Dòng người chen kín tại chợ Viềng Phủ Dày
Năm nay là năm thứ hai do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên phiên chợ Viềng ở Nam Định đã phải tạm hoãn.
Thông tin này chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều người có thói quen đi chợ Viềng như một sinh hoạt văn hóa vào đầu năm mới, sẽ cảm thấy như thiếu đi một thứ gì đó trong cuộc sống, dĩ nhiên tôi và các bạn của tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Còn nhớ những năm trước, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng giêng hằng năm, phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất tại Nam Định lại tấp nập dòng người các nơi kéo về "mua may, bán rủi".
Du khách chen chúc nhau đi vào chợ Viềng
Chính vì chợ họp vào ban đêm nên nó còn có tên gọi khác là chợ "âm phủ". Đây có thể coi là chuyến xuất hành đầu xuân năm mới nên mọi người đều rất háo hức. Tôi và các bạn trong công ty năm nào cũng lên kế hoạch khai xuân mùng 6 thì đêm mùng 7 tháng giêng sẽ đi lễ đền Trần và ghé thăm chợ Viềng ở Nam Định.
Theo như tôi được biết thì ở Nam Định có tới 4 chợ Viềng, chợ thứ nhất là chợ Viềng ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Tuy nhiên chợ này giờ đây chỉ còn tồn tại như một địa danh. Chợ thứ hai là chợ Viềng ở Hải Lạng, huyện Nghĩa Hưng thì hiện nay cũng rất ít người biết đến.
Vì thế cho nên câu "chợ Viềng hai chợ, một phiên" mà ngày nay mọi người thường hay nói, chính là nhắc tới chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dày ở huyện Vụ Bản.
Rất nhiều du khách mua thịt bò tại chợ Viềng về
Tiếng là chợ họp vào ban đêm nhưng ngay từ đầu giờ chiều mùng 7 tháng giêng, tất cả các nẻo đường về chợ Viềng đều đã tấp nập du khách thập phương. Một số người có quan niệm rằng, khi đi chợ Viềng thì du khách có thể đi dạo chơi cả buổi chiều mùng 7, nhưng sau lúc 0h ngày mùng 8 thì hãy mua bởi đó mới là thời điểm để bán rủi, mua may.
Nhìn biển số xe có thể dễ dàng nhận thấy du khách đến từ khắp các tỉnh thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình… Ai nấy đều vui tươi, háo hức mong chờ được tham dự một phiên chợ vô cùng độc đáo vào ngày đầu năm mới.
Du khách đội mưa để mua bán cầu may tại chợ Viềng
Đoàn chúng tôi cũng như nhiều đoàn khác, trước tiên bao giờ cũng rẽ vào đền Trần tại thành phố Nam Định (nơi mà đêm 14 tháng giêng hằng năm sẽ tổ chức lễ khai ấn, để ghi nhớ công lao to lớn của các vua Trần đã có công dựng nước, khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông) để lễ và cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình và người thân. Sau đó cả đoàn đi ăn tối và rẽ sang chợ Viềng thì cũng đã tầm 22h - 23h.
Lúc này tất cả các con đường dẫn vào chợ đều đã chật cứng bởi hàng vạn người ken chặt vào nhau. Xe ô tô của đoàn chúng tôi luôn phải gửi từ ngoài xa hàng kilômet và đi bộ vào chợ.
Du khách vào lễ chùa tại chợ Viềng
Có những năm mưa rét nhưng du khách vẫn sẵn sàng đội áo mưa để đi, bởi thứ mà mọi người cần là được cảm nhận không khí tấp nập, huyên náo và rộn ràng của một trong những phiên chợ đặc biệt nhất Việt Nam.
Chợ Viềng chính là một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, khi chủ yếu bày bán ở đây là các loại nông cụ, các loại cây trồng, cây cảnh và đồ đồng, đồ đá, đồ cổ, đồ cũ… với đủ chủng loại, chất lượng và giá thành.
Hầu hết mọi người đi chợ Viềng đều chung một ý niệm là mua may, bán rủi để năm mới được bình an và may mắn. Vì thế, không ai đặt nặng vấn đề lời lãi. Người bán chớ nói thách cao, người mua cũng không nên mặc cả nhiều để tránh xui xẻo hay làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ.
Đã đi chợ Viềng thì ai cũng có tâm lý phải mua được một thứ gì về để cầu may vì trong quan niệm của nhiều người, đây chính là một cách đơn giản để mua "lộc", rước "lộc" về nhà. Nhiều du khách còn rỉ tai nhau đi chợ Viềng nên mua đồng xu cổ.
Chợ Viềng Nam Định
Một số người còn tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là không được. Tôi là người thích cây cối nên năm nào tôi cũng mua cho mình và mua tặng người thân một vài cây cảnh nhỏ có nhiều lộc xanh tốt. Bấy nhiêu thôi cũng đã khiến tôi và người thân của mình vui cả năm rồi.
Cả hai chợ Viềng mà đoàn chúng tôi đi đều nằm ở những khu vực tâm linh nổi tiếng. Chợ Viềng ở Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên ngoài việc mua bán cầu may ngoài chợ, du khách còn có thể vào chùa để lễ.
Mặc cho trời mưa rét, du khách vẫn đội ô và áo mưa để chọn lựa mua cây cảnh tại chợ Viềng
Còn chợ Viềng ở Vụ Bản lại là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, đặc trưng tín ngưỡng thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái.
Nếu du khách là người yêu thích nghệ thuật dân gian thì sẽ được đắm mình trong các nghi lễ chầu văn - một phần của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là sự kết hợp nhiều yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng… được trình diễn tại chốn thờ tự của đạo Mẫu.
Niềm vui của du khách khi mua được chậu cây cảnh ưng ý
Nghe nói chợ còn họp đến hết ngày mùng 8 thì mới tan, nhưng năm nào chúng tôi cũng đi đi lại lại giữa bạt ngàn các mặt hàng bày bán ở hai chợ Viềng, cho đến tầm 6 - 7h ngày mùng 8, khi chân đã mỏi và mỗi thành viên trong đoàn đều mua được ít nhất một thứ ưng ý tại chợ, chúng tôi đã quyết định ra xe để về.
Có lẽ do tâm lý háo hức và khung cảnh vui nhộn của chợ đã giúp chúng tôi đi và thức trắng đêm nhưng ai cũng vẫn thấy tỉnh như sáo. Chỉ đến khi lên xe rồi, mọi người mới thấm mệt và ngủ thiếp đi cho đến tận khi xe về đến sân của công ty.
Mọi người uể oải xuống xe xách theo những thứ đã mua được ở chợ cầu may. Thế nhưng trước khi chào tạm biệt, vẫn không ai quên nở một nụ cười và hẹn nhau "mùng 7 Tết sang năm lại cùng đi chợ Viềng tiếp nhé!".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận