11/03/2022 20:47 GMT+7

2 năm đại dịch COVID-19: 3 hiểu lầm và 3 điều cần lưu ý

TTXVN
TTXVN

TTO - Ngày 11-3 là tròn 2 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Đến nay, hơn 450 triệu người đã mắc bệnh, hơn 6 triệu người tử vong. COVID-19 trở thành một trong những đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

2 năm đại dịch COVID-19: 3 hiểu lầm và 3 điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân - Ảnh: AFP

Mới đây, trang abc.net của Úc đăng tải bài đánh giá của giáo sư Adrian Esterman, chuyên ngành thống kê sinh học và dịch bệnh học, tại Đại học Nam Úc, chỉ ra 3 điều thế giới đã từng hiểu sai về COVID-19 và 3 điều cần chú ý trong tương lai.

Trong thời gian đầu dịch bệnh mới xuất hiện, có nhiều điều thế giới còn chưa hiểu rõ về virus SARS-CoV-2 dẫn tới một số quan niệm sai lầm. 

Điều đầu tiên, đó là hoài nghi về khả năng tìm ra vắc xin phòng bệnh. 

Trước khi COVID-19 xuất hiện, giới khoa học đã nỗ lực phát triển các loại vắc xin ngừa virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đều do 2 chủng virus corona giống như SARS-CoV-2 gây ra. 

Một số loại vắc xin đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng nhưng chưa loại nào được cấp phép. Trước vắc xin phòng COVID-19, vắc xin phòng bệnh quai bị là loại được phát triển nhanh nhất trong lịch sử và cũng cần 4 năm hoàn thiện. 

Tuy nhiên, Pfizer/BioNTech thông báo phát triển thành công vắc xin phòng COVID-19 trong vòng 12 tháng, và đến nay đã có hơn 10 loại vắc xin được cấp phép sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và hơn 100 loại đang ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. 

Hiện Pfizer và Moderna đều đã thông báo tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng biến thể Omicron, và nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng đang phát triển các vắc xin có tiềm năng phòng mọi loại biến thể của virus.

Sai lầm thứ hai là suy nghĩ không cần đeo khẩu trang. Trong thời gian đầu, khi chưa có vắc xin, các biện pháp vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang giúp giảm lây nhiễm. Tuy nhiên, trong khi đa số ý kiến ủng hộ biện pháp rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội thì biện pháp đeo khẩu trang lại gặp phải những luồng ý kiến trái chiều. 

Trước tháng 4-2020, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ từng ra khuyến nghị không cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng, chủ yếu do 2 nguyên nhân là lo ngại thiếu nguồn cung khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 cho các địa điểm có nguy cơ cao hơn, ngoài ra khi đó các ca không triệu chứng và ca ủ bệnh chưa phát triệu chứng được tin là không có khả năng lây bệnh. 

Tuy nhiên, đến ngày 3-4-2020, CDC đã điều chỉnh hướng dẫn và khuyến nghị người dân đeo khẩu trang vải nhiều lớp và đến nay là đeo khẩu trang vừa khít và ôm vào mặt. Với biến thể Omicron, nhiều chuyên gia cho rằng đeo khẩu trang vải không đảm bảo mà cần đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc chuyên dụng hơn.

Sai lầm thứ 3 là trong những ngày đầu đại dịch mới xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng các bề mặt tiếp xúc là nơi có nguy cơ lây truyền virus nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các thông tin đều chỉ ra virus lây lan đầu tiên là qua các giọt bắn và dịch tiết. Các nhà khoa học ngày nay tin rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt nhiễm khuẩn là rất ít.

2 năm đại dịch COVID-19: 3 hiểu lầm và 3 điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID". Trong ảnh là điểm xét nghiệm nhanh tại Thượng Hải ngày 11-3, khi Trung Quốc ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ - Ảnh: REUTERS

Tác giả bài viết cũng nêu 3 điều thế giới cần chú ý trong tương lai. 

Thứ nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và gây bệnh nghiêm trọng hơn. Một trong những cơ sở chính để lo ngại là tỉ lệ tiêm phòng còn thấp ở nhiều quốc gia đang phát triển. Virus càng lây lan và sao chép ở nhiều người chưa tiêm phòng thì càng có nguy cơ xuất hiện các đột biến và biến thể mới.

Thứ 2 là tình trạng miễn dịch giảm dần theo thời gian. Nhiều người già và người dễ bị tổn thương đã tiêm mũi 3 từ tháng 11 hoặc tháng 12-2021 hiện đang cho thấy khả năng miễn dịch giảm nhanh. Do đó, nhóm này cần được tiêm mũi 4 càng sớm càng tốt.

Thứ 3 là các triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19. Khi số lượng người mắc COVID-19 ngày càng tăng thì số người chịu các vấn đề sức khỏe kéo dài cũng sẽ ngày càng nhiều. Do đó, tác giả cho rằng nhà chức trách cần duy trì một số biện pháp phòng dịch cơ bản như quy định đeo khẩu trang để hạn chế số người bị mắc bệnh.

Dù cho rằng hiện chưa phải lúc để coi đại dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu và cần nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường, tác giả bài viết vẫn tin rằng với các loại vắc xin tốt hơn và các phương pháp điều trị được cải thiện, thế giới đang bắt đầu giai đoạn cuối của thời kỳ đại dịch.

Thế giới vượt cú sốc mang tên đại dịch COVID-19 Thế giới vượt cú sốc mang tên đại dịch COVID-19

TTO - Vào đêm 11-3-2020 (theo giờ Việt Nam), COVID-19 chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là "đại dịch toàn cầu". Sau hai năm, bức tranh dịch bệnh đã có nhiều thay đổi.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp