Đam mê với công việc, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian để dành cho công việc là những lời tâm sự của cô P.T.N.T (67 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM), chủ một doanh nghiệp kẹo dẻo.
Ung thư hiếm gặp, ngồi suốt 4 tháng
Nhìn cách cô T. làm việc không ai nghĩ người phụ nữ này đã nhiều tuổi, bởi cô vẫn hàng đêm say sưa vẽ ra những loại mẫu kẹo bắt mắt, tạo ra những công thức sản xuất kẹo chất lượng nhất để hài lòng khách hàng trong nước và nước ngoài.
Và đặc biệt, không ai biết cô T. lại mắc một loại bệnh ung thư hiếm gặp vì lúc nào cô cũng xuất hiện trước mặt khách hàng với sự chỉn chu, vui vẻ và luôn giữ uy tín trong công việc làm ăn.
Năm 43 tuổi, khi cô T. mới bắt tay, mày mò tìm những hình dáng, công thức để sản xuất kẹo dẻo thì cô phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ (một loại bệnh ung thư hiếm gặp, diễn tiến nhanh và có tỷ lệ tử vong cao).
Do nhập viện trong tình trạng nặng, đã bị tràn dịch màng phổi hai bên, tràn dịch màng tim, khó thở nên cô không thể nằm và phải ngồi trong suốt 4 tháng để điều trị bệnh.
Ban đầu, cô còn dựa lưng được vào giường bệnh. Nhưng sau này ê người, không dựa được nữa, phải nhờ người nhà đứng để cô dựa vào.
Lúc đó, người nhà kể lại bác sĩ đã nói những trường hợp như cô chỉ có thể sống được từ 2 - 4 tháng.
Ngay sau đợt hóa trị đầu tiên, bác sĩ còn dặn người nhà túc trực liên tục để lỡ có chuyện gì xảy ra thì làm thủ tục cho nhanh.
Động lực chính là tình yêu
Mắc bệnh nặng, lại chỉ ngồi được chứ không nằm được, điều trị bằng hóa trị càng rất mệt nhưng nghĩ đến công việc còn dang dở, chưa bàn giao được cho ai, cô thấy mình cần phải sống để làm nốt những công việc còn dang dở.
Và động lực làm cô khát khao sự sống hơn cả là "người bạn trai, người bạn đồng hành của cô".
Cô T. kể trong nước mắt khi nhớ về những ngày cô bị bệnh và người bạn trai đã chăm sóc cô từng chút một.
Cô kể: "Tôi không lập gia đình nhưng người bạn đồng hành này còn chăm sóc tôi hơn cả những người có gia đình. Ông ấy chăm sóc tôi từ khi tôi phát hiện bệnh đến lúc ông ấy mất đi.
Ban ngày ông lo công việc, ban đêm ông ngủ ở hành lang bệnh viện để tiện chăm sóc tôi. Ông dặn những người làm nấu những món ăn hàng ngày cho tôi. Ông gặp bác sĩ thường xuyên để trao đổi về bệnh tình của tôi.
Trong những lúc ông thấy tôi mệt nhất, ông nắm tay tôi, nhìn tôi với ánh mắt đầy thương yêu và nói còn giây, một phút tôi vẫn phải tin tưởng vào sự sống. Không bao giờ được buông tay. Lúc đó, tôi thấy mình có một động lực để sống. Chính ông đã truyền cho tôi động lực sống ấy".
Trong lúc tình trạng bệnh nặng nhât cô T. lại nhận thấy người bạn đồng hành rất thương, che chở và làm mọi việc vì mình. Chính trong lúc bệnh tình nặng nhất, cô lại thấy mình là người may mắn khi đã gặp được một người tốt và thương yêu mình đến thế.
Niềm tin và ý chí
Cô T. cho rằng: "với những người mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư thì điều quan trọng nhất là phải có niềm tin. Tôi đã sống bằng tinh thần và ý chí. Còn một hơi thở có nghĩa là mình vẫn còn sống, đừng tự sợ hãi. Nếu tinh thần mình xuống thì bệnh, sức khỏe sẽ xuống theo."
"Có người thân chăm sóc tận tình, động viên người bệnh cũng sẽ cho có chỗ dựa tinh thần, có niềm vui, niềm tin. Dù tôi bị bệnh rất nặng nhưng tôi vẫn yên tâm vì luôn có một người đồng hành, hết lòng chia sẻ mọi thứ cùng mình. Có một người như vậy, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ và nghị lực rất nhiều. Tôi cảm thấy cuộc sống còn tươi đẹp" cô T. chia sẻ.
Từ những ngày bắt đầu điều trị bệnh các bác sĩ đều nghĩ tôi không thể nào qua khỏi. Ngay cả sau bao năm điều trị ổn định đến giờ, thỉnh thoảng cô T. đi khám bệnh tim thì nhiều bác sĩ vẫn ngạc nhiên vì có người mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ mà vẫn sống được như cô. Trường hợp của cô T. còn được các bác sĩ ở Mỹ qua lấy tài liệu, chụp hình….
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhận xét: "Làm tại Bệnh viện Ung bướu hơn 20 năm nhưng bác sĩ cũng rất ít gặp bệnh nhân nào bị bệnh nặng mà có nghị lực nhiều đến như vậy.
Mỗi lần bệnh nhân vào hóa chất sẽ bị rụng tóc, ói, rất mệt nhưng bệnh nhân này vừa ói xong đều cố gắng ăn lại không phải vì bệnh nhân đói mà vì có sức khỏe để hóa trị, ý chí sinh tồn của bệnh nhân rất cao, đặc biệt bệnh nhân rất tuân thủ điều trị.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được người thân chăm sóc rất cẩn thận và chính người thân cũng là nguồn động lực cho bệnh nhân.
Sau 3 năm điều trị (1993-1996 ), bệnh nhân đã ổn định bệnh, không tái phát".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận