08/05/2019 15:43 GMT+7

2 năm chưa xử phạt trường hợp nào hút thuốc tại khu vực giao thông công cộng

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Tại TP.HCM, mặc dù đã tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc tại khu vực giao thông công cộng từ năm 2012, tuy nhiên suốt hai năm (2017 và 2018) qua, chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử phạt.

Thông tin trên được bà Nguyễn Hoàng Yến - giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) - cho hay trong cuộc họp giới thiệu đề án: "Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng tại bến xe buýt Sài Gòn và bến xe miền Tây" vào ngày 8-5 tại Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM.

Theo bà Yến, mục đích đề án là hướng đến giảm 50% số người hút thuốc lá thụ động tại 2 bến xe vào cuối năm 2020. Theo đó, giảm và tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trên phương tiện vận tải hành khách.

Tuy nhiên, việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, lý do chính là quá trình giám sát và xử lý vi phạm chưa thực sự hiệu quả - bà Yến nhận định.

Ông Trịnh Văn Hiệp - chuyên viên Phòng chống tác hại thuốc lá, cố vấn Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng - chia sẻ về việc triển khai đề án trong thời gian sắp tới - Video: XUÂN MAI 

Theo ông Trịnh Văn Hiệp - chuyên viên Phòng chống tác hại thuốc lá, cố vấn Trung tâm (CHD), "bến xe không khói thuốc lá" là không có hiện tượng hút thuốc, kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong toàn bộ khu vực "trong nhà" của địa điểm này.

Tuy nhiên, qua kết quả quan sát thực tế tại bến xe miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn từ ngày 20-11-2018 đến 28-12-2018 cho thấy: tại 2 bến xe đều có biển báo "Cấm hút thuốc" nhưng rất khó quan sát, có điểm mua bán thuốc lá tại khu vực bến xe và rất dễ mua, đặc biệt là không thấy trường hợp hút thuốc lá nào xử phạt.

Đại diện bến xe buýt Sài Gòn và bến xe Miền Tây cho rằng bến xe thường tập trung đông người, là nơi có nhiều thành phần phức tạp. Nếu bảo vệ, nhân viên bến xe nhắc nhở và xử lý không khéo léo, có thể gây cãi vã, thậm chí gây gổ.

Vậy để người dân dần tiếp nhận xử phạt vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới, ông Hiệp gợi ý quan điểm xử phạt cần nhẹ nhàng, tế nhị nhưng phải nghiêm túc và rõ ràng.

"Chúng tôi không muốn xử phạt, chỉ muốn thực hiện tốt. Xử phạt là biện pháp cuối cùng" - ông Hiệp lưu ý cách ứng xử với người vi phạm.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vào năm 2015, tỉ lệ hút thuốc thụ động tại điểm giao thông công cộng 19,4%.

Kết quả này cho thấy việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại một số điểm giao thông công cộng chưa thực sự được quan tâm đúng mức mặc dù mọi người đều mong muốn được sống trong môi trường sạch không khói thuốc lá.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp