22/09/2016 11:29 GMT+7

2 cha con chống cát tặc

YẾN TRINH - HỮU KHOA (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - HỮU KHOA ([email protected])

TTO - Hai cha con ông Nguyễn Văn Phó (75 tuổi) và anh Nguyễn Tuấn Hải (46 tuổi) được người dân ở khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, Q.9 (TP.HCM) mến mộ vì thành tích đối phó với nạn khai thác cát lậu ở khu vực sông Đồng Nai.

Ông Nguyễn Văn Phó cùng con trai Nguyễn Tuấn Hải kể chuyện chống cát tặc - Ảnh: H.KHOA
Ông Nguyễn Văn Phó cùng con trai Nguyễn Tuấn Hải kể chuyện chống cát tặc - Ảnh: H.KHOA

Rặt nét nông dân, ông Phó ngồi gác chân, quắc mắt nói: “Tới bữa nay thì đất biến thành sông gần như sạch bách hết rồi. Cuộc chiến giữa dân ở đây với cát tặc chắc không có hồi kết, nhưng mà tui không sợ”.

Không biết bao nhiêu lần mấy người khai thác cát lậu gặp, gọi điện rủ tui làm chung, sẽ cho nhiều tiền. Có người còn nói tui tốn công chống đối chi cho mệt, nhưng nhà tui mấy đời ở đây, đất đai ở đây là đất mồ hôi nước mắt của bà con mình, mình theo mấy người đó thì còn mặt mũi đâu mà sống nữa

NGUYỄN TUẤN HẢI

Không đành lòng nhìn hàng xóm khóc

Tờ bản đồ số 21 (P.Long Phước) nếu trước đây là cái để người dân chỉ vào nói rằng đất mình ở mấy vị trí đó, thì nay chỉ còn là tiếng thở dài phẫn uất vì đất đã bốc hơi theo nạn khai thác cát lậu. Anh Hải kể anh đã chứng kiến nhiều người khóc ngất vì mất cả ngàn mét vuông đất. “Có những đôi vợ chồng mua đất ở đây đã lâu, nay xuống tính làm nhà mới biết đất đã không còn. Hầu như lúc nào cũng có người khổ sở vì phát hiện đất của mình mất đi từng ngày” - anh Hải nói.

Ở khu vực này, cha con anh Hải đếm cũng khoảng 20 người đã bị mất đất do nạn khai thác cát lậu. Nhưng phần lớn họ chẳng dám phản ứng vì cát tặc lộng hành, sẵn sàng đe dọa khi có người phản ứng.

Nhắc tới cha con anh, anh L.T.H. (người dân bị mất đất) nói: “Nhiều lúc 1-2g sáng thấy anh Hải lái ghe trên sông Đồng Nai đi coi tình hình cát tặc, tui cũng thấy hồi hộp và lo sợ cho tính mạng của ảnh. Vì mấy nhóm cát tặc này manh động và chống trả quyết liệt khi phát hiện người truy bắt và theo dõi. Anh Hải nhiều lần bị tàu của cát tặc húc thẳng vào ghe văng xuống sông và nhiều lần bị đe dọa rồi”.

Còn anh T.V.T. gần nhà cha con anh Hải tấm tắc: “Anh Hải hả? Cả khu này không ai bản lĩnh như ảnh. Khi có người xuống đây hỏi thăm tình hình cát tặc trên sông Đồng Nai thì không ai dám trả lời gì cả, dù tất cả bà con ở khu vực này tận mắt chứng kiến cảnh hút cát từng ngày. Riêng anh Hải là một trong những người dũng cảm đứng ra tố giác, xua đuổi cát tặc”.

Ngày đêm chống cát tặc

Chẳng có ai nhờ vả hay xúi bảo, hai cha con ông Phó và anh Hải tự động đứng ra chống lại nạn khai thác cát trái phép từ năm 1976, khi ông Phó được bầu làm tổ trưởng khu phố Trường Khánh này, tới giờ. Ông Phó nheo nheo mắt, nhớ lại những ngày ông mới về vùng này sinh sống. Khi đó đất đai khu vực này rộng vô chừng, nhà này cách nhà kia xa lắc. Rồi nhận thấy cát là nguồn lợi quá lớn, những nhóm khai thác cát lậu từ các vùng Bình Dương, Long An, Đồng Nai... kéo qua làm ăn.

Ông kể: “Đêm khi nước cạn, nằm nghe tiếng máy bơm là biết đang hút cát. Đêm nào nghe hút cát là đêm đó không ngủ yên được vì tức”. Thậm chí phần đất của gia đình ông chắt chiu từ đời trước cũng đã bốc hơi vào khoảng năm 2010. Khi ông muốn bán đi để lấy tiền cho con cái, ra tận nơi mới biết chẳng còn gì.

Cảm giác của ông có lẽ cũng là cảm giác của bao nhiêu người đã không còn “tấc đất cắm dùi” trong khu vực này. Bờ bãi nơi này giờ trơ ra, có chỗ sâu đến 10m. Người dân cắm cọc nhọn lỗ chỗ phòng việc hút cát nhưng vẫn không ăn thua.

Hồi đó, mấy nhóm khai thác cát lậu còn di chuyển bằng sà lan, “cạp” đất trên bờ quăng đi để lấy cát ở mé dưới. Ban ngày hút giữa sông, ban đêm hút trong bờ. Là tổ trưởng dân phố, nghe dân phản ảnh, ông không thể coi như không có gì được. Vậy là cứ đêm đêm ông lại một thân một mình chạy ghe ra sông, neo ở gần chỗ có khai thác cát lậu để chờ.

Ông đề nghị cát tặc chấm dứt việc hút cát. Rồi ông dẫn các chủ đất đêm khuya đi rình bắt cát tặc. “Cứ sà lan này nhào vô cạp là mấy chiếc khác cặp sát đợi. Mỗi lần thấy, tui lại báo cho bên phường, phường ra bắt đem về phạt. Sau đó cát tặc vẫn... tiếp diễn” - ông nói.

Có đêm ông Phó đi cùng một chủ đất để bắt quả tang nạn hút cát. Tới khúc cồn Cò, vừa đụng độ, không ngờ ghe của cát tặc quay ngược lại “dí” ghe ông. Nhắm có thể bị “ủi” luôn xuống sông, ông nhanh trí nhảy lên bờ chạy về nhà. Tới sáng ông ra coi lại mới biết ghe của mình đã chìm mất hút. Hỏi ông có sợ không, ông đáp: “Sợ gì chớ, tui làm vì dân thì có gì mà sợ. Cùng lắm thì tiêu cái mạng thôi, nhưng phải làm cho ra lẽ chứ để vậy hoài sao đặng”.

Năm 2006, sau 30 năm, ông Phó thôi làm tổ trưởng khu phố. Khi đó nạn khai thác cát lậu vẫn hoành hành, thậm chí ngày càng dữ dội hơn. Có chỗ “cát tặc” thản nhiên mua bán cát vừa hút xong như chốn không người. Anh Hải thấy cảnh như vậy, thấy ngày ngày cha vẫn đi ra đi vô nhắc chuyện chống cát tặc thì chạnh lòng.

Năm 2008, khi làm lái tàu chở công nhân đi thi công đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, khi phát hiện cát tặc sắp sửa hút cát, anh cùng công nhân lái tàu “dí” chúng chạy. Mấy lần đó cát tặc có ngán, nhưng rồi đâu lại vào đó...

Lần mới nhất anh Hải đụng độ cát tặc cách đây ba tháng. “Lúc đó hơn 10g đêm, tui mới bắt đầu chạy ghe đi thì cát tặc phát hiện, do mấy người này biết mặt tui rồi nên lên tiếng chửi, dọa dẫm. Rồi họ đòi sống chết với tui, đụng thẳng vô ghe làm tui rớt xuống sông. Suýt chết” - anh Hải nhớ lại. Đó cũng không phải là lần duy nhất.

Cũng không dưới hàng trăm lần anh Hải báo cho trạm 6 (thuộc Phòng CSGT đường thủy TP.HCM) để bắt những người khai thác cát lậu. Anh biết tên từng nhóm cát tặc, biết luôn xuất thân, thời điểm hút cát... nhưng cũng có lúc đành ngậm ngùi nhìn cát tặc thản nhiên “ăn” đất của dân. Bởi anh chỉ là một người dân bình thường, không có quyền hành gì và cũng không đủ sức để đối đầu với những nhóm cát tặc ngày đêm lộng hành.

Không bị mua chuộc

Hỏi cha con anh Hải về chi phí chạy ghe đi chống cát tặc, anh cười xòa: “Thì mình tự đổ dầu mà đi, chưa kể bị chìm mấy chiếc ghe do bị cát tặc ủi rồi. Nhưng mình vẫn nhất quyết chống cát tặc, nên không nề hà chuyện tốn kém đó đâu”.

Ròng rã mấy mươi năm, hai cha con vẫn không bỏ cuộc. Hiện tại anh Hải chạy ghe thuê mỗi khi có người mướn và phụ vợ đưa đón con đi học. Vợ con dù rất lo lắng cho anh nhưng ủng hộ việc làm phải lẽ của anh. Điều này cùng với sự tin tưởng của bà con có lẽ là động lực để hai cha con anh tiếp tục công việc “không ai mướn” này.

Anh Hải kể anh từng nhận nhiều tin nhắn đe dọa thẳng thừng, nhiều tin hỏi như thách thức: “Có phải đất của ông đâu mà ông xía vào?”, “Việc gì tới ông, bỏ đi nghe”.

Anh Hải kể: “Không biết bao nhiêu lần mấy người khai thác cát lậu gặp, gọi điện rủ tui làm chung, sẽ cho nhiều tiền. Có người còn nói tui tốn công chống đối chi cho mệt, nghe lời mấy người đó là giờ có xe hơi đi rồi. Nhưng nhà tui mấy đời ở đây, đất đai ở đây là đất mồ hôi nước mắt của bà con mình, mình theo mấy người đó thì còn mặt mũi đâu mà sống nữa”.

Anh Hải cũng nhiều lần gọi lên số đường dây nóng của bí thư Thành ủy nêu tình trạng khai thác cát lậu. Rồi anh được Phòng Tài nguyên - môi trường Q.9 mời lên làm việc, ghi nhận phản ảnh của anh. Hiện giờ anh vẫn tiếp tục gọi mỗi khi phát hiện nạn khai thác cát lậu.

Ba năm qua anh cũng vận động bà con - những người bị mất đất - ký tên vào đơn chống nạn khai thác cát lậu để gửi lên Thành ủy. Anh tới từng nhà thuyết phục, ghi địa chỉ nhà bởi người dân nơi này luôn sợ cát tặc. Nhưng với cha con anh Hải, dù có thế nào họ cũng quyết không từ bỏ.

Người dân dựng chòi canh cát tặc           - Ảnh: H.KHOA
Người dân dựng chòi canh cát tặc - Ảnh: H.KHOA

Nguồn tin của nhà báo

Anh Nguyễn Tuấn Hải đã giúp một số đơn vị báo đài thực hiện các bài viết, những thước phim về nạn khai thác cát lậu ở khu vực anh sinh sống. Ngoài việc hướng dẫn cho báo đài về thời điểm cát tặc hút trộm cát, anh Hải còn hóa trang cho phóng viên khi tiếp cận bãi hút trộm cát bằng các cách thức khác nhau. Do địa bàn hút cát trộm nằm ngoài khu vực sông lớn nên anh Hải thường xuyên phải canh chừng cho phóng viên khi ngâm mình cả ngày trong nước để ghi hình.

Dù ngày hay đêm, mỗi khi phát hiện cát tặc hút cát trái phép trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn P.Long Phước, Q.9 là ngay lập tức anh Hải theo dõi và gọi cho một số báo đài nắm tình hình. Anh không bao giờ nề hà hiểm nguy, vất vả.

YẾN TRINH - HỮU KHOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp