cả những ưu tư, thao thức cho một hành trình mới về phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TP.HCM thời gian tới là những điều mà nhiều anh chị cùng chia sẻ.
Nhìn lại một chặng đường
Chiến dịch Hoa phượng đỏ từng được tổ chức vào năm 1999 nhưng vì nhiều lý do sau đó có thời gian gián đoạn. Nguyên phó ban thiếu nhi Thành đoàn Đào Thanh Lâm cho biết đã từng “xé rào” thử tổ chức cho học sinh một vài trường THPT của TP cùng đi làm nhà khi Hoa phượng đỏ chưa được khôi phục. Thời điểm đó, có lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo TP băn khoăn liệu học sinh còn nhỏ sẽ làm được gì, phụ huynh có ủng hộ không và làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng chính sự nhiệt tình, hào hứng của các bạn và kết quả của những lần “xé rào” đã giúp các anh chị mạnh dạn hơn khi xây dựng kế hoạch cùng ngành giáo dục khôi phục sân chơi này vào năm 2006, thu hút ngày càng đông chiến sĩ đến hôm nay.
Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM Nguyễn Tri Quang cho rằng các chiến dịch tình nguyện hè 20 năm qua không chỉ giúp các bạn trẻ trưởng thành mà còn góp phần đưa hình ảnh tổ chức Đoàn gần gũi hơn với cuộc sống. Theo anh Quang, thành quả của hoạt động tình nguyện không đơn thuần là giá trị của cây cầu, con đường, ngôi nhà đã làm được mà chính là tính nhân văn cao của chiến dịch.
Cùng ý kiến, anh Trương Tiến Dũng (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) phát biểu: “Chiến dịch tình nguyện đúng là “tuyệt chiêu” riêng có của tổ chức Đoàn tại TP.HCM, và 20 năm là cơ hội để chúng ta công bố với xã hội những cá nhân trưởng thành từ phong trào, góp nguồn nhân lực cho đất nước”.
Nhìn nhận kết quả đã có là tín hiệu vui song phó giám đốc Hãng phim Trẻ Phan Văn An thẳng thắn: “Các chiến dịch tình nguyện làm nhiều nhưng chưa thật chuyên nghiệp và vẫn thiếu những công trình quy mô lớn, hiệu quả lâu dài”. Ông An dẫn chứng nhiều nơi phối hợp với địa bàn không tốt, công sức bỏ ra rất nhiều nhưng thành quả đạt được không cao, chỉ để lại ấn tượng tốt. Điều này được phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn thừa nhận đúng là vẫn còn có nơi trong một vài hoạt động sự cộng hưởng của xã hội, người dân chưa cao nên dù có chuẩn bị công phu nhưng “hình ảnh vẫn tự chúng ta làm là chính”.
Thao thức tương lai
Nguyên phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP.HCM Giang Ngọc Phương đề nghị hoạt động tình nguyện giai đoạn mới không chỉ tập trung vào mùa hè mà nên xem hè chỉ là giai đoạn cao điểm, còn hoạt động phải xuyên suốt trong năm vì “thanh niên luôn vận động”. Theo anh Phương, đối tượng tham gia hoàn toàn có thể mở rộng rất nhiều, từ học sinh tiểu học đã có thể tham gia với một buổi tình nguyện, đến các nơi sinh sống của trẻ mồ côi, khuyết tật như những tiết học ngoại khóa. “Tôi nghĩ không làm theo chương trình mà phải theo đề án cụ thể, xác định rõ nội dung cần làm gì, gắn với chuyên môn và tính chuyên nghiệp hóa ngày càng cao của người tham gia” - anh Phương hiến kế về phương thức của phong trào tình nguyện sắp tới.
Trong khi đó, nguyên trưởng Ban công nhân lao động Thành đoàn Nguyễn Cao Lễ mong muốn hoạt động tình nguyện thời gian tới phải tính đến chiều sâu, để lại công trình, dấu ấn gì cụ thể, đáp ứng nhu cầu địa phương chứ không chỉ làm chiều rộng như hiện nay. “Cần đầu tư cho trung tâm kết nối tình nguyện thật tốt vì hiện có nhiều cá nhân, đội nhóm tình nguyện mở với nhu cầu tham gia cao. Nếu trung tâm này làm tốt sẽ hỗ trợ kết nối giữa người có nhu cầu làm tình nguyện và nơi cần được giúp đỡ nhiều hơn” - anh Lễ nói.
Anh Nguyễn Tri Quang đề xuất Thành đoàn nghiên cứu tổ chức hoạt động tình nguyện theo lĩnh vực (văn nghệ sĩ, kỹ sư...) với ngày tình nguyện cao điểm vì nhiều giới có nhu cầu hoạt động trong giới của họ. Hay anh Đào Thanh Lâm đề nghị nên cô đọng nội dung, lựa chọn và làm tập trung một, hai nội dung nào đó chứ đừng quá dàn trải vì một tháng chiến dịch sẽ khó hoàn thành hết, hoặc có hoàn thành thì “cái gì cũng làm mà lại không đâu vào đâu”.
Từ góc độ thiết kế và tổ chức phong trào, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn nói anh băn khoăn vì sự phối hợp giữa các chiến dịch chưa cao. “Vẫn chỉ thấy Mùa hè xanh là nổi trội trong khi các chiến dịch còn lại chưa rõ nét lắm. Dù mỗi chiến dịch đều xuất hiện với màu sắc, nét nổi bật riêng của từng đối tượng, khu vực nhưng lại chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp và đây là yêu cầu mới trong tổ chức hoạt động tình nguyện sắp tới” - anh Sơn bày tỏ.
Giải bài toán mâu thuẫn Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường cho biết đứng ở cột mốc 20 năm, trong vai trò thiết kế phong trào, Thành đoàn nhận ra nhiều mâu thuẫn và đang tìm lời giải cho bài toán ấy. Đó chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu tham gia ngày càng lớn của các bạn trẻ với khả năng đáp ứng của Đoàn - Hội, mâu thuẫn giữa nhu cầu của địa phương với khả năng đáp ứng của các đội hình tình nguyện. Nhiều góp ý còn đặt ra yêu cầu về thời gian, phương thức tổ chức, chỉ đạo sao cho hợp lý hơn, tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn của nội dung hoạt động và lực lượng tham gia tình nguyện với tổ chức Đoàn TP. “Thành đoàn xem những đòi hỏi ấy như sự đặt hàng, làm cơ sở để Thành đoàn xây dựng nội dung cụ thể trong phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TP thời gian tới” - anh Cường phát biểu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận