Một trong hàng trăm khoảnh khắc cuộc sống được hai chàng trai Hải Phòng thực hiện với lời nhắn nhủ: "84 tuổi sức khỏe yếu nhưng ông vẫn rất yêu lao động, vậy bạn còn lý do gì để lười biếng?" - Video: NVCC
Đó là những gì người xem cảm nhận được khi xem những video ngắn, chia sẻ câu chuyện cuộc sống lao động muôn màu của kênh TikTok 16.memories, do Lê Huy Anh (23 tuổi) và Lê Tiến Huy (22 tuổi), cùng trú tại TP Hải Phòng, thực hiện.
Mỗi đoạn video của kênh chia sẻ hiện nay luôn nhận được hàng ngàn cho đến hàng trăm ngàn lượt xem, yêu thích. Rất nhiều bình luận đánh giá cao ý nghĩa nhân văn khi đã chuyển tải được phần nào vẻ đẹp cuộc sống lao động qua những lời tâm sự hết sức mộc mạc, chân chất của "người trong cuộc".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về lý do lựa chọn cái tên "16.memories", hai thanh niên Huy Anh và Tiến Huy cho biết có nhiều người đam mê chụp ảnh, nhưng không có nhiều người đi sâu chụp ảnh người lao động trên đường phố nên nhóm quyết định lập ra kênh TikTok 16.memories. 16 là biển số xe cũ của Hải Phòng, và Memories nghĩa là khoảnh khắc để ghi lại hình ảnh của những người lao động, sau đó sẽ in ra và tặng họ.
Hai người hỏi han, lắng nghe những tâm sự về câu chuyện nghề, chuyện đời để rồi sau đó biên tập lại, chia sẻ câu chuyện ấy đến với tất cả mọi người.
Nói thêm về động lực để làm kênh, Huy Anh cho biết ngoài tình yêu với Hải Phòng, nhóm muốn chia sẻ và ghi lại những câu chuyện rất đời thường và qua mỗi đoạn video là mỗi một thông điệp khác nhau về cuộc sống, gia đình, công việc…
"Chúng tôi muốn làm một nội dung khác lạ, nội dung nhân văn, truyền được cảm hứng cho giới trẻ thông qua những hình ảnh lao động đời thường", Huy Anh cho hay.
Lê Huy Anh (23 tuổi, bên phải) và Lê Tiến Huy (22 tuổi) vẫn đang miệt mài lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống lao động và chuyển tải qua kênh TikTok 16.memories của mình - Ảnh: NVCC
Nói về những khó khăn khi thực hiện công việc này, Tiến Huy cho biết ban đầu cả hai phải đắn đo rất nhiều trong việc lựa chọn thiết bị, bởi lúc bắt đầu đang là sinh viên, kinh tế khá khó khăn… Sau một khoảng thời gian, họ tìm mua được các thiết bị cũ và đã "bắt tay" sản xuất nội dung.
Cả hai đi nhiều nơi, nhiều chỗ để tìm những nhân vật mà mình muốn chụp. Trong suốt "hành trình" đó, khi thì phải đuổi theo nhân vật để chụp ảnh, phải dành nhiều thời gian "ẩn nấp" để chụp được khoảnh khắc tự nhiên nhất của những người làm công việc di động như: đạp xe bán rau, nhặt phế liệu…
Có nhiều thời điểm, cả hai bị "lạc" mất nhân vật, bởi phải chỉnh ảnh, in ảnh và đóng khung, nhưng khi thì máy in hết giấy hoặc hỏng băng mực in đều phải chạy về nhà.
Vượt qua những khó khăn gặp phải, Huy Anh cho biết đến nay nhóm đã thực hiện được tổng cộng khoảng 300 - 400 câu chuyện cuộc sống lao động. Qua từng câu chuyện, nhóm hy vọng các bạn trẻ sẽ thấy có trách nhiệm hơn với gia đình, có thêm động lực lao động, vươn lên trong cuộc sống.
Nói về định hướng trong thời gian tới, hai chàng trai cho biết mong muốn lớn nhất là sẽ đi được nhiều tỉnh, thành hơn để không chỉ ghi lại những câu chuyện về người lao động mà còn khám phá và chia sẻ nét văn hóa, ẩm thực, con người của mỗi vùng miền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận