19/06/2013 06:25 GMT+7

20 năm chờ nước máy

Ông HÀ VĂN TIẾN(tổ trưởng tổ 106, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Ông HÀ VĂN TIẾN(tổ trưởng tổ 106, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TT - Đã 20 năm nay, gia đình tôi cùng hơn 60 hộ dân ở hẻm 170 Bùi Đình Túy (tổ 106, khu phố 4, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không có nước máy để sinh hoạt.

Anm4PiiM.jpgPhóng to
Ông Hà Văn Tiến xách can đi đổi nước máy ở đầu hẻm về sử dụng - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Đa số hộ dân khu vực tôi sinh sống phải dùng nước giếng (tự khoan) bị nhiễm phèn nặng. Chỉ cần rửa tay bằng nước giếng rồi đưa lên ngửi sẽ cảm nhận được mùi hôi tanh khó chịu. Có người lo sợ đã đưa mẫu nước đi kiểm định, kết quả là nước nhiễm phèn, dùng lâu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vì nước nhiễm phèn nên sinh hoạt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như sử dụng nước để giặt đồ thì quần áo nhuốm vàng, hư hỏng, thùng chứa cũng bám đầy mảng phèn... Tôi đã lớn tuổi nhưng hằng ngày phải cùng con trai thay phiên nhau xách can đi đổi nước máy về dùng. Hàng chục hộ dân khác cũng loay hoay ngày hai bữa xách nước.

Trong khi đó đường ống cái cung cấp nước máy đã nằm ngay đầu hẻm cách nơi chúng tôi sinh sống vài chục mét. Đến năm 2010, quá bức xúc về nguồn nước sinh hoạt, người dân cử tôi (tổ trưởng tổ dân phố) làm đại diện đưa đơn lên Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định xin lắp đặt đồng hồ nước. Sau nhiều lần đi lại vì đơn thư chưa đạt yêu cầu, tôi đã báo cáo sự việc với UBND P.12. UBND phường cử cán bộ xuống làm việc để thống nhất nội dung đơn xin cấp đồng hồ nước.

Sau khi làm đơn xong, có con dấu xác nhận của phường, tôi mang đơn lên Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định một lần nữa thì được công ty tiếp nhận và cử cán bộ xuống khảo sát vị trí. Lúc đó những người dân khu vực tôi mừng lắm, cứ nghĩ sắp tới đây nguồn nước máy sẽ về để chấm dứt cảnh xách nước từng bữa. Nhưng chúng tôi đã hụt hẫng ngay sau đó, vì công ty cấp nước nói do khu vực này là hẻm đất, chưa được bêtông hóa nên chưa thể đầu tư đường ống.

Không bỏ cuộc, tôi bàn bạc với các hộ dân quyết tâm gom góp tiền để thực hiện bêtông hóa con hẻm nhằm mở đường cho đơn vị cấp nước lắp đặt đồng hồ. Đa số hộ dân ở đây đều là dân lao động nghèo nhưng vì muốn có nước máy nên nhiều người phải vay mượn để thực hiện kế hoạch của tổ dân phố.

Giữa năm 2011 con hẻm bêtông đã làm xong. UBND P.12 gửi văn bản đề nghị đơn vị cấp nước khảo sát lên kế hoạch đầu tư đường ống cho tổ dân phố. Nhưng chúng tôi thêm một lần thất vọng khi công văn của Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định phúc đáp rằng qua khảo sát thực tế, khu vực chúng tôi sinh sống bị vướng quy hoạch chi tiết về các dự án nên công ty không thể đầu tư mạng lưới cấp nước.

Đầu năm 2013, khoảng 16 hộ dân nhờ tôi tiếp tục liên hệ với đơn vị cấp nước xem còn cách nào để bà con có nước máy dùng. Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đưa ra ý kiến là người dân và công ty cùng chung tay làm đường ống nước sạch. Có nghĩa là người dân đầu tư vốn, còn công ty sẽ hỗ trợ một phần. Sau đó, công ty khảo sát và tính toán chi phí chúng tôi phải góp là hơn 127 triệu đồng, nghĩa là mỗi hộ phải góp xấp xỉ 8 triệu đồng. Tôi và các hộ dân nơi đây cảm thấy bất lực vì số tiền đó quá lớn đối với người lao động nghèo như chúng tôi.

Tôi có tham khảo nhiều thông tin trên báo, đài thấy nhiều nơi người ta đầu tư đồng hồ nước miễn phí cho người dân. Còn chúng tôi, mang tiếng là ở nội thành nhưng nhiều năm qua hình ảnh xách can đổi nước vào sáng sớm hoặc xế chiều vẫn diễn ra thường ngày. Bao năm qua, tôi loay hoay với các đơn từ, gõ cửa nhiều nơi nhưng việc xin đồng hồ nước đến giờ vẫn như vô vọng.

Phải chờ nhưng chưa chắc được!

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định):

Khu vực tổ 106 khu phố 4, P.12, Q.Bình Thạnh trước đây nằm trong diện quy hoạch khu dân cư Tăng Kỳ Bắc nên công ty không thể đầu tư mạng lưới cấp nước. Quy hoạch này mới được bỏ nên công ty cũng chưa kịp đưa vào dự án đầu tư mạng lưới cấp nước. Hiện có ba giải pháp để giải quyết nước sạch cho người dân ở đây:

Một là người dân sẽ bỏ vốn đầu tư, còn công ty hỗ trợ một phần. Cụ thể, qua tính toán chi phí thì tổng số vốn để lắp đặt cho 16 hộ dân ở khu vực trên là hơn 151 triệu đồng. Trong đó, công ty sẽ hỗ trợ 24 triệu đồng, còn người dân phải góp hơn 127 triệu đồng. Như vậy nếu người dân đồng ý lên đóng tiền đầy đủ, công ty sẽ tiến hành thi công ngay.

Trong trường hợp người dân khó khăn thì phải đợi đến đại hội cổ đông của công ty vào tháng 4-2014, công ty sẽ đưa dự án này vào hội nghị để bàn bạc. Tuy nhiên, để hội đồng cổ đông đồng ý dự án này sẽ rất khó vì quy mô dự án nhỏ, hiệu quả chưa cao.

Phương án cuối cùng là công ty sẽ lắp đặt đồng hồ tổng ở đầu hẻm để người dân dùng chung. Để làm được việc này phải có ý kiến cho phép của UBND Q.Bình Thạnh.

Ông HÀ VĂN TIẾN(tổ trưởng tổ 106, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp