Phóng to |
Một giảng đường tại Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội rộng khoảng 100m2, tuy nhiên trong kỳ thi liên thông lên đại học, trường đã chia căn phòng này thành hai phòng thi để hơn 100 thí sinh ngồi ngược nhau làm bài - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Trước đó, như Tuổi Trẻ đưa tin, Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội bị phạt 140 triệu đồng cùng yêu cầu hủy quyết định trúng tuyển đối với 141 SV liên thông ĐH khi tham dự kỳ thi liên thông vào tháng 1-2013 mà không đủ điều kiện theo quy định.
Còn Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội bị phạt 60 triệu đồng và thanh tra bộ yêu cầu buộc kiểm tra, rà soát, cho thôi học, trả lại các khoản tiền đã thu của tất cả số SV tuyển sinh sai ở các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội khiếu nại về quyết định xử phạt đồng thời đề nghị xử lý cho số SV được học tiếp và nhận bằng chậm hơn một năm so với bình thường. Riêng trong văn bản khiếu nại của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội gửi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trường này cho rằng đã tuân thủ các quy định hiện hành về liên kết đào tạo với nước ngoài.
Văn bản do phó hiệu trưởng Lê Khắc Đóa nêu rõ các hợp đồng liên kết đào tạo với nước ngoài của nhà trường đều đưa ra đối tượng tuyển sinh được thỏa thuận như sau: học sinh tốt nghiệp THPT, học sinh trúng tuyển ĐH, SV năm 2, năm 3 chuyển tiếp lên năm 3, năm 4. Trong khi đó Bộ GD-ĐT lại yêu cầu đối tượng tuyển sinh là học sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH và đạt điểm sàn, nên trường bị kết luận tuyển sinh sai đối tượng, yêu cầu hủy quyết định trúng tuyển.
“Hiện nay phần lớn các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bậc ĐH ở nước ta đều tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THPT và SV ĐH. Các trường liên kết ở nước ngoài nói chung chỉ yêu cầu người học phải có bằng tốt nghiệp THPT và học bạ THPT để xét tuyển, chứ không yêu cầu điểm sàn kỳ thi ĐH.
Tất nhiên còn phải đáp ứng các yêu cầu khác như trình độ ngoại ngữ, sức khỏe, năng lực học tập và kết quả học tập của tất cả các môn mới đủ điều kiện tốt nghiệp, vấn đề là chất lượng quá trình đào tạo. Trên thực tế SV của trường khi ra nước ngoài học giai đoạn 2 phần lớn đều đạt loại khá, giỏi so với SV các nước và nhiều SV được cấp học bổng, được khen thưởng do thành tích học tập, có SV được xếp nhất, nhì trong lớp…” - văn bản khiếu nại giải thích.
Hiện tại Bộ GD-ĐT đang xem xét các khiếu nại này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc giữ nguyên hay thay đổi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận