20/11/2008 08:00 GMT+7

20 năm chương trình Vì ngày mai phát triển: Người đề xuất

T.O. ghi
T.O. ghi

TT - Đó là PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, người đã trực tiếp đến báo Tuổi Trẻ đề xuất trao học bổng cho HS, do Hội Khoa học kỹ thuật VN tại Úc hỗ trợ.

20 năm (11-1988 - 11-2008), chương trình “Vì ngày mai phát triển” đã cấp học bổng cho gần 20.000 HS-SV; xây dựng trên 200 phòng học, nhà lưu trú cho học sinh vùng sâu, vùng núi và trợ vốn trên 3.000 thầy cô giáo, với số tiền tương đương 9.000 lượng vàng...

Tuổi Trẻ xin trân trọng lần lượt giới thiệu những vị mạnh thường quân ấy...

Nghe đọc nội dung toàn bài:
9szuEmUl.jpgPhóng to
TS Nguyễn Thiện Tống tại thư viện Trường tiểu học Mỹ Thạnh Bắc - phân hiệu Gò Ngãi (Long An), trường được xây dựng do VN Foundation tài trợ - Ảnh tư liệu

Đây cũng chính là bước khởi đầu “xúc tác” nên chương trình “Vì ngày mai phát triển” (VNMPT). 20 năm qua, thầy Tống vẫn gắn bó mật thiết với chương trình. Thầy nói vui: “Tôi đã trở thành chuyên gia vận động học bổng”.

“Tôi từng mất học bổng"

TS Tống kể ý tưởng lập quỹ học bổng xuất phát từ một lá thư của những người bạn bên Úc đầu năm 1988. Thư ban đầu chỉ với một yêu cầu rất chung chung: “Có chương trình này, chúng tôi muốn nhờ đến anh...”. TS Tống nghĩ bạn bè chắc muốn mình cùng hợp tác nghiên cứu một đề tài nào đó. Ai ngờ vài tháng sau tiến sĩ tiếp tục nhận được bức thư thứ hai với nội dung cụ thể: “Chúng tôi muốn đóng góp tiền để nhờ anh trao học bổng cho các em đang học lớp cuối cấp THPT là HS xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...”.

Được lời như cởi tấm lòng, TS Tống xúc động bắt tay vào việc. Đem bức thư của anh em Hội Khoa học kỹ thuật VN tại Úc đến gặp ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao đổi. Chương trình học bổng VNMPT ra đời.

“Ai đã từng nhận được học bổng mới thấy hết ý nghĩa của nó, đặc biệt lúc đang gặp khó khăn. Về mặt tinh thần, học bổng còn là một cú hích để người nhận càng cố gắng học tập hơn” - thầy Tống suy nghĩ và hồi tưởng ngay chính trường hợp bản thân mình. Ngày còn học phổ thông tại Trường Quốc học (Huế), nếu không có những suất học bổng trợ giúp, ông khó học hành, đạt thành quả như ngày hôm nay. Nhưng cũng đúng năm học lớp 12, TS Tống bị mất học bổng chỉ với một lý do hết sức buồn cười: do cô giáo dạy môn vạn vật lầm học trò Nguyễn Thiện Tống với một người con của ông quận trưởng. Đến khi gọi trò Tống (bận quần áo vá) lên trả bài, cô giáo mới ớ ra: “Cô lầm rồi. Cô tưởng em là con ông quận trưởng, nhà giàu nên đã đánh rớt học bổng của em”. “Bữa đó trời xứ Huế mưa, tôi vừa đi vừa khóc suốt quãng đường về nhà” - TS Tống bồi hồi với kỷ niệm xưa.

Không để lọt một trường hợp xứng đáng nào

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tôi tên là Ngô Ngọc Nga, một học sinh lớp 12 đã từng được nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” năm 1988 - đợt đầu tiên của chương trình này.

... Tôi không chờ được đến ngày tổ chức hội ngộ gia đình “Vì ngày mai phát triển” mới được gặp thầy Tống. Ngày 17-11, tôi đã đến nhà thăm thầy. 20 năm qua, luôn ao ước một lần được cơ hội gặp lại thầy nhưng tôi rụt rè không dám, chỉ theo dõi thầy qua các thông tin trên báo Tuổi Trẻ và truyền hình. Ngày ấy thầy đã đến nhà thăm gia đình tôi, cũng để xác minh hoàn cảnh của tôi. Và tôi đã được xét học bổng bổ sung. Học bổng đã cứu gia đình tôi qua cơn khốn khó. Tôi được tiếp tục hành trình đến trường. Gia đình tôi luôn khắc ghi thầy là ân nhân lớn.

20 năm được gặp lại thầy, cảm xúc thật khó tả. Tôi thán phục khi thầy cho xem những bài báo, tư liệu cũ về chương trình “Vì ngày mai phát triển” được thầy lưu trữ rất cẩn thận. Thầy nói chuyện về chặng đường 20 năm đồng hành với học trò nghèo trong nhiệt huyết, đặc biệt là những ngôi trường, phòng học được xây dựng hằng năm ở những vùng sâu, vùng xa...

Ban điều hành quỹ học bổng được thành lập. TS Tống đứng chân là nhà tài trợ. “Nói nhà tài trợ cho oai chứ tôi chỉ là chiếc cầu nối giữa anh em mạnh thường quân bên Úc và báo Tuổi Trẻ thôi” - thầy Tống bảo. Vốn là người thầy đứng trên bục giảng lâu năm, viết bài cộng tác các báo về các gương học trò nghèo vượt khó nên thầy Tống cũng tham gia đề xuất các đối tượng cần hỗ trợ học bổng.

Theo thầy Tống, khó nhất vẫn là việc xác minh hoàn cảnh các đối tượng. TS Tống nhớ lại: ngày ấy, báo Tuổi Trẻ giao cho thầy và phó tổng biên tập Nam Đồng xây dựng chương trình và xác minh hoàn cảnh một số đối tượng đầu tiên lĩnh học bổng.

Sau bao năm gắn bó với chương trình, thầy nhớ nhất HS, SV nào? Chẳng cần suy nghĩ, TS Tống nói ngay: “Đó là em Nguyễn Thị Lan Thảo (nhận học bổng năm 1988), ngụ số nhà... đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM”. Bữa ấy, thầy Tống cùng anh Nam Đồng đi xác minh. Địa chỉ rõ ràng nhưng quanh đi đảo lại nhiều vòng, gần cả giờ vẫn không tìm ra nhà Thảo. Nhưng thầy vẫn kiên quyết: “Phải tìm cho ra, biết đâu mình bỏ lọt một trường hợp rất đáng được nhận học bổng”. Rồi nhà HS Lan Thảo cũng được tìm thấy: một ngôi nhà tranh, đưa tay lên vách có thể bẻ được cả miếng cót, bóp vụn. Sau đó Lan Thảo đã được nhận học bổng...

“Mình đi xin học bổng không phải cho mình nên không ngại. Nghĩ thế nên hễ có cơ hội là tôi chìa chương trình học bổng VNMPT ra để mong được các mạnh thường quân hỗ trợ” - thầy Tống tâm sự.

Theo thầy Tống, VNMPT là chương trình mang tính cộng hưởng cao. Nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến chương trình để góp lòng thành bằng hiện vật hoặc tinh thần. Cũng từ đây đã gợi ý cho nhiều nhà tổ chức, báo đài, cá nhân... lập thêm những quỹ học bổng khác. Chương trình cũng phát hiện, tuyên dương rất nhiều tấm gương hiếu học, con ngoan. Và cũng từ đây nhiều HS, SV đã cố gắng học thật giỏi để được nhận học bổng. Rất nhiều người sau khi thành tài đã trở lại giúp đỡ những thế hệ sau.

Thầy đã nhận được gì sau bao nhiêu năm miệt mài gắn bó với chương trình? “Niềm vui được giúp những HS,SV nghèo học giỏi” - thầy Tống nói ngay, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc - Nhiều lần đi công tác nước ngoài, xuống sân bay tôi rất hay gặp những du HS, nghiên cứu sinh, các doanh nhân... Họ nhận ra mình và tay bắt mặt mừng: “Thầy nhớ em không, em được nhận học bổng VNMPT đây...”.

“Cái hích” ban đầu

Hồi đó chưa có những hoạt động sau mặt báo của báo chí, nhất là hoạt động xã hội, từ thiện. Anh em báo Tuổi Trẻ bấy giờ biết có rất nhiều học sinh sinh viên học giỏi, có ý chí, khao khát tri thức nhưng gia cảnh rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ... nên rất muốn mở ra những cách vận động xã hội góp tay tiếp sức cho các bạn, nhưng chưa biết cách nào...

Năm 1988, TS Nguyễn Thiện Tống tìm đến Tuổi Trẻ. Anh cho biết đã có một số tiền của anh em Việt kiều trong Hội Khoa học - kỹ thuật gia VN tại Úc đóng góp, đề nghị cùng Tuổi Trẻ tổ chức học bổng... Một sự gặp gỡ thật tuyệt vời. Tôi đã cùng anh Tống bàn bạc, soạn thảo điều lệ, lập hội đồng xét duyệt, đi xác minh... Phải nói rằng TS Nguyễn Thiện Tống đã làm “cái hích” ban đầu cho chương trình này.

Từ chương trình đầu tiên đó, anh tiếp tục vận động tài trợ, tham gia hội đồng xét duyệt nhiều học bổng khác. Những năm sau này, theo dõi trên báo, tôi thấy anh Tống đã cùng Tuổi Trẻ đi nhiều tỉnh thành xây dựng trường lớp, tham gia nhiều chương trình học bổng. Hai mươi năm anh vẫn giữ tấm lòng như những ngày đầu...

.............................................

Từ quả ngọt của chương trình

Nghe đọc nội dung toàn bài:
1uYZNULi.jpgPhóng to
“Học trò trường tôi đã có ghế ngồi trong những buổi sinh hoạt dưới cờ” - Ảnh:T.T.H.D

Kính gửi chương trình “Vì ngày mai phát triển” báo Tuổi Trẻ.

Tôi là hiệu trưởng một ngôi trường vùng sâu của thị xã Vị Thanh, Hậu Giang. Hôm nay đọc được bài báo đăng thông tin kết nối gia đình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, tôi chợt nhớ tới một người bạn thân từ thời phổ thông. Đó là một người bạn được sinh ra và lớn lên nơi miền quê xanh ngát những rặng dừa, sinh viên khoa Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Người bạn này đã từng được nhận học bổng Vì ngày mai phát triển cách nay 20 năm...

Trường tôi nằm trong một xã nghèo chưa có điều kiện phát triển kinh tế, người dân sống chủ yếu làm thuê và nghề nông. Trường có hơn 30% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khơme. Nhiều học sinh con của các hộ nghèo, hộ đói, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thường phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp cha mẹ...

Trước những khó khăn của học trò ở ngôi trường vùng sâu tôi luôn trăn trở... Và tôi đã kể cho bạn tôi về ngôi trường và các em học trò của tôi...

Như chuyện cổ tích: một “cô tiên” xuất hiện và nhận lời giúp đỡ cho học trò trường tôi. 400 học sinh và tập thể hội đồng sư phạm nhà trường thật vui mừng. Nhanh chóng số tiền được chuyển về trường. Số tiền đó đã giúp tôi hoàn thành ước mơ: học sinh trường tôi từ ngày ấy được ngồi trên ghế vào những buổi sinh hoạt dưới cờ. Nếu không có sự giúp đỡ này, tôi nghĩ không biết bao giờ học trò tôi mới đủ tiền mua ghế.

Điều tôi muốn nói đây “cô tiên” ấy chính là người bạn mà đã từng nhận học bổng Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ cách đây 20 năm, là thành viên trong “Gia đình vì ngày mai phát triển”.

Kính thưa chương trình!

Trường THCS Hỏa Lựu hôm nay vui mừng đón nhận “quả ngọt” mà chương trình “Vì ngày mai phát triển” đã ươm 20 năm trước đây. Thay mặt bọn trẻ vùng sâu hẻo lánh nơi có nhiều trẻ em nghèo khát chữ đến trường, xin chân thành cảm ơn chương trình, xin chuyển lời tri ân này đến chương trình, đến cô bạn thân của tôi.

T.O. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp